Công an TP. Huế tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm trong đợt ra quân lập lại TTĐT và ATGT
Cương quyết xử lý
Các tuyến đường xung quanh Bệnh viện Trung ương Huế, đường Phan Đình Phùng khu vực xung quanh chợ Bến Ngự (phường Vĩnh Ninh) trước đây luôn tồn tại nhiều điểm mất an ninh trật tự và ATGT. Tình trạng người dân tụ tập kinh doanh hàng hóa ngay trên lòng đường, vỉa hè diễn ra thường xuyên gây mất trật tự là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Từ đầu năm đến nay, UBND phường Vĩnh Ninh ra quân lập lại TTĐT, ATGT tại các tuyến đường trên và đường Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… Trong đó, tập trung chấn chỉnh tình trạng mua bán rong bạ trên vỉa hè, lề đường; tình trạng xe trung chuyển chạy vòng đón trả khách lộn xộn, ô tô, xe máy chạy vào đường một chiều tại các tuyến đường Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Trần Cao Vân…
Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh, bà Trần Thị Kim Cúc thông tin, qua kiểm tra, các lực lượng chức năng đã lập gần 500 biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ trên 2.000 tang vật vi phạm, trong đó đã xử lý trên 300 trường hợp và phạt tiền hơn 100 triệu đồng. Sắp tới, phường sẽ xin ý kiến TP xử lý các đối tượng dừng xe để mua hàng trên các tuyến đường để răn đe và hạn chế tình trạng kinh doanh không đúng nơi quy định.
Tại phường An Đông, nơi có nhiều chợ cóc, nhà hàng phục vụ ăn uống xung quanh các tuyến đường Đặng Văn Ngữ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, tình trạng đậu đỗ xe không đúng nơi quy định, kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường diễn ra thường xuyên. Sau 7 tháng ra quân, các lực lượng chức năng đã chấn chỉnh 20 trường hợp sử dụng mái che và mái vẩy, tháo dỡ 12 vệt dắt xe và bục bệ tam cấp; đồng thời kẻ vạch hướng dẫn để xe trên các tuyến đường chính, lắp đặt 20 bảng tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Theo Đại tá Hoàng Long, Trưởng Công an TP. Huế, qua 7 tháng triển khai công tác đảm bảo ATGT và TTĐT, các đơn vị đã xây dựng hơn 300 cụm pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan trên các tuyến đường; tiến hành cho gần 5.000 hộ kinh doanh cam đoan, cam kết không chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh buôn bán; mở 36 lớp tuyên truyền, tuyên truyền ý thức pháp luật về ATGT, TTĐT với trên 3.500 người tham gia. Công tác kiểm tra, xử lý về ATGT và TTĐT được các đơn vị triển khai quyết liệt, trong đó lập biên bản xử lý trên 8.000 trường hợp vi phạm, xử phạt trên 4,5 tỷ đồng; tạm giữ gần 5.000 phương tiện và tang vật của các đối tượng vi phạm.
Lực lượng chức năng tạm giữ xe mô tô đậu đỗ không đúng nơi quy định trên địa bàn TP. Huế
Giải pháp căn cơ
Đội trưởng Đội Quản lý đô thị TP. Huế, ông Lê Quang Phiệt cho rằng, việc lập lại TTĐT trong thời gian qua mới chỉ là kết quả bước đầu, nhiệm vụ quan trọng hơn cả là phải duy trì được kết quả này một cách bền vững, lâu dài. Giải pháp tối ưu là đề cao trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng như đội quản lý đô thị, tổ quản lý TTĐT phường, công an, tổ dân phố, đồng thời quy rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu, nếu nơi nào xảy ra vi phạm, người đứng đầu địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp. Giải pháp lâu dài trong quản lý đô thị là TP cần nghiên cứu, quy hoạch mô hình hoạt động tại một số địa điểm, khu vực cận trung tâm để người dân có điều kiện tham gia buôn bán tập trung về đêm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước, như khu vực trước Trung tâm Thi đấu tỉnh, công viên cầu Dã Viên, công viên Thương Bạc…
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Châu Văn Lộc nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2019, TP tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch 23 của UBND tỉnh về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT; nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của các đơn vị trong công tác đảm bảo ATGT, TTĐT trên địa bàn mình quản lý; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm cương quyết kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2018.
Ông Lộc cho biết, ngoài việc đầu tư hạ tầng giao thông và khắc phục các kết cấu hạ tầng, TP tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT và TTĐT trên địa bàn, trong đó chú trọng công tác nâng cao hiệu quả và đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; khắc phục, xử lý những bất cập trong tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các điểm phức tạp về TTĐT.
Để đảm bảo ATGT và TTĐT trên địa bàn, TP kiến nghị UBND tỉnh bố trí vốn nâng cấp hệ thống cầu, đường giao thông, trong đó cải tạo, sửa chữa cầu Bạch Yến, chợ Dinh; lắp đặt và thay thế trên 600 biển báo; nâng cấp hệ thống các cụm đèn tín hiệu giao thông xuống cấp và hư hỏng, đồng thời thí điểm lắp đặt hệ thống giá long môn trên các tuyến đường Đống Đa, Lê Quý Đôn, Trần Hưng Đạo... với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: Thanh Hương