ClockThứ Bảy, 20/10/2018 06:45
DỰ ÁN CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG NƯỚC TP. HUẾ:

Hoàn thành các hạng mục xây dựng trong quý I/2019

TTH - Đó là khẳng định của Giám đốc Ban quản lý (BQL) Dự án Cải thiện môi trường nước (DACTMTN) TP. Huế Nguyễn Thanh Tuấn Anh về tiến độ xây dựng các hạng mục công trình, đảm bảo đến 31/12/2020, DA kết thúc và đưa nhà máy xử lý nước thải vào vận hành.

Lên phương án đảm bảo an toàn khi vào mùa mưa lũTết này thành phố sẽ hết bừa bộnMất an toàn giao thông do chậm hoàn trả mặt bằng

Đường Phan Chu Trinh đoạn từ cầu Phủ Cam đến cầu Kho Rèn đang đặt biển báo cấm các phương tiện giao thông vì DA thi công chiếm toàn bộ mặt đường

Đôn đốc nhà thầu

Khởi công từ tháng 1/2016, DA thi công đồng loạt tại 65 tuyến đường chính, 241 tuyến đường kiệt với trên 500 điểm thi công tại 12 phường phía Nam TP. Huế. Quá trình thi công dự án ảnh hưởng gần 20 ngàn hộ dân.

Qua 3 năm triển khai, đến nay DA hoàn thành khoảng 90% khối lượng công trình, song tại nhiều tuyến đường, nơi có các điểm thi công vẫn đang ngổn ngang và gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của người dân. Một số tuyến đường dù hoàn tất phần thi công, song công tác hoàn trả mặt bằng (HTMB) chậm như đường Ngự Bình đoạn từ Hùng Vương đến Duy Tân; đường Ngô Gia Tự, Hàn Mặc Tử, Phan Chu Trinh… 

Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Hải Thành, đơn vị đảm nhận gói thầu cống chung lưu vực 6,7 Liên danh Viwaseen- Hải Thành, ông Nguyễn Hải Vân thông tin, với giá trị hợp đồng 188 tỷ đồng, chiếm 35% gói thầu, hiện một số hạng mục do đơn vị thi công tại các tuyến đường Hùng Vương, Hà Nội, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Tố Hữu đã hoàn thành phần xây dựng và HTMB, đang đôn đốc các đội xây dựng đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn lại của DA, như kiệt 15 Tố Hữu, kiệt 81, 157 Hàn Mặc Tử, kiệt 56 Nguyễn Thái Học, kiệt 235 Bà Triệu và phấn đấu hoàn thành gói thầu trong quý I/2019.

Ông Vân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến một số hạng mục chậm tiến độ là do có nhiều gói thầu làm cùng lúc và triển khai trên cùng một tuyến đường nên các nhà thầu phụ thuộc nhau. Mặt khác, hạ tầng dưới lòng đất khá phức tạp, có nhiều thiết bị chồng chéo nên không thể sử dụng cơ giới hóa mà nhiều điểm thi công phải đào thủ công. 

Theo BQL DACTMTN, hiện phần còn lại của DA chủ yếu là các hạng mục kết nối, các gói thầu lắp đặt đường ống, cửa xả, cống bao đấu nối vào các trạm bơm, như tuyến ống bao ở đường Lê Lợi, đường ống dài 20m trên đường Phan Bội Châu, 3 điểm lắp đặt đường ống đường Phan Chu Trinh với chiều dài khoảng 120m và một số điểm thi công đường kiệt ở đường Ngô Gia Tự, Hàn Mặc Tử, Bà Triệu…

Giám đốc BQL DA CTMTN, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh khẳng định, đến thời điểm này, 90% các hạng mục công trình đã hoàn thành, khối lượng còn lại còn khoảng 10%, trong đó hai gói thầu H/LCB/1 và H/LCB/4 đã hoàn thành, ba gói thầu đường ống H/ICB/1B, H/ICB/2 và H/ICB/3 hoàn thành 80- 92%, gói thầu H/ICB/1A hoàn thành 90% hạng mục xây dựng và bắt đầu lắp thiết bị điện-cơ. Hiện, DA còn duy nhất một điểm rất khó thi công, đó là khu vực đường Hùng Vương đoạn từ Đống Đa đến Nguyễn Thị Minh Khai, do hố đào sâu 4m, rộng hơn 3m và nằm trên lề đường, sát nhà dân. Để đảm bảo tiến độ, nhà thầu đang được đôn đốc nghiên cứu phương án, triển khai nhanh, phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2019 vì đây là tuyến đường trung tâm.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Võ Lê Nhật,  TP đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra tại các điểm thi công về vệ sinh môi trường, các biện pháp rào chắn, lắp đặt biển báo, yêu cầu chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phải hoàn thành các hạng mục công trình trước ngày 31/3/2019 theo Hiệp định vay. Để đảm bảo an toàn giao thông và cảnh quan đô thị trước mùa mưa bão 2018 và Tết Nguyên đán 2019, tất cả các tuyến đường có điểm thi công thuộc DA phải triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, HTMB những hạng mục thi công tại các tuyến đường trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, kinh doanh buôn bán.

Phương án sử dụng vốn kết dư

Theo BQL DACTMTN, với tiến độ kéo dài, dự kiến, nguồn vốn kết dư của DA lên tới trên 1.400 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh cho biết, hiện Ban đang nghiên cứu, lập phương án sử dụng vốn kết dư trình Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản(JICA), Bộ Tài chính, Kế hoạch& Đầu tư và UBND tỉnh phê duyệt và sẽ triển khai ngay khi các bộ, ngành đồng ý. Trong đó, Ban đề xuất sử dụng nguồn kết dư để cải tạo nâng cấp một số tuyến đường trung tâm trên địa bàn TP. Huế như Lê Lợi, Hà Nội, Phan Đình Phùng, Bà Triệu, Trường Chinh…; cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, lắp đặt bó vỉa bằng vật liệu đá, lát vỉa hè bằng vật liệu đá kết hợp gạch terazo tại các tuyến đường Phan Chu Trinh, Hàn Mặc Tử, Đào Tấn, Đặng Huy Trứ…; xây dựng một số tuyến kè chống xói lở tại các sông hói.

Phương án sử dụng vốn kết dư để chỉnh trang đô thị Huế khu vực bờ Nam sông Hương cũng là mục tiêu của DA nhằm góp phần tạo bộ mặt cho đô thị trung tâm, đồng thời hoàn thiện các tuyến đường trước đây DA thi công để trả lại mặt bằng xanh, sạch, đẹp cho TP.

Dự án CTMTN TP. Huế có tổng mức đầu tư 24.008 triệu Yên Nhật (trên 5.000 tỷ đồng), trong đó vốn vay từ JICA 20.883 triệu Yên và vốn đối ứng 3.125 triệu Yên, hiệu lực của hiệp định vay từ ngày 28/7/2018 và thời gian kết thúc DA theo Hiệp định vay trước 31/12/2020. Mục tiêu của DA là xây dựng cải tạo và mở rộng hệ thống thoát nước mưa nhằm nâng cao khả năng tiêu thoát ở khu vực Nam sông Hương, góp phần khắc phục tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top