Thứ Bảy, 30/07/2016 11:46
(GMT+7)
Lò hỏa táng và công viên địa đàng
TTH - Với số lượng lên đến hàng triệu ngôi mộ nằm trong diện “chờ” di dời, các giải pháp tìm quỹ đất để xây dựng nghĩa trang hay mở rộng diện tích các nghĩa trang hiện có ở Huế dường như chỉ là “muối bỏ bể”. Về lâu dài, giải pháp khả thi nhất là, xây dựng công viên vĩnh hằng hết hợp khu vực lưu giữ tro cốt và đặc biệt là đài hỏa táng.
Việc xây dựng công viên địa đàng và đài hỏa táng là một xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia văn minh trên thế giới. Một số tỉnh và thành phố lớn ở nước ta cũng xây dựng mô hình này và hoạt động khá hiệu quả. Tuy vậy, vấn đề này được cho còn khá lạ lẫm với quan niệm, tâm lý của đại đa số người dân Huế. Song, trong điều kiện quỹ đất để địa táng ngày càng thu hẹp thì việc triển khai xây dựng đài hỏa táng và công viên địa đàng gần như là yêu cầu tất yếu.
Thật ra, dự án này đã được Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư từ cách đây hơn 10 năm. Chương trình này cũng đã được đưa vào nghị quyết HĐND tỉnh và thành phố hai nhiệm kỳ, nhưng việc triển khai vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân, do các nhà đầu tư sau khi cân nhắc đã rút lui vì nhận thấy đầu tư vào lĩnh vực này số vốn lớn nhưng khả năng sinh lợi không cao. Trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tiên phong đề xuất xây dựng một đài hỏa táng lại trùng thời điểm với dự án do các nhà đầu tư nước ngoài có ý định xây dựng tại Huế. Chính sự chần chừ trong vấn đề lựa chọn ở thời điểm đó đã khiến tỉnh ta bỏ lỡ thời cơ.
Trước nhu cầu ngày càng bức thiết, mới đây dự án công viên địa đàng và đài hỏa táng đã được Thừa Thiên Huế tái khởi động và kêu gọi đầu tư; song dường như các nhà đầu tư vẫn đang cân nhắc và chưa có động thái thể hiện quyết tâm sớm đầu tư dự án này. Để dự án nhanh chóng triển khai, cần có các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho các nhà đầu tư, xem đây như là một dự án mang tính cộng đồng, phục vụ phúc lợi và an sinh xã hội. Để nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng dự án, cần thiết phải có một lộ trình quy định cụ thể về vấn đề hỏa táng. Theo đó, với những ngôi mộ di dời sau này cần phải đưa vào diện hỏa táng và đưa vào nơi cất giữ tro cốt để không mất thêm quỹ đất cải táng. Nếu thực hiện tốt điều này, chắc chắn nhà đầu tư giảm bớt mối lo xây xong không có người vào, ngoài ra sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải tỏa các nghĩa trang hiện có, tiết kiệm quỹ đất để dành cho sản xuất, xây dựng công trình, tiết kiệm tiền của xã hội để xây dựng lăng mộ.
Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là vấn đề quan niệm tâm linh, điều này đòi hỏi phải có quá trình. Song song với quá trình xây dựng đài hỏa táng, chúng ta cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để từng bước tạo ra sự chuyển biến nhận thức về vấn đề nhạy cảm này. Với tấm lòng và sự quan tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh về một vấn đề đã từng tâm huyết và theo đuổi, tin chắc giáo hội sẽ hoàn toàn ủng hộ và từng bước có kế hoạch giải thích cho các phật tử hiểu đúng những lợi ích của nghi thức hỏa táng, để từ đó xây dựng một tập tục văn minh, tiến bộ về tang lễ ở Huế.
Thanh Quang