Chào KTS. Nguyễn Thanh Tùng! Trong tọa đàm “Rỗng và những khoảng mở đô thị”ở Huế mới đây, anh có nói Huế là một căn nhà vườn lớn, Huế mở và rất “xốp”. Đây là một khái niệm rất thú vị, anh có thể giải thích cụ thể hơn về độ mở và “xốp” này của Huế theo góc nhìn của mình? Những thành tố nào tạo nên cái “rỗng - độ mở” khác biệt này của Huế?
Nếu quan niệm phần căn nhà xây dựng trong khu vườn, các công trình và các tòa nhà xây dựng trong đô thị là phần đặc… thì phần rỗng của khu vườn và phần rỗng của đô thị chính là những phần còn lại không xây dựng. Đó là khoảng trống giữa các căn nhà và giữa các công trình. Có thể hiểu, rỗng là dòng sông và mạng lưới sông ngòi; là các con đường và hệ thống giao thông; các công viên, quảng trường và các khoảng mở không gian công cộng; các khu vườn trong các khuôn viên nhà ở, khuôn viên công cộng đô thị... Đó chính là những yếu tố tạo tính rỗng căn bản của các đô thị và Huế. Bên cạnh đó, ở Huế có một yếu tố tạo rỗng thú vị khác nữa là đặc trưng không gian kiến trúc “nhà & vườn”. “Nhà & vườn” người Huế được hình thành và phát triển từ căn bản “nhà ở & vườn” truyền thống bản địa dân gian của người Việt, khi đến Huế được chắt lọc và tinh túy lên kết hợp với những yếu tố thiên nhiên, môi trường và khí hậu đặc thù nơi đây.
Chúng ta hình dung như ở New York có một khoảng “rỗng & mở” trung tâm lớn ngay trong lòng đô thị chọc trời này đó chính là Central Park (Công viên trung tâm). Ở Huế, chúng ta có sông Hương là một trục “rỗng & mở” lớn quan trọng xuyên suốt của trung tâm đô thị Huế. Bên cạnh đó, đô thị chúng ta có sự chồng lớp của hệ thống mạng lưới sông ngòi thủy văn đô thị và mạng lưới đường sá của đô thị với thiên nhiên cảnh quan gắn liền. Đồng thời, chúng ta có một hệ thống nhà & vườn, các công trình và vườn, phủ đệ và vườn, chùa và vườn, lăng tẩm và vườn…, đặc biệt trong Kinh thành và Hoàng thành Huế, cùng hệ thống vườn rất lớn của nó đã hình thành cho Huế, như một tổng hòa đô thị nhà & vườn lớn. Chính những yếu tố đặc trưng đó cấu thành nên độ rỗng & mở “rất xốp”, đặc trưng riêng có cho đô thị Huế.
Nói hẹp hơn, thì cái rỗng và độ mở trong kiến trúc của những ngôi nhà trong đô thị ấy cũng cần chú trọng để con người sống trong đó có thể mở ra với thiên nhiên và nhận năng lượng tốt lành từ thiên nhiên. Theo anh, cái rỗng trong mỗi ngôi nhà cần được chú trọng và tạo ra như thế nào?
Có hai xu hướng cơ bản, đó là tìm cách đưa thiên nhiên vào trong căn nhà (tức là tạo khoảng rỗng, khoảng mở và bố trí thiên nhiên trong lòng căn nhà); và trở lại việc xây dựng thu nhỏ căn nhà trong khu vườn hay giữa thiên nhiên (như những không gian biệt thự Pháp, hoặc khu nhà & vườn theo truyền thống ở Huế hiện nay). Hay có thể kết hợp cả hai xu hướng đó trong những căn nhà đương đại.
Khu nhà & vườn Pooh Gardening House, số 8 Nguyễn Tuân mà chúng tôi thực hiện mới đây là một điển hình của sự kết hợp cả hai xu hướng đó. Trước tiên, nó hướng đến mục tiêu giảm mật độ xây dựng căn nhà trong khu vườn để ưu tiên diện tích còn lại cho vườn, công năng xây dựng đủ đảm bảo chức năng sử dụng vừa đủ cho gia chủ. Bên cạnh đó việc đưa thiên nhiên vào trong căn nhà, tạo không gian chung “rỗng & mở” bên trong nội thất căn nhà như ước mong của gia chủ, được chúng tôi chú trọng với mục tiêu “nhà & vườn” mới phải thỏa mãn & đảm bảo giải quyết các yêu cầu về phong thủy, đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho từng thành viên trong gia đình. Thứ ba là với mục tiêu đạt 90% diện tích phủ xanh và có thể đảm bảo kỹ thuật đổ đất trồng cây, khu đất với vườn tự nhiên kết hợp cùng với những khu vườn trên mái nhà tạo cho “nhà & vườn” trở thành một tổng thể vườn bậc thang ba tầng.
Giữa một khu đô thị xây kín đặc thì khu nhà & vườn Pooh Gardening House trở thành một “khu vườn giữa phố”, nơi đầy ắp thiên nhiên ở giữa đô thị Huế. Khu vườn đó sẽ là nơi lý tưởng cho trẻ thơ đến khám phá, trải nghiệm tình yêu thiên nhiên & gieo trồng những chồi non mới.
Trong tọa đàm “Rỗng và những khoảng mở đô thị”, KTS. Hoàng Mạnh đã nhấn mạnh rằng thiên nhiên là yếu tố quan trọng nhất của một đô thị và các ngôi nhà, nhưng dường như trong đô thị, yếu tố thiên nhiên - phần rỗng trong đô thị và các ngôi nhà đang bị thu hẹp dần. Anh nghĩ sao về điều này?
Nếu như Huế là nơi có một “đô thị rỗng xốp” tràn đầy thiên nhiên và các khoảng mở thì ở những đô thị như Sài Gòn, Hà Nội hay New York, nhu cầu không gian của thiên nhiên và không gian mở công cộng của đô thị là cực kỳ quan trọng và đặc biệt khan hiếm. Vì đối với những đô thị lớn, nơi nhu cầu đô thị hóa rất cao sẽ kéo theo nhu cầu tăng cao mật độ xây dựng trong đô thị… Ở đó, các không gian mở của thiên nhiên và các khoảng rỗng không gian công cộng của đô thị cứ bị thu hẹp và thu hẹp dần mãi.
|
|
Sông Hương đi qua đô thị Huế. Ảnh: Minh Hòa |
Do vậy, vai trò quyết định trực tiếp của những nhà quy hoạch đô thị, những nhà hoạch định chính sách, hay những nhà quản lý đô thị… vô cùng quan trọng. Về phía các KTS, họ chỉ có thể gắng tác động trong khuôn viên công trình hay khuôn viên căn nhà họ đang thiết kế hay nơi họ đang sống, bằng cách thuyết phục chủ nhà (chủ đầu tư) thu hẹp mật độ xây dựng công trình lại để ưu tiên nhường lại nhiều hơn những khoảng mở, những không gian rỗng & không gian cho thiên nhiên cây xanh trong khuôn viên của căn nhà, vì đó mới chính là giá trị thực sự mang lại chất lượng cuộc sống. Những KTS nhận thức được rằng, nếu có thể qua mỗi công trình góp thêm những khoảng mở, khoảng xanh, những khu vườn từ công trình hoặc căn nhà đó… thì ít nhiều sẽ góp thêm cho đô thị dày đặc bao quanh thêm những “khoảng rỗng, không gian mở & thiên nhiên”… - như KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh có chia sẻ, đó chính là “kiến trúc chữa lành” cho đô thị nơi họ đang sống.
Huế đã giữ gìn được những khoảng rỗng vô cùng quý giá và đặc trưng của mình. Theo anh, chúng ta cần làm gì để cái rỗng trong kiến trúc đô thị Huế không những được tiếp tục duy trì mà còn ngày càng mở rộng hơn?
Tôi nghĩ Huế thật sự rất cần “một chiến lược quy hoạch mang tầm nhìn dài hạn” cho việc bảo vệ những khoảng rỗng và các không gian xanh trong khu vực các công trình thuộc quần thể di sản, cả trong đô thị mới và cũ. Cần nhận thức và giữ gìn những khoảng rỗng đô thị như: các không gian công cộng, các quảng trường xanh, các trục cây xanh cảnh quan theo các trục đường trong đô thị mới và đô thị cũ… Quan trọng nhất là cần phải bảo tồn giá trị cảnh quan môi trường trục sông Hương cùng cảnh quan hai bờ sông và toàn bộ mạng lưới hệ thống thủy văn của nó (cả bên trong và bên ngoài Kinh thành), nhằm quy hoạch giữ gìn & phát triển bền vững cho trục cảnh quan sông Hương hướng đến những giá trị sâu sắc hơn về mặt lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học, kinh tế & môi trường cảnh quan cho đô thị Huế. Và cuối cùng có lẽ là cần có tình yêu đối với “nhà & vườn” ở đô thị Huế vậy.
Xin cảm ơn anh!