ClockThứ Bảy, 25/11/2017 05:56

Ngầm hóa lưới điện: Không chỉ là kinh phí

TTH - Dự án Cải thiện môi trường nước (DA) đã phối hợp với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (công ty) và các doanh nghiệp viễn thông để hoàn thành công tác ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông tại các tuyến đường như Chu Văn An, Lê Lợi, Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão, Hùng Vương (TP. Huế), giúp giảm thiểu kinh phí và thời gian thi công, sớm hoàn trả mặt bằng.

Ngầm hóa lưới điện tại khu phố đi bộ (TP. Huế). Ảnh: ĐLTTH

Bộ mặt mới cho đô thị

Anh Hoàng Văn Nhân, người dân sống tại tuyến đường Võ Thị Sáu nhận xét, trước kia dây điện, cáp viễn thông vướng víu, chằng chịt... khắp nơi khiến người dân ở đây lo lắng về nguy cơ gãy đổ cột, đứt dây, gây cháy nổ. Từ khi khu phố đi bộ được chỉnh trang, lưới điện được ngầm hóa, bộ mặt của khu phố khang trang, tạo không gian thông thoáng cho du khách tản bộ; đồng thời giúp giảm thiểu nguy cơ sự cố lưới điện. Đây là một trong những nỗ lực của công ty nhằm góp phần chỉnh trang đô thị, giải quyết triệt để cảnh dây điện, cáp viễn thông treo lủng lẳng trên đầu người dân và du khách.

Để triển khai thực hiện ngầm hóa một số tuyến đường tại khu vực trung tâm như Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Lê Lợi và Hùng Vương nhằm đảm bảo không gian thoáng đãng, an toàn đi lại trên những tuyến phố đi bộ, phục vụ nhu cầu người dân, du khách về đêm vào những ngày cuối tuần, công ty đã đầu tư 37 tỷ đồng, ngầm hóa đường dây trung áp, hạ áp với tổng chiều dài hơn 9km và lắp đặt trạm biến áp.

Ngầm hóa lưới điện tại khu phố đi bộ TP. Huế

Ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty cho biết, kinh phí thi công 1km đường điện ngầm đắt gấp 3 lần so với thông thường; nhưng để góp phần xây dựng Huế trở thành nơi có chất lượng sống cao và hiện đại, xây dựng hình ảnh thành phố festival, công ty quyết tâm hoàn thành tốt công tác ngầm hóa lưới điện theo chỉ thị của UBND tỉnh.

Ông Phúc đánh giá, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng trong kế hoạch chỉnh trang đô thị Huế, mang lại vẻ khang trang cho các tuyến phố. Hệ thống điện được nâng cấp mang lại hiệu quả trong việc cung ứng điện, đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, được người dân trên các tuyến phố đồng tình ủng hộ.

Cần phối hợp đồng bộ

Theo ông Phúc, công tác ngầm hóa lưới điện không chỉ cần nguồn vốn lớn mà còn cần sự đồng bộ với quy hoạch đô thị. Trong đó, vai trò của các cấp chính quyền rất quan trọng  trong việc phối hợp với các đơn vị cung cấp hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ, nhịp nhàng.

Đơn cử như dự án ngầm hóa lưới điện tại các tuyến đường thuộc phố đi bộ, UBND TP. Huế đã chỉ đạo đồng loạt triển khai thi công đối với các ngành điện lực, viễn thông, chiếu sáng công cộng, công trình giao thông, thoát nước đô thị... Nhờ đó mà công tác phối hợp giữa các bên luôn đồng bộ, tránh gây mất trật tự, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Điều này giúp giảm thiểu chi phí và thời gian xây dựng, nhanh chóng hoàn trả mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống, mưu sinh của người dân.

Thực ra, việc ngầm hóa lưới điện TP. Huế đã được ngành điện triển khai cách đây hơn chục năm. Giai đoạn 1999-2000, từ nguồn vốn ODA, công ty đã triển khai ngầm hóa gần 100km lưới điện tại TP. Huế, giúp đảm bảo an toàn lưới điện trước sự cố mưa bão, góp phần xây dựng mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, việc ngầm hóa lưới điện không triển khai đồng bộ với việc chỉnh trang đô thị nên không ít lần lưới điện bị hư hỏng, sự cố do công tác chỉnh trang đô thị sau này. Điển hình, khi dự án Cải thiện môi trường nước được triển khai, công ty đã chủ động làm việc với Ban quản lý DA để phối hợp bảo vệ lưới điện và đảm bảo tiến độ của DA, nhưng từ năm 2016 đến nay, việc thi công DA đã gây 19 sự cố đứt hỏng cáp ngầm 22kV ở khu vực bờ nam TP. Huế, ảnh hưởng nghiêm trọng việc cung cấp điện tại nhiều khu vực, các cơ quan trọng yếu như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bệnh viện TƯ Huế... và đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Thực tế đó đã cho thấy sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị; hay nói cách khác, chưa có quy hoạch kỹ thuật chi tiết và một cơ quan làm đầu mối trực tiếp điều phối, quản lý và điều hành.

Ông Phúc đề xuất, quy hoạch ngầm không chỉ dừng lại ở lưới điện mà phải tính đến các dịch vụ khác như viễn thông, chiếu sáng... trên cơ sở xây dựng hệ thống cống bể ngầm dùng chung cho các doanh nghiệp, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đô thị Huế, giảm chi phí chung cho xã hội, góp phần xây dựng TP. Huế văn minh, hiện đại, xứng đáng là thành phố festival của Việt Nam.

Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rủi ro trên công trường xây dựng

Hình ảnh nhiều thợ xây cheo leo trên giàn giáo để làm việc mà không có đồ bảo hộ lao động vẫn diễn ra tại nhiều công trình xây dựng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động và những hậu quả khó lường.

Rủi ro trên công trường xây dựng
Hướng phong trào đến xây dựng mô hình sản xuất mới

Cùng với phát triển sâu rộng, tăng nhanh về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế - xã hội, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay cần có các giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn nhằm hướng phong trào đến xây dựng các mô hình sản xuất mới.

Hướng phong trào đến xây dựng mô hình sản xuất mới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top