|
Kỳ vọng điểm mới Luật Đất đai 2024 tháo gỡ điểm nghẽn trong hỗ trợ tái định cư cho người dân |
Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi 2024 với 16 chương, 260 điều; có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), so với luật hiện hành, Luật Đất đai sửa đổi 2024 có nhiều điểm mới hướng đến cân bằng lợi ích của cả người dân và doanh nghiệp, trong đó nổi bật là cơ chế thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cơ chế này sẽ làm cho giá đất thực hiện dự án cao lên, bám sát thị trường. Và để cân bằng lợi ích các bên, doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh cho phù hợp.
Theo quy định của luật, hằng năm các địa phương sẽ ban hành bảng giá đất, đây là cơ sở để cả doanh nghiệp và người dân thỏa thuận (Luật Đất đai 2013 quy định định kỳ 5 năm công bố bảng giá đất). Cơ chế này được xem là hướng tháo gỡ hiệu quả những điểm nghẽn lâu nay trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất của các địa phương.
Những năm qua, Thừa Thiên Huế cũng khá bức thiết khi đầu tư các công trình, dự án nhằm thúc đẩy nền kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển. Do nằm trong tình trạng gặp phải “điểm nghẽn” chung nên rất cần những cơ chế hữu hiệu để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng (GPMB), hoàn tất tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, những “điểm nghẽn” dù đã được nhận diện nhưng không dễ tháo gỡ nên nhiều công trình, dự án triển khai ì ạch, làm giảm động lực phát triển. Nguyên nhân của thực trạng này vẫn phải nhắc lại là do những quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh có những trường hợp chưa sát thực tế.
Thực tế về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất khi áp dụng các Quyết định 80/2019; Quyết định 36/2021 và gần đây nhất là Quyết định 50/2023 của UBND tỉnh ban hành. Thế nhưng không ít quy định trong các quyết định trên được nhiều đơn vị, ngành chức năng, địa phương ghi nhận rất khó áp dụng trong quá trình GPMB vì giá bồi thường đất thấp, chưa sát thực tế, cũng như việc cấp đất tái định cư nảy sinh nhiều vướng mắc. Do đó nhiều DA thường kéo dài, chậm tiến độ.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Toàn cho rằng, chính vì những vướng mắc đã từng gặp và cần cơ chế sát thực tế hơn nên hiện nay trong Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, UBND tỉnh đã đặt ra yêu cầu các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền về các nội dung quy định thi hành Luật Đất đai phải đảm bảo đồng bộ, thực hiện thống nhất, kể từ ngày Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn dưới luật có hiệu lực.
Kế hoạch đặt ra nhiều “đầu việc” cho ngành chức năng về tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh quy định chi tiết hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền được giao; trong đó tập trung xây dựng các quy định liên quan để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong quá trình sử dụng đất, đặc biệt là khi Nhà nước thu hồi đất.
Những “đầu việc” này được cho là hết sức quan trọng, bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất và được kỳ vọng là lời giải hợp lý nhất cho nhiều tình huống nảy sinh trong quá trình GPMB thời gian qua.
Những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 được nhiều người chờ đợi sẽ đi vào thực tế đời sống bằng các văn bản dưới luật để góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn hiện nay.
|
Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới quan trọng, như bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất mới từ 1/1/2026; đất cấp sai thẩm quyền sau 2014 sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ); đất không có giấy tờ trước ngày 1/7/2014 được cấp sổ đỏ. Luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH; bổ sung nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất; đa dạng các hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; chuẩn bị được thu hồi đất khi đã bàn giao nhà ở tái định cư; bổ sung thêm khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất…
|