|
|
Nâng cấp hồ Phú Bài 2 phục vụ sản xuất nông nghiệp |
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho thấy, tháng 5 và 6 trên địa bàn tỉnh, mỗi tháng xuất hiện 2-4 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày liên tiếp trong thời kỳ từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6/2023.
Nước vào đầu mùa khô, hiện dung tích trữ hiện tại các hồ chứa thủy lợi đạt gần 100%, hồ chứa thủy điện phổ biến khoảng 44% dung tích thiết kế. Việc tiết kiệm, tích trữ nước đầu vụ hè thu nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp thời gian tới đang được ưu tiên triển khai hiện nay.
Toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành, với tổng dung tích khoảng 2tỷ m3 nước. Trong đó, Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh quản lý và vận hành 24 hồ chứa thủy lợi.
Nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, phục vụ sản xuất, từ năm 2003 đến nay bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương đã đầu tư xây dựng mới 3 hồ chứa nước thượng nguồn và nâng cấp hệ thống hồ đập và thủy lợi vùng gò đồi, vùng cát.
Hiện nay, Tiểu dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh đã hoàn thành đầu tư sửa chữa nâng cấp 9 hồ, gồm: Phú Bài 2, Ka Tư, Tà Rinh, Năm Lăng, Cừa, Phụ Nữ, Khe Rưng, Cây Cơi và Ba Cửa ở các địa phương. Tuy nhiên, còn các hồ chứa thủy lợi đang xuống cấp hư hỏng nặng, xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ mất an toàn gồm một số hồ như Cây Mang, La Ngà, Khe Râm, Khe Nước, Cơn Thộn…
Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh thông tin, hàng năm từ đầu vụ công ty thường xuyên kiểm tra an toàn công trình, vận hành bảo trì các thiết bị, chuẩn bị vật tư dự phòng thay thế, đảm bảo việc tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý.
|
|
Hồ Cừa hoàn thành việc nâng cấp, tích nước phục vụ sản xuất |
Kết quả kiểm tra hiện trạng và an toàn đập hiện nay tại 24 hồ chứa thủy lợi do công ty quản lý cho thấy, hiện có 3 hồ (Thôn 1, A Rưng, Khe Ngang) nằm vị trí xung yếu ở các địa phương không tích nước do bị hư hỏng, có nguy cơ sự cố mất an toàn và phải tích nước hạn chế. Có một số hồ chứa bị sự cố hư hỏng do mưa lũ năm 2022 gây ra đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Ngoài ra một số công trình thủy lợi như Mỹ Xuyên, Cân Đôm B bị biến dạng mái đập, xói lở thân tràn và một số hồ chứa bị xuống cấp đường quản lý, đường cứu hộ dọc theo kênh chính lên đầu mối chưa được bê tông hóa hoàn thiện.
Theo ông Dương Đức Hoài Khánh, do kinh phí của công ty còn hạn chế, nhằm đảm bảo cho công tác quản lý vận hành cũng như các công trình được an toàn ổn định, đơn vị đã đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí để thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập theo quy định của Chính phủ. Trong đó, đề xuất tiếp tục đầu tư nâng cấp an toàn hồ chứa giai đoạn 2 hồ Truồi và Hòa Mỹ.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, mặc dù công tác nâng cấp, xây mới hồ chứa thủy lợi được chú trọng nhưng nhiệm vụ bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa thủy lợi còn rất nặng nề. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết khắc nghiệt, số lượng đập, hồ chứa thủy lợi loại vừa và nhỏ địa bàn tỉnh còn lớn (chiếm 85%), phần lớn được xây dựng trong phong trào huy động Nhân dân làm thủy lợi, chất lượng công trình rất đáng lo ngại; nhiều trong số nay do các xã, huyện quản lý, người quản lý không được đào tạo về chuyên môn tối thiểu, thiếu kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng.
Theo Quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, tổng kinh phí đầu tư thủy lợi trong giai đoạn này gần 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2017- 2025 hơn 6.000 tỷ đồng bao gồm kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 5.875 tỷ đồng và kinh phí đầu tư cho giải pháp phi công trình 165 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2035 gần 6.000 tỷ đồng gồm kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 5.618 tỷ đồng và kinh phí đầu tư cho giải pháp phi công trình 281 tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi, ngoài nỗ lực của địa phương đã thực hiện đầu tư một số chương trình, dự án bằng ngân sách của tỉnh, UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét để đề xuất Chính phủ và bộ ngành quan tâm tiếp tục bổ sung nguồn vốn để thực hiện một số công trình như xây dựng mới hồ chứa nước Thủy Cam với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng; xây dựng mới hồ chứa nước Ô Lâu Thượng với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nâng cấp sửa chữa các hồ chứa nước gồm Khe Nước, Cây Mang, Khe Râm, La Ngà, Cơn Thộn… với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Tiếp tục đầu tư nâng cấp một số hồ chứa loại nhỏ gần khu dân cư; xem xét đầu tư nâng cấp một số đường cứu hộ cứu nạn, hạ tầng đập của một số hồ chứa vừa, lớn để đảm bảo tích nước trong mùa khô phục vụ sản xuất và an toàn trong việc phòng chống lũ lụt.
Theo Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh, hầu hết các hồ chứa nước vừa và nhỏ đã được xây dựng, nâng cấp sửa chữa đã lâu đến nay chưa được kiểm định an toàn đập. Thống kê số lượng hồ đã đến thời hạn kiểm định cần thực hiện 22 hồ, trong đó ưu tiên đến năm 2023 kiểm định an toàn đập đối với các hồ chứa nước lớn và các hồ có nguy cơ mất an toàn như Truồi, Thọ Sơn, Hòa Mỹ, Phú Bài, Mỹ Xuyên, A Lá, và Tà Rinh. Giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 bố trí kinh phí để kiểm định các hồ vừa và nhỏ còn lại.
|