ClockThứ Hai, 05/12/2022 14:53

Mạnh tay với các dự án đầu tư công chậm tiến độ

TTH - Được xem là động lực trong phát triển kinh tế, vì thế việc giải ngân các dự án đầu tư công chậm sẽ gây trở ngại không nhỏ cho phát triển kinh tế. Và để tạo động lực trong tăng trưởng, Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ vừa gỡ khó, vừa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Phát triển hạ tầng thương mại: 'Cú hích' thu hút đầu tư tư nhânGỡ khó trong xây dựng nông thôn mới

Giám sát dự án đường Hai Bà Trưng

Giải ngân 64,8% vốn

Năm 2022, tổng nguồn lực đầu tư công trên địa bàn tỉnh là hơn 6.346 tỷ đồng. Trong đó, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao 4.266 tỷ đồng. Nếu tính cả 346 tỷ đồng vốn NSTW của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) năm 2022 thì tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 là 4.612 tỷ đồng. Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 7/2022 tỉnh đã giao bổ sung các nguồn lực đầu tư công với gần 1.734 tỷ đồng.

Nguồn lực đầu tư khá lớn nhưng theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh đến cuối tháng 11, kết quả giải ngân kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm mới giải ngân 2.762/4.266 tỷ đồng, đạt 64,8% kế hoạch. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương đã giải ngân 1.371/2.148 tỷ đồng, đạt 63,8% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) có kế hoạch vốn 1.500 tỷ đồng cũng đã giải ngân 1.081 tỷ đồng, đạt 72,1% kế hoạch. Vốn nước ngoài (ODA) kế hoạch vốn 617 tỷ đồng, giải ngân 225 tỷ đồng, đạt 41,4% kế hoạch.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù đã nỗ lực triển khai những giải pháp thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công phục vụ mục tiêu tăng trưởng, tuy nhiên kết quả giải ngân tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa cao. Các dự án giải ngân chậm chủ yếu do vướng mắc và thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, bàn giao mặt bằng chậm, đặc biệt là các dự án ODA thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, hoạt động hiện trường dàn trải rộng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, trong năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tập trung thực hiện các dự án có khối lượng đền bù, di dời dân cư rất lớn như di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế; các dự án ODA, tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An... Tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp; giá cả vật liệu tăng đột biến cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án. Một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Mạnh tay với các dự án chậm tiến độ

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, xác định công tác thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là mục tiêu quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân cũng như tiến độ thực hiện đầu tư công. Các văn bản điều hành đều yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương, các chủ đầu tư xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức thực hiện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Điều này đang được chủ đầu tư các dự án đẩy mạnh thực hiện khi mới đây, Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh đã tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng của các nhà thầu số tiền 120 triệu đồng, thu hồi bảo lãnh tạm ứng 4,4 tỷ đồng với đơn vị thi công dự án xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà. Đồng thời, tiếp tục yêu cầu các ngân hàng chi trả tiền bảo lãnh hợp đồng của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh số tiền trên 170 triệu đồng.

Chủ đầu tư đã cử một phó giám đốc ban làm giám đốc ban điều hành dự án và tổ chức họp tiến độ định kỳ 1 tuần/lần tại công trường để đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để bù lại khối lượng thi công chậm trong thời gian vừa qua, sớm hoàn thành DA.

Ngoài ra, việc thành lập các tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, giám đốc các sở là thành viên cũng đã góp phần không nhỏ trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Thông qua việc giao ban định kỳ hằng tuần, làm việc với chủ đầu tư và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường, các tổ đã kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh của từng dự án; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Tỉnh cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư đề xuất nhu cầu điều chuyển vốn; trường hợp không có nhu cầu điều chuyển thì phải có cam kết giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh sẽ tiến hành kiểm điểm các chủ đầu tư không đề xuất điều chuyển vốn nhưng không giải ngân hết kế hoạch đầu tư công năm 2022 đến hết ngày 31/12/2022. Với những giải pháp khá mạnh này, Thừa Thiên Huế đang là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nằm trong top khá của cả nước.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

TIN MỚI

Return to top