ClockThứ Bảy, 02/03/2019 15:32

Hiến kế cho thành phố bốn mùa hoa và phát triển giao thông công cộng

TTH.VN - Làm gì để Huế trở thành “thành phố bốn mùa hoa” với những loại hoa đặc trưng tạo nên không gian đô thị xanh, thơ mộng? Và thời gian tới có cách nào hạn chế được phương tiện cá nhân, tiến tới sử dụng phương tiện công cộng? Hai câu hỏi gợi mở đã làm cho không khí trao đổi của các chuyên gia, người tham dự hào hứng.

Sẽ tổ chức Diễn đàn trao đổi đề án thành phố bốn mùa hoaThêm những con đường hoa, cánh đồng hoaHuế - làng cổ Phước Tích - Thanh Tân – Huế

Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển trao đổi tại diễn đàn

Mỗi người một ngành nghề, đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng tất cả tự nhận “nặng lòng” với Huế khi luôn háo hức với những đề án sắp được triển khai. Diễn đàn với chủ đề “Huế - thành phố bốn mùa hoa và giao thông công cộng” được Viện Nghiên cứu và phát triển tỉnh tổ chức vào sáng 2/3 như một cơ hội để họ có thể trải lòng, và góp ý.

Để Huế có mùa hoa đặc trưng

Không gian của diễn đàn mở được tổ chức ngay trên chiếc thuyền trên sông Hương, khởi điểm xuất phát từ Nghinh Lương Đình ngược lên thượng nguồn. Bắt đầu câu chuyện trong không gian nên thơ ấy, TS Đặng Minh Nam – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh đã khát quát lại lịch sử, địa lý, danh lam thắng cảnh Huế… một cách cụ thể và cho rằng, Huế có rất nhiều lợi thế với với một không gian xanh, dòng sông Hương chảy qua lòng đô thị, kiến trúc đặc trưng, hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi.

Nói như thế để thấy rằng khi đề án “Huế thành phố bốn mùa hoa” nếu được triển khai sẽ làm cho không gian đô thị trở nên đẹp ngay cho chính người dân, và xa hơn là du khách, bạn bè phương xa. “Câu hỏi đặt ra là làm cho ai? Đối tượng không chỉ là người dân mà còn hướng đến du khách. Chúng ta trồng hoa gì vào mùa nào, cho ra màu nào và ở góc độ chính quyền, cho đến doanh nghiệp lẫn người dân cần có những động thái ra sao?” – ông Nam đặt vấn đề và nhấn mạnh các nước trên thế giới làm được thì Huế cũng có thể làm được nhưng với một đặc trưng riêng, sự sang trọng không lẫn lộn. Cũng theo ông Nam hoa ở đây không chỉ có nghĩa là hoa thật mà còn có thể là hoa nhân tạo, rồi hoa “ánh sáng” về đêm như cách làm đẹp Huế bấy lâu nay.

Hoa Ngô đồng - một loài hoa đặc trưng gắn liền với hình ảnh di sản

Tranh luận thành phố bốn mùa hoa, chuyên gia cây xanh Đỗ Xuân Cẩm chỉ ra Huế có rất nhiều điểm mạnh. Trong đó có thể kể đến điều kiện sinh thái môi trường khá phù hợp, có khả năng dung nạp nhiều chủng loại cây xanh ngoại lai, có vỉa hè hoàn chỉnh đủ điều kiện trồng cây xanh, có nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành, hệ thống cây xanh đa dạng và phong phú chủng loại…

“Thế nhưng, chúng ta cần lưu tâm khi vẫn còn một số điểm yếu: hiện trạng cây xanh đô thị thiếu tính hệ thống, chưa hoàn thiện về mặt mỹ quan, nguồn giống thiếu, chưa đảm bảo chất lượng. Nhiều đường phố chưa có cây xanh cũng như việc quản lý còn lỏng lẻo”, ông Cẩm cho hay. Nói về việc triển khai thành phố bốn mùa hoa, ông Cẩm lưu ý thách thức về khí hậu, cần nghiên cứu kỹ lưỡng các loại cây trồng vào mùa mưa.

Một vài ý kiến cho rằng, một số nước trên thế giới đã làm được bằng cách tổ chức những cuộc thi để người dân trang trí hoa, từ đó khuyến khích việc tăng cường bảo vệ không gian xanh – sạch – đẹp. Có thể nghiên cứu những mô hình như thế để đưa vào đề án. Hay ý kiến nên chăng việc trồng cây xanh, trồng hoa cũng như những tiêu chí khác nằm trong tiêu chí văn hóa, nên khuyến khích từ người dân ở tổ dân phố, đường phố, làng xóm… cùng nhau phát động, triển khai.

Cần kế hoạch cụ thể phát triển giao thông công cộng

Trong khi đó, vấn đề hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và tăng phương tiện công cộng cần một kế hoạch cụ thể bởi số lượng phương tiện tiếp tục phát triển quá sức chịu đựng cửa hạ tầng. Ở bối cảnh đó, vận tải hành khách công cộng được xem là một trong các yếu tố quyết định hạn chế lưu thông xe cá nhân.

TS Lương Hoài Nam - Chuyên gia về Giao thông và du lịch nói về vấn đề giao thông của đô thị Huế

TS Lương Hoài Nam - Chuyên gia về Giao thông và du lịch, cho rằng Huế là thành phố với quy mô tương đối nhỏ nên việc đáp ứng giao thông công cộng cũng khá đơn giản. Theo chuyên gia này, Huế cần hai loại phương tiện chủ lực là xe buýt và tàu điện thường. Hai phương tiện đó kết hợp với xe đạp sẽ phục vụ được nhu cầu người dân và du khách đến Huế. Nếu làm được điều này, nhu cầu sử dụng xe ô tô, xe máy sẽ giảm đi. Điều này sẽ giúp Huế trở thành một đô thị duyên dáng, độc đáo, tạo sức hấp dẫn với khách du lịch cao.

“Nhiều khi chúng ta nghĩ không có xe máy sẽ không sống được nhưng thực tế này đang diễn ra nhiều nơi. Ở Huế, bán kính đi lại rất ngắn, vì thế phát triển giao thông công cộng sẽ rất tốt. Chúng ta sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiện đại văn minh, đi lại an toàn, đảm bảo sức khỏe”, ông Nam lý giải.

Kết thúc diễn đàn, ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đánh giá rất cao những ý kiến từ chuyên gia cho đến những người dân. Đó là những ý tưởng hay gợi ý đầu tư xã hội hóa, hoặc chính quyền kết nối với doanh nghiệp và người dân cùng đầu tư để giảm chi phí…

Bài, ảnh: Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diễn đàn kết nối trí thức trẻ khởi nghiệp

Ngày 9/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức diễn đàn "Trí thức trẻ khởi nghiệp" với chủ đề "Nơi hội tụ ý tưởng và cơ hội mới". Hơn 100 đoàn viên thanh niên, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia diễn đàn.

Diễn đàn kết nối trí thức trẻ khởi nghiệp
Theo sát cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về pháp lý

Sáng 9/10, Hội đồng Phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương (PBGDPL) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Theo sát cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về pháp lý

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top