ClockThứ Hai, 30/10/2023 06:58

Những lưu ý khi thi công sàn bê tông

TTH - Những sai sót hay sơ suất trong quá trình thi công sàn nhà bê tông cốt thép nói riêng và bê tông cốt thép nói chung là điều cần cố gắng tránh.

Đồng Lâm đồng hành xây dựng nông thôn mới

Đổ bê tông cần chú ý công tác bảo dưỡng nhằm đảm bao chất lượng công trình 

Bê tông cốt thép chính là sự kết hợp hài hòa giữa bê tông với cốt thép. Theo đó, bê tông có khả năng chịu được lực nén tốt nhưng lại chịu lực kéo kém. Còn cốt thép có khả năng chịu nén và chịu kéo đều tốt. Bê tông cốt thép là sự kết hợp để giúp gia tăng khả năng chịu lực nén và kéo của kết cấu bê tông.

Ông Tôn Thất Tùng Thanh, Trưởng phòng Thí nghiệm - Kiểm tra chất lượng sản phẩm (Công ty CP Xi măng Đồng Lâm) chia sẻ những lưu ý khi thi công sàn bê tông cốt thép:

Việc chuẩn bị, thi công cột chống và ván khuôn không cẩn thận và chắc chắn có thể dễ dẫn những nguy cơ như sập giàn giáo khi thi công, hoặc có thể gây ra tình trạng bê tông bị trũng, bị phồng, co kích thước hay mất nước xi măng trong quá trình mới đổ. Vì vậy, công tác ván khuôn, cột chống cần được thực hiện cẩn thận và đúng kỹ thuật, được kiểm tra và nghiệm thu đạt yêu cầu trước khi thực hiện đổ bê tông sàn để tránh những sai sót ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Việc đặt vị trí cốt thép và nối cốt thép cần được thực hiện theo hướng dẫn của kỹ sư hay cán bộ kỹ thuật hiểu biết về kết cấu, cần tuân thủ những quy định trong tiêu chuẩn TCVN 4453:1995. Việc đặt sai thép trong cấu kiện mà nhất là tại các giao điểm giữa dầm, cột làm mất đi tác dụng chịu lực của sàn bê tông; nối thép không đúng quy định có thể ảnh hưởng đến độ bền công trình.

Cốt thép đai là các vòng thép bọc quanh các thanh thép chính dọc theo đà/dầm và cột. Các đai này có vai trò giữ cho các thanh thép chính cố định khi thi công, chịu lực nén mạnh. Đồng thời lớp cốt thép đai chịu các lực cắt ngang, xiên đặc biệt là ở các khu vực giao điểm giữa các cấu kiện. Ngoài ra, cốt thép đai còn chống lại sự giãn nở do thay đổi nhiệt độ trong bê tông để giúp cho bê tông vẫn đồng nhất. Thông thường, việc tăng cường cốt thép đai được thực hiện ở vùng gần các giao điểm. Trong trường hợp chịu lực nén lớn, cần phải bẻ móc để giữ cho các thanh thép chủ không bị trượt.

Việc định vị sai lệch hệ kết cấu có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong quá trình xây dựng. Điển hình là các kết cấu không thẳng hàng, bị lệch từ giai đoạn trước dẫn đến khi làm thép hoặc đổ bê tông sẽ lệch. Vì vậy, trong quá trình xây dựng, chúng ta cần phải nắm vững kiến thức cơ bản về hình học và đo đạc chính xác để tránh những sai lệch không đáng có.

Hiện nay, quá trình lựa chọn vật liệu cho hỗn hợp bê tông dễ dàng và có nhiều sự lựa chọn hơn so với trước đây. Chất lượng của cát, đá phụ thuộc vào thành phần hạt, hàm lượng tạp chất có hại (bùn, bụi bẩn, tạp chất hữu cơ). Chất lượng bê tông phụ thuộc nhiều vào cốt liệu, vì vậy, chúng ta cần lựa chọn cốt liệu đạt yêu cầu chất lượng để chuẩn bị hỗn hợp bê tông.

Dù bê tông được trộn bằng phương pháp nào thì cấp phối bê tông đều cần phải tối ưu cho từng hạng mục sử dụng và được thiết kế phù hợp nhất cũng như phải đạt mác bê tông yêu cầu. Đối với xi măng dân dụng, các cấp phối được nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao.

Việc sử dụng lượng nước trộn phù hợp là một lưu ý quan trọng. Với cùng một cấp phối vật liệu xi măng, cát, đá thì lượng nước sử dụng nhiều hay ít mục đích là để điều chỉnh độ sụt (độ linh động) của hỗn hợp bê tông cho dễ thi công. Tuy nhiên, độ sụt quá cao hay quá thấp đều có thể có những ảnh hưởng đến chất lượng bê tông. Vì vậy, độ sụt cần lưu ý điều chỉnh phù hợp cho từng hạng mục công trình. Thông thường độ sụt hỗn hợp bê tông sử dụng cho sàn bê tông cốt thép khoảng 10±2cm (tối đa là 12±2cm khi lên cao) khi dùng bơm đổ bê tông; bê tông móng đổ trực tiếp không dùng bơm độ sụt hợp lý là 6 ±2cm; bê tông cột, sàn đổ trực tiếp không dùng bơm độ sụt hợp lý nên là 8±2cm.

Hiện nay, hầu như công tác trộn hỗn hợp bê tông đều được thực hiện bằng máy trộn dân dụng hay máy trộn công nghiệp (bê tông tươi). Hình thức trộn bê tông thủ công thường sử dụng khi khối lượng bê tông ít. Các sai sót dễ mắc phải như:

Nguyên, vật liệu bị cân, đong sai (dư/thiếu) làm thay đổi cấp phối bê tông dẫn đến chất lượng bê tông bị thay đổi so với yêu cầu mác bê tông thiết kế, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Hỗn hợp bê tông không đồng nhất do thời gian trộn quá ngắn dẫn đến các vật liệu chưa được trộn đều với nhau, làm giảm tính công tác, giảm chất lượng của bê tông. Hỗn hợp bê tông sau khi trộn chưa được thi công ngay gây suy giảm chất lượng bê tông do quá trình hydrat hóa xi măng đã diễn ra một phần.

Tùy công năng sàn hoặc diện tích sàn, bê tông sàn có thể có độ dày khác nhau và cần tuân thủ theo thiết kế. Độ dày sàn mỏng có thể ảnh hưởng khả năng chịu tải của sàn khi đưa vào sử dụng; sàn có độ dày lớn quá mức cần thiết gây lãng phí, trọng lực sàn có thể gây ảnh hưởng đến các kết cấu chịu lực, ảnh hưởng đến nền móng của công trình. Việc đảm bảo độ dày của bê tông sàn theo thiết kế giúp sàn chịu lực tốt, phát huy tác dụng cốt thép và bảo vệ cốt thép. Vì vậy, cần ghi chú chiều cao tại từng vị trí sàn, hoặc chuẩn bị cây thăm có chiều cao theo kích thước yêu cầu đặt ra để kiểm tra trong quá trình đổ bê tông sàn. Chuyên nghiệp hơn thì kiểm tra cao độ trong quá trình đổ bê tông bằng máy thủy bình và máy Mia.

Khi đổ bê tông bơm, nếu để độ cao rơi quá cao sẽ gây phân tầng, tách lớp hỗn hợp bê tông trên sàn, ảnh ưởng đến chất lượng bê tông sàn (rỗ, tính chống thấm kém, chịu lực yếu,…). Vì vậy, cần phải hạn chế chiều cao rơi thấp nhất có thể, chiều cao rơi không nên vượt quá 1.5m để tránh hiện tượng phân tầng.

Khi thi công thực tế, có thể có những hiện trường phức tạp mà vòi bơm khó có thể điều chỉnh linh động. Để khắc phục, ta có thể sử dụng các vòi, máng nghiêng để rót bê tông vào. Đối với cột bê tông, có thể mở các cốp pha ngang ở các mặt bên cột, đổ đầy đến đó và lắp lại cốp pha và tiếp tục đổ tiếp phần trên. Quá trình đổ bê tông sàn phải đổ bê tông từ xa về gần so với vị trí tiếp nhận bê tông để đảm bảo người và phương tiện không đi lại trên kết cấu bê tông vừa mới đổ xong.

Công tác bảo dưỡng rất quan trọng, nhằm đảm bảo giữ ẩm cho bê tông, bảo vệ bê tông tránh khỏi sự mất nước nhanh và những ảnh hưởng không tốt trong suốt quá trình đóng rắn ban đầu của bê tông. Công tác bảo dưỡng không đạt yêu cầu có thể gây ra các hiện tượng nứt nẻ bề mặt sàn, trắng mặt sàn, bê tông không đạt cường độ thiết kế.

Bài, ảnh: Tùng Thanh- Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

TIN MỚI

Return to top