Nội dung trên có trong thông cáo ngày 13/3 của Cục Hàng không Việt Nam, do lo ngại về độ an toàn của Boieng 737 MAX 8 khi nguyên nhân dẫn đến hai vụ tai nạn xảy ra với dòng máy bay này chưa được làm rõ.
Cục Hàng không Việt Nam vừa thông báo, từ 10 giờ ngày 13/3, tàu bay Boeing 737 Max 8/9 không được phép bay trong vùng trời Việt Nam.
Theo đó, sau khi đánh giá các thông tin liên quan đến hoạt động khai thác loại tàu bay Boeing 737 Max 8/9, để đảm bảo an toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm thời không cấp phép bay mới và đình chỉ hiệu lực phép bay đã cấp đối với các chuyến bay sử dụng loại tàu bay Boeing 737 Max 8/9 trong vùng trời Việt Nam.
Chỉ lệnh an toàn này có hiệu lực từ 10 giờ (tức 03 giờ UTC) ngày 13/ 3 cho đến khi có quyết định mới.
Trước đó, hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX trong vòng 6 tháng khiến nhiều quốc gia như Trung Quốc, EU, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Ireland, Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Ethiopia, Mexico…quyết định tạm ngưng dùng Boeing 737 Max 8.
Ông Đinh Việt Thắng - Cục Hàng không Việt Nam cho biết cơ quan này đang tính toán giải pháp phù hợp nhất.
“Cục hàng không đang theo dõi sát sao thông tin, tiến trình điều tra tai nạn cũng như đánh giá của các nhà chức trách hàng không liên quan để bảo cáo giải pháp phù hợp lên Bộ GTVT và Ủy ban an toàn giao thông quốc gia”, ông Thắng nói.
Theo lãnh đạo cục Hàng không, hiện Việt Nam chưa có hãng nào khai thác máy bay Boeing 737 Max như dòng máy bay vừa gặp tai nạn. Tuy nhiên, dự kiến tháng 10 tới Vietjet sẽ nhận từ Boeing chiếc máy bay B737 Max đầu tiên trong lô 100 máy bay đã ký.
Các hãng hàng không Việt Nam chưa khai thác dòng máy bay này
Đại diện các hãng hàng không trong nước gồm Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo Airways, Jetstar Pacific đều chưa khai thác dòng máy bay này.
Đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết thời điểm hiện tại hãng chưa khai thác dòng máy bay Boeing 737 Max.“Dòng máy bay thân hẹp, Vietnam Airlines hiện đang biên chế 58 máy bay Airbus A321 và chưa khai thác Boeing 737 Max”, đại diện Vietnam Airlines nói.
Một chiếc Boeing 737 Max8 của Ethiopian Airlines đỗ tại sân bay quốc tế Bole, Ethiopia. (Nguồn: AP)
Vẫn theo đại diện hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines đang sử dụng một số máy bay của Boeing nhưng đó là dòng máy bay thân rộng, như Boeing 787-9 Dreamliner. Và đây là máy bay có nhiều công nghệ hiện đại, tiện ích, thoải mái và an toàn.
Còn đại diện hãng hàng không Vietjet Air khẳng định hãng chưa biên chế và vận hành máy bay Boeing. “Đội hình máy bay của Vietjet hiện biên chế 64 máy bay nhưng tất cả đều của Airbus”, đại diện Vietjet Air nói.
157 người thiệt mạng sau khi Boeing 737 MAX 8 cất cánh được 6 phút
Trước đó, một chiếc máy bay của Hãng hàng không Ethiopian Airlines đã bị rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh từ Addis Ababa của Ethiopia ngày 10/3, khiến toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn trên khoang thiệt mạng. Hãng Ethiopian Airlines xác nhận rằng máy bay gặp nạn là loại Boeing 737-800 Max 8.
Theo thông cáo của hãng, chỉ 6 phút kể từ khi cất cánh từ Addis Ababa, Ethiopia, chuyến bay mang số hiệu ET302 đã bị mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.
Trước đó, 1 máy bay Boeing 737 Max 8 của Hãng hàng không Lion Air cũng gặp nạn khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn tử nạn.
Được biết, các nhà điều tra đã tìm thấy 2 chiếc hộp đen ghi dữ liệu của chiếc máy bay gặp nạn mang số hiệu ET302 của hãng hàng không Ethiopia. Hy vọng những thông tin về những giây phút cuối cùng của chiếc máy bay này trước khi nó bị rơi vào ngày 10/3 sẽ sớm được làm sáng tỏ.
Chiếc máy bay 737 MAX 8 gặp nạn là phiên bản mới nhất của Boeing 737, máy bay chở khách hiện đại bán chạy nhất thế giới và là một trong những máy bay đáng tin cậy nhất trong ngành hàng không.
Máy bay gặp nạn là 1 trong 5 chiếc Boeing 737 MAX 8 trước đó đã được hãng Ethiopian Airlines mới bổ sung vào đội bay hồi tháng 10 năm ngoái. Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 8h44 ngày 10/3 (giờ địa phương, tức khoảng 12h44 cùng ngày theo giờ Việt Nam) tại thị trấn Bishoftu, cách Thủ đô Addis Ababa khoảng 60km về phía Nam.
Sự cố này khiến nhiều chuyên gia hàng không liên hệ với vụ việc tương tự của chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 thuộc Hãng hàng không Lion Air năm ngoái. Chiếc máy bay mang số hiệu JT610 của Lion Air đã bị mất liên lạc và rơi xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ Thủ đô Jakarta để tới Pangkal Pinang sáng 29/10/2018. Cả 189 người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng trong sự cố.
Theo VOV