Một vọng cảnh đã được xây dựng hoàn thành
Công trình sửa chữa cầu Trường Tiền do Cục Quản lý Đường bộ 2 làm chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng An Giang Dragon là đơn vị thi công, với tổng mức đầu tư 3,8 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 10 năm nay.
Trả “dáng xưa” cho cầu
Hiện đơn vị thi công đang tiến hành khoan cấy thép và lắp 4 vọng cảnh (trên tổng số 10 vọng cảnh) hai bên lối đi bộ đúng như thiết kế vào thời Bảo Đại; tiến hành sửa chữa hư hỏng các bản bê tông cốt thép dưới mặt cầu và lát gạch phía hai đầu cầu và lề đi bộ. Để xử lý những điểm hoen gỉ cục bộ dưới mặt cầu, đơn vị thi công dùng máy phun cát làm sạch bề mặt một số hạng mục khi tiến hành sơn lại cầu.
Anh Bùi Hà Bắc, nhân viên kỹ thuật (Công ty CP Tư vấn và Xây dựng An Giang Dragon) cho biết: “Dù nắng nóng nhưng công ty luôn huy động 20 công nhân thi công tại công trường nhằm đảm bảo tiến độ, hiện đạt khoảng 40% khối lượng công việc, dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong 14/10 tới”.
Đơn vị thi công khoan cấy thép mố trụ, dựng vọng cảnh trên cầu
Ông Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng đội thi công khẳng định: Để tránh gây ô nhiễm, việc phun cát xử lý hoen gỉ cục bộ sẽ được tiến hành từ 21 giờ đêm. Đơn vị thi công cũng đã khoan trụ 1, 2, 5 và cấy thép vào mố cầu lắp phần vọng cảnh phía trên; cho ngăn một lối đi bên cầu để tập kết vật liệu thi công phần vọng cảnh và đảm bảo an toàn cho người dân qua lại.
Ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ 2.6 (Cục Quản lý Đường bộ 2, Bộ GTVT)- đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý sửa chữa công trình đánh giá: Cầu Trường Tiền là điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch tổng thể kiến trúc của kinh thành Huế. Do vậy, sau khi tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu và chính quyền địa phương, đơn vị đã thống nhất phương án sửa chữa và phục hồi lại một số hạng mục của cầu Trường Tiền.
Theo đó, sẽ bổ sung và khôi phục lại hệ thống lan can gồm 10 vọng cảnh cho người đi bộ dừng chân, ngắm cảnh (mỗi vọng cảnh có chiều dài 7m, và rộng 1,25m) vốn đã có trước đây. Đợt sửa chữa này sẽ cào bóc lớp bê tông nhựa mặt cầu và đường hai đầu cầu bị hư hỏng, thảm lại hoàn trả lớp bê tông nhựa chặt dày 6cm (trước khi thảm tưới nhũ tương dính bám, tiêu chuẩn 0,5kg/m2); thay thế khe co giãn cũ bị hư hỏng phạm vi lề bộ hành trên các trụ bằng khe co giãn bản thép trượt, tường đầu bằng bê tông; sửa chữa, sơn lại giàn thép và liên kết bị gỉ, bong tróc sơn.
Ông Linh cho biết thêm, trong đợt này cũng tiến hành sửa chữa một số hạng mục khác như bậc lên xuống trên mố cầu đầu cầu, lề bộ hành trên cầu bằng bê tông sẽ thay bằng gạch màu xanh, sơn lại các vạch kẻ đường và vị trí lan can thép bị han gỉ. Sau khi tiến hành khôi phục, sửa chữa xong, ngoài sơn lại màu chủ đầu tư sẽ lấy lại tên gốc cho cây cầu là “Trường Tiền”.
Đề xuất cấm ô tô khi hoàn thành
Sẽ sửa chữa cầu Phú Xuân
“Dự án sửa chữa cầu Phú Xuân Km825+390 được bộ GTVT phê duyệt kế hoạch sửa chữa và Tổng cục ĐBVN cho phép đầu tư sửa chữa trong năm 2017 bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ. Trên cơ sở kết cấu mố trụ hiện tại, sẽ mở rộng mặt cầu phần xe chạy từ 12 thành 16m nhằm giảm tối thiểu tình trạng ùn tắc giao thông. Phần lề bộ hành bố trí tối thiểu mỗi bên 2m; sửa chữa mặt cầu, đường đầu cầu hư hỏng cục bộ bằng thảm bê tông nhựa; thay thế các khe cao su hư hỏng bằng khe thép dạng răng lược; mở rộng nền, mặt đường phạm vi đường hai đầu cầu và thay thế lan can cầu”, ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ 2.6 thông tin.
|
Cầu Trường Tiền có mật độ lưu lượng phương tiện qua lại khá đông nên khi thi công, ngành giao thông đã triển khai nhiều phương án đảm bảo an ATGT đường bộ cũng như đường thủy như: bố trí hệ thống biển báo hiệu phía hai đầu cầu và Đoạn quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT) đã tiến hành thả phao, biển báo và có lực lượng túc trực trên xuồng cao tốc phía hạ nguồn chân cầu nhằm cảnh báo, hướng dẫn các phương tiện đường thủy đi đúng luồng tuyến.
Ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh cho hay, việc cấm các phương tiện đang được đề xuất xem xét. Do mặt cầu hẹp (chỉ trên 5m), hiện nay mới thi công phần dưới cầu và lắp đặt một số vọng cảnh nên khi thảm lại mặt cầu sẽ tiến hành phân luồng, cấm các phương tiện lưu thông qua cầu.
“Để giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân và du khách, công tác cào bóc lớp bê tông nhựa và thảm lại chỉ trong 2-3 ngày và tiến hành thảm vào ban đêm, từ 22 giờ đến 5 giờ sáng”, ông Linh khẳng định.
Ông Linh cho biết thêm, sau khi hoàn thành sửa chữa, Cục Quản lý Đường bộ 2 sẽ nghiên cứu cấm ô tô lưu thông trên cầu như đề xuất của UBND tỉnh thay vì cấm theo khung giờ như hiện nay.
Mới đây, UBND TP. Huế cho biết, cùng với phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu thì sau khi cầu Trường Tiền hoàn thành sửa chữa, cũng sẽ tổ chức thí điểm cấm xe để dành cho người đi bộ vào các tối cuối tuần, nhằm kết nối các tuyến phố đi bộ từ bờ nam sang bờ bắc sông Hương. Hiện, UBND TP. Huế đang xin ý kiến của UBND tỉnh, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH