ClockThứ Sáu, 02/09/2022 08:16

Miền cát trắng “nở hoa”

TTH - Vùng đông của tỉnh - nơi có cảng Chân Mây hiện hữu như “trái tim” của khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã, đang tạo cực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn liên vùng giữa các địa phương.

Hơn 320 vận động viên tham gia hội thao Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnhBổ sung kiến thức pháp luật cho người lao động Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Cảng Chân Mây nhìn từ trên cao

Dấu ấn mới

Mỗi lần trở lại vùng đông trong tôi có nhiều cảm xúc bởi sự thay đổi ở đây. Cảm xúc ấy đến tự nhiên mà cứ ngỡ đang mơ, vì ký ức một thời chưa xa ở vùng này là những trảng cát trắng trải dài, giờ đã hiện hữu hệ thống giao thông ngang dọc kết nối liên vùng, với nhiều dự án (DA), công trình, nhà máy có quy mô; người, xe nhộn nhịp hội đủ các giọng nói ở các vùng miền.

Dấu ấn rõ nét là khu vực cảng Chân Mây, thời gian qua dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng hoạt động vận tải biển ít bị gián đoạn. Cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), việc nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng bến, bãi trước sự quá tải trong vận chuyển hàng hóa nơi đây đã được đẩy nhanh đúng tiến độ. Đến thời điểm này, bến số 2 và 3 đã hoàn thành, có khả năng đón tàu có trọng tải đến 50.000DW, nâng công suất khai thác tại cảng lên 6 triệu tấn/năm. 

Thông tin từ Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, vùng đông có nhiều tập đoàn mang thương hiệu quốc tế đến đầu tư, như Banyan Tree của Singapore, Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group), Dầu khí quốc gia Việt Nam và nhiều công ty, như Bilion Max, Sunjin AT&C (Hàn Quốc); Nakamoto (Nhật Bản)... với gần 50 DA đã, đang, chuẩn bị đi vào hoạt động SXKD với tổng vốn hơn 79.000 tỷ đồng. Trong đó, có 12 DA vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 56.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 4.430 lao động.

Còn nhớ cách đây hơn 4 năm, ông Lương Chính Kiên, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Minh Viễn đặt chân đến đầu tư khu du lịch phức hợp tại vùng đông chia sẻ, ở Việt Nam ít nơi nào có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ biển như ở Chân Mây - Lăng Cô. Với con mắt tinh đời của một nhà kinh doanh chuyên nghiệp có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch mang thương hiệu thế giới đã chứng minh thực tế, chỉ trong thời gian ngắn hiện nay đã hình thành nên khu du lịch quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng khá hấp dẫn, với những resort nằm bên vịnh Lăng Cô huyền thoại, tạo thêm dấu ấn mới cho vùng đông này.

Theo ông Trần Nguyễn Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, từ khi Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô ra đời, vùng đông gồm các xã, như Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh... phát triển mạnh mọi mặt; trong đó đời sống Nhân dân được nâng lên rõ nét. Đa số người dân trước đây lam lũ trên những vùng cát bạc màu, chua phèn giờ đã đi vào nhà máy, hoặc kinh doanh dịch vụ, thương mại... có cơ hội làm giàu.

“Trước những đột phá, hiện nay lãnh đạo chính quyền sở tại tích cực kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát, đầu tư, triển khai các DA vệ tinh phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp dịch vụ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động”, ông Quân nói.

Hướng đến trung tâm kinh tế, đô thị ven biển

Tuy có sự phát triển với nhiều dấu ấn mới, song, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đến nay Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vẫn chưa trở thành cực tăng trưởng ở Thừa Thiên Huế, vì chưa thu hút nhiều nhà đầu tư, DA mang tính động lực, đột phá, nhất là các DA vốn FDI.

Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh nhận định, ngay từ ngày đầu Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành lập đã được kỳ vọng kết nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển Đà Nẵng, Quảng Nam phát triển thành một chuỗi đô thị, khu kinh tế đồng bộ, tạo cửa ngõ cho vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mêkông thông ra với thế giới bên ngoài, trong đó thể hiện chuỗi liên kết phát triển, sự phân hóa, bổ sung trong thu hút đầu tư.

Trong một hội nghị tiếp cận kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô gần đây, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định rõ những mặt ưu và khuyết ở vùng đông. Do vậy, từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo dẫu đứng trước những thách thức của bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu đặt ra đối với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trở thành trung tâm kinh tế, đô thị ven biển mang tầm quốc tế, trước mắt là điểm đột phá giúp tỉnh nhà phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Để đạt mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra là tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông kết nối các khu chức năng, giao thông đối ngoại cần phải đầu tư đồng bộ, cụ thể hóa quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh. Bên cạnh đó, các vấn đề như công tác quản lý hiện trạng và bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, việc làm và an sinh xã hội, nguồn nhân lực lao động phục vụ cho DA còn thiếu, cần phải chú trọng. Tiếp tục có chính sách thu hút đầu tư phù hợp nhằm kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu quốc tế, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, ưu tiên các ngành nghề, như công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, điện tử, y tế, công nghệ thông tin... Ngoài ra, thu hút các DA đầu tư hạ tầng cảng biển, logistics, sản xuất công nghiệp và các DA đầu tư khu đô thị, du lịch sinh thái... với những nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực, kinh nghiệm.

Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, trước mắt vào năm 2023 sẽ nỗ lực thu hút thêm 13-15 DA thuộc lĩnh vực dịch vụ logistic cảng biển và xây dựng thêm bến số 4, 5 và 6 cảng biển Chân Mây với khả năng đón tàu trọng tải lên đến 70.000 tấn; đầu tư kinh doanh hạ tầng, chế biến công nghiệp và một số DA thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.000- 4.000 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục hỗ trợ các thủ tục về quy hoạch, đất đai, môi trường cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai DA hiện có; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ ở khu vực Lăng Cô, tạo điểm nhấn, sức lan tỏa để phát triển dịch vụ du lịch cho cả vùng đông hấp dẫn, thu hút du khách trong, ngoài nước trong thời gian đến.

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của bão số 6 đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, các đơn vị tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả.

Giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ
Thêm 1 tàu hàng trật bánh tại khu gian Thừa Lưu-Lăng Cô

Thông tin từ ngành đường sắt tại Thừa Thiên Huế cho biết vào sáng 29/9, vào lúc 21h21 ngày 28/9, tàu AH1 đầu máy D18E 603, thuộc Xí nghiệp đầu máy Vinh kéo 21xe với trọng tải chở hàng 926 tấn. Khi đến km 752+350 khu gian Thừa Lưu- Lăng Cô, đầu máy bị trật bánh trục số 01 cách mép ray 70cm bên phải theo hướng tàu chạy.

Thêm 1 tàu hàng trật bánh tại khu gian Thừa Lưu-Lăng Cô
Tàu hỏa lại trật bánh tại khu vực Lăng Cô

Sáng 28/9, ngành đường sắt tại tỉnh Thừa Thiên Huế huy động lực lượng, phương tiện tổ chức cứu hộ tàu hàng bị trật bánh khỏi đường ray trên tuyến đường sắt Bắc - Nam ở khu gian Lăng Cô (Phú Lộc).

Tàu hỏa lại trật bánh tại khu vực Lăng Cô
Tàu SE6 trật bánh ở Lăng Cô

Chiều 15/9, lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thông tin, vào khoảng 13h cùng ngày, tàu SE6 (14toa-1 đầu máy) do lái tàu Nguyễn Văn Khiêm (1972) trú tại huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội chạy hướng TP. HCM ra Hà Nội đã bị trật bánh tại khu vực Lăng Cô (Phú Lộc).

Tàu SE6 trật bánh ở Lăng Cô
Return to top