ClockThứ Hai, 25/05/2020 07:15

Hầm đường bộ Hải Vân 2: Phấn đấu về đích sớm

TTH - Ông Phan Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đèo Cả thông tin: Thời điểm này, đội ngũ kỹ sư, công nhân đang nỗ lực thi công, đặt mục tiêu đưa hầm đường bộ Hải Vân 2 hoàn thành vào tháng 9/2020, về đích trước 3 tháng so với kế hoạch Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề ra.

Giảm ùn tắc giao thông cho hầm Hải Vân 1Tháo dỡ trạm thu phí Nam Hải VânĐẩy nhanh tiến độ mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2

Lắp đặt trụ LPS khu vực phía Bắc hầm Hải Vân 2

Ước mơ thành hiện thực

“Không còn lâu nữa, khi hầm Hải Vân 2 đưa vào sử dụng, ống hầm Hải Vân 1 sẽ thành lưu thông một chiều, tạo điều kiện giao thông thuận lợi giữa các tỉnh khu vực miền Trung”- một kỹ sư đang giám sát thi công ở đường dẫn vào phía bắc hầm Hải Vân 2 chia sẻ. Mục tiêu trên cũng là ước mơ không chỉ của người dân Huế từ khi hầm Hải Vân 1 đưa vào khai thác năm 2005.

Dự án (DA) hầm Hải Vân 2, công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á; qua gần 4 năm thi công với gần 600 nghìn mét khối đá được vận chuyển ra ngoài, hơn 6,2 km đường hầm được đục thông.

Tại cửa hầm phía Bắc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống đèn chiếu sáng, rãnh thoát nước trong hầm, ốp gạch vòm, ngách thông giữa hầm Hải Vân 1 và Hải Vân 2 đang được thi công hoàn chỉnh.

Tổng Giám đốc Công ty CP Đèo Cả, đơn vị được Bộ GTVT giao chủ đầu tư DA hầm đường bộ Hải Vân 2 chia sẻ, đến nay, việc thi công hầm, như đào và gia cố, bê tông vỏ hầm, bê tông mặt đường, nền đường, đường bảo dưỡng... cơ bản hoàn thiện. Song song với các hạng mục trong hầm là những cây cầu, đường dẫn hai đầu bắc nam cũng được thảm nhựa đạt hơn 90% khối lượng công việc.

Hiện, các hạng mục còn lại như hệ thống thiết bị cơ điện, hệ thống giao thông thông minh (IST), phòng cháy chữa cháy... đa phần được đặt hàng từ các nước châu Âu được các nhà thầu tập kết hơn 90% tại công trường; trong đó đã lắp đặt thiết bị trong hầm gần 70%.

Theo ông Thắng, điều bất khả kháng do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 vừa qua là nhiều gói thiết bị vận chuyển về công trình hơi chậm. Tuy nhiên, trong lúc chờ thiết bị trên đường vận chuyển về, chủ đầu tư cùng tư vấn giám sát, cùng các đơn vị thi công đã linh hoạt bố trí kế hoạch thi công phù hợp với tình hình thực tế, không hao phí thời gian...

Dấu son của một công trình

Ai đã từng dõi theo quá trình xây dựng những công trình hầm đường bộ của Việt Nam, từ hầm đường bộ Hải Vân 1 cách đây hơn 15 năm, đến hầm đường bộ đèo Cả, hầm đường bộ đèo Cù Mông...mới càng cảm phục những người thợ đào hầm.

Nếu công trình hầm Hải Vân 1 do các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc giữ vai trò chủ lực, phía Việt Nam tham gia với tư cách nhà thầu phụ thì ở công trình hầm Hải Vân 2, dấu ấn đậm nét của người thợ Việt đã làm chủ công nghệ khoan hầm có thương hiệu mang tên Tập đoàn Đèo Cả.

Ông Phạm Thanh Hà, Giám đốc Ban Quản lý DA hầm đường bộ Hải Vân nhận định, việc ra đời của hầm Hải Vân 2 hôm nay là một sự nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công.

Với kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, kỹ sư công nhân Tập đoàn Đèo Cả từ đầu tư, thi công DA Hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông... ở DA hầm đường bộ Hải Vân 2, thời gian thi công được rút ngắn, chất lượng đảm bảo, dù giải pháp thi công 2 mũi từ phía Bắc và phía Nam chịu áp lực địa chất phức tạp, giới hạn khung thời gian nổ mìn 2 lần/ngày.

Hơn nữa, do thi công hầm đường bộ không phải từ đầu mà trên cơ sở mở rộng hầm thoát hiểm, trong thời gian thi công, hoạt động lưu thông của các phương tiện trên hầm Hải Vân 1 hiện tại và hầm thoát hiểm vẫn diễn ra bình thường, nên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà thầu thi công với đơn vị quản lý vận hành khai thác hầm cùng hai địa phương - tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng.

Vậy là đúng sau 15 năm kể từ khi hầm đường bộ Hải Vân 1 ra đời, lại thêm một kỳ tích nữa được ghi dấu dưới chân Hải Vân quan hùng vĩ.

DA Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ GTVT phê duyệt năm 2016 gồm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 7.295 tỷ đồng. Giai đoạn I sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân. Giai đoạn II mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe. Việc xây dựng đưa hầm Hải Vân 2 vào khai thác sẽ góp phần giảm tải cho hầm Hải Vân 1, xóa “điểm nghẽn” lưu thông trên tuyến đường huyết mạch quốc gia cũng như kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung với cả nước.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mức thu phí sử dụng đường bộ mới áp dụng từ 1/2/2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2023/NĐ-CP quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Nghị định quy định rõ mức thu phí sử dụng đường bộ đối với từng loại phương tiện.

Mức thu phí sử dụng đường bộ mới áp dụng từ 1 2 2024
Dự thảo nghị quyết đã mở rộng nhóm đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 27/10, tổ 4 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Dự thảo nghị quyết đã mở rộng nhóm đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù
Return to top