Đoàn chức năng liên ngành tuần tra, xử lý các chủ phương tiện vi phạm ATGT
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự ATGT được các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đẩy mạnh tuyên truyên truyền, ra quân tuần tra xử lý vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông một cách đồng bộ, đạt được kết quả nhất định, góp phần kéo giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT và TNGT vẫn diễn biến phức tạp, tính chất mức độ vi phạm của người tham gia giao thông trong một số vụ việc rất nghiêm trọng.
Số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương chỉ được kéo giảm ở các năm 2016, 2017 và 2020 nhưng chưa mang tính bền vững, nhất là năm 2018, 2019 TNGT liên tục tăng cao trên cả 3 tiêu chí. Riêng tình hình TNGT 12 tháng năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 285 vụ, làm chết 149 người, bị thương 216 người (không tính va chạm giao thông), thiệt hại tài sản gần 2.300 triệu đồng (so với 12 tháng năm 2019 giảm 67 vụ, giảm 40 người chết, giảm 65 người bị thương).
Nguyên nhân gây ra TNGT và ATGT là do ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp đồng bộ, thiết bị và công cụ hỗ trợ còn yếu và thiếu; số phương tiện giao thông phát triển nhanh, nhất phương tiện cá nhân; công tác quản lý đô thị, hành lang an toàn giao thông còn những bất cập, chồng chéo; công tác đảm bảo ATGT ở các địa phương chưa quan tâm đúng mức, nhất là cấp xã, phường; sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng chưa đồng bộ, hiệu quả...
Để đảm bảo trật tự, ATGT trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các địa phương, đơn vị chức năng phải phân tích rõ từng trường hợp TNGT để tìm ra nguyên nhân, từ đó tham mưu, kiến nghị các giải pháp cụ thể, căn cơ để xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó cần triển khai khắc phục ngay các vị trí nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cao trên các quốc lộ và tỉnh lộ đã được xác định nguy cơ cao. Trên cơ sở đó để tiếp tục tăng cường việc quản lý nhà nước về trật tự ATGT; quan tâm đến việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị ATGT; quản lý và tổ chức tốt giao thông; đào tạo quản lý người điều khiển giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý...
Đề cập đến việc ý thức của người dân, học sinh, sinh viên tham gia giao thông còn hạn chế, nhất là lái xe mô tô, xe máy, một số lái xe taxi, xe khách, xe tải ben... mà hiện nay các địa phương quan tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các đơn vị nâng cao chất lượng giảng dạy nội dung giáo dục ATGT trong trường học; chất lượng chương trình giảng dạy, đào tạo lái xe; đa dạng hóa các hình thức, giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự ATGT. Qua đó, xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho mọi tầng lớp nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông. Tăng cường vận động người dân sử dụng xe buýt công cộng để hạn chế phương tiện cá nhân đang phát triển nhanh nhằm đảm bảo ATGT và chống ùn tắc giao thông.
Tin, ảnh: Minh Văn