ClockThứ Sáu, 25/09/2020 15:22

Khu tái định cư thủy điện A Lưới: Thiếu đất sản xuất

TTH - Các hộ dân di dời tái định cư (TĐC) thủy điện A Lưới đến các thôn A Đên, A Sáp (Hồng Thượng, A Lưới) gặp khó khăn do đất cấp đổi lẫn nhiều đá không sản xuất được và thiếu đất sản xuất.

Thủy điện A Lưới điều tiết lũ về LàoDự báo mưa lớn, yêu cầu thủy điện A Lưới điều tiết nướcThi công thủy điện sông Bồ: Khai thác cát, sỏi khi chưa được phép

15 ha lúa nước tại khu TĐC thủy điện A Lưới không sản xuất được đã nhiều năm

15 ha không sản xuất được

Khu TĐC thủy điện A Lưới (xã Hồng Thượng) được thành lập năm 2011, gồm 106 hộ dân với 567 nhân khẩu di dời đến vùng TĐC từ các xã Hồng Thái, Sơn Thủy, Hồng Thượng. Đây là các hộ dân nhượng lại đất do ảnh hưởng khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới.

Từ 106 hộ dân đầu tiên đến nay, khu TĐC được chia thành 2 thôn A Đên và A Sáp với 165 hộ dân, 607 nhân khẩu, sau nhiều năm xây dựng, đa số các hộ dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn do đất cấp đổi đến vùng TĐC lẫn nhiều đá, không có nước tưới nên không sản xuất được; việc tách hộ khiến các gia đình thiếu đất sản xuất.

Bà Hồ Thì Liên, một hộ dân TĐC cho biết, đến khu TĐC đã 9 năm nhưng đất lúa nước không sản xuất được. Mấy năm trước xã có đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, nhưng cũng không có nước mà tưới. Buổi đầu lên đây, bà con phải vác cuốc, xẻng đi bới đá mới trồng được cây.

Trước đây, nhà bà Liên ở xã Hồng Thượng, năm 2011 sau khi nhượng 1 ha đất trồng sắn (diện tích nằm trong lòng hồ thủy điện), bà đến khu TĐC. Ngoài được cấp đất ở, bà còn được cấp đất rẫy và đất trồng lúa. Thế nhưng, diện tích đất trồng lúa nằm gần nhánh sông A Sáp lẫn nhiều đá không cày cấy được, địa hình cao nên có hệ thống thủy lợi nhưng khan hiếm nguồn nước tưới.

Theo UBND xã Hồng Thượng, hiện tại, việc cấp đổi đất sản xuất lúa nước cho người dân tại khu TĐC thủy điện A Lưới mới thực hiện được 9/24 ha, còn 15 ha phải bỏ hoang.

Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng thông tin, các hộ dân thuộc diện di dời của dự án (DA) thuỷ điện A Lưới được cấp đổi đất ở bình quân mỗi hộ 2.000m2, đất sản xuất 10.500m2. Trong đó, đất trồng lúa nước 2.500m2, đất trồng rừng sản xuất 8.000m2. Diện tích được cấp đổi tại khu TĐC tương ứng với diện tích trước đây các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi DA thủy điện A Lưới.

Hiện nay, đời sống của người dân TĐC thuỷ điện dần đi vào ổn định, tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn còn gặp khó khăn do đất cấp đổi không sản xuất được hoặc thiếu đất sản xuất sau khi tách hộ. Tổng số hộ nghèo hiện nay của hai thôn TĐC thuỷ điện A Đên và A Sáp là 36 hộ, chiếm tỷ lệ 37,5% tổng số hộ nghèo của toàn xã (tổng số hộ nghèo của toàn xã là 96 hộ). Thu nhập bình quân đầu người ở khu TĐC thuỷ điện là 15,7 triệu đồng/người/năm, so với thu nhập bình quân đầu người của toàn xã thấp hơn 6,45 triệu đồng.

Đề xuất 3 phương án

Theo ông Lê Quang Vinh, liên quan diện tích đất ruộng 15 ha không sản xuất được dù hệ thống kênh mương đã được đầu tư tương đối đầy đủ nhưng hiện nay vẫn không có nước để tưới, vừa qua UBND xã đã có những kiến nghị, đề xuất với các cấp, các ngành theo 3 phương án.

Theo đó, đề nghị các cấp, các ngành chức năng quan tâm khảo sát, bố trí khu đất sản xuất mới có diện tích tương ứng 15 ha ruộng nước; hoặc nghiên cứu, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với diện tích có nhiều đá sỏi hiện nay để phát triển kinh tế có hiệu quả. Nếu không thực hiện được cả hai phương án trên thì đề nghị Nhà nước đền bù bằng tiền mặt cho người dân để tự chuyển đổi ngành nghề và ban đầu có một ít vốn để phát triển kinh tế gia đình tùy theo điều kiện của mỗi hộ.

Ngoài ra, theo thống kê của UBND xã Hồng Thượng, hiện nay số hộ thiếu đất sản xuất là 59 hộ, các hộ này mới lập gia đình, chưa có nghề nghiệp ổn định nên cần có đất để sản xuất. Việc các hộ mới lập gia đình không có đất để sản xuất và các hộ gia đình thuộc diện được cấp đổi đất nhưng chưa có đất để sản xuất hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, các giải pháp đang được địa phương tính đến.

Xã Hồng Thượng đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, áp dụng các biện pháp cải tạo đất, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp đối với diện tích đất có nhiều đá sỏi, thiếu nước để sử dụng đất có hiệu quả, đảm bảo ổn định kinh tế cho các hộ gia đình.

Đối với các hộ mới lập gia đình thiếu đất sản xuất, nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, từ nguồn quỹ đất lâm nghiệp khoảng 22,8 ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới bàn giao, thời gian tới, UBND xã sẽ lập phương án trình UBND huyện A Lưới xem xét cấp đất sản xuất cho các hộ gia đình theo thứ tự ưu tiên là hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu đất sản xuất.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, trước tình hình khó khăn của cư dân khu TĐC thủy điện, mới đây, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện tiến hành khảo sát thực tế tại khu TĐC và thống nhất đề xuất UBND tỉnh phương án hỗ trợ sản xuất đối với các hộ dân ở đây.

Theo đó, các phương án đưa ra là tìm quỹ đất có thể sản xuất lúa nước khác để cấp đổi cho người dân, đồng thời phải đảm bảo nước tưới đầy đủ và đất đai phải phù hợp với diện tích trồng cây lúa nước. Dự trù kinh phí khoảng 17 tỷ đồng, bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng, khai hoang, xây dựng hệ thống thủy lợi; hoặc địa phương sẽ thu hồi và bồi thường toàn bộ 15 ha không sản xuất được lúa nước với kinh phí dự kiến khoảng 15 tỷ đồng, địa phương sẽ hướng dẫn người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp và sử dụng nguồn vốn được bồi thương hiệu quả.

Hiện, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chọn phương án phù hợp.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn

Sáng 18/12, Công an huyện A Lưới cho biết, đang phối hợp với Phòng CSGT công an tỉnh điều tra làm rõ vụ tai nạn lật xe đầu kéo trên đeo A Co (huyện A Lưới) khiến tài xế tử nạn.

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn
Cảm hứng sống xanh từ A Lưới

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại huyện A Lưới đã tạo ra những thay đổi lớn, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và mang lại diện mạo mới cho các thôn, bản vùng cao.

Cảm hứng sống xanh từ A Lưới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top