ClockThứ Tư, 12/07/2017 05:36

Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản: Khép kín & có chọn lọc

TTH - Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản (TNKS) của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được thực hiện trên cơ sở đánh giá hiệu quả quy hoạch giai đoạn 2009- 2015 và hoạch định những nội dung phù hợp, đáp ứng yêu cầu định hướng chiến lược phát triển ngành công nghiệp khoáng sản của địa phương.

Tài nguyên khoáng sản được khai thác, sử dụng đắc lực cho các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. (Trong ảnh: Thi công một trong những hạng mục công trình hồ Tả Trạch)

Nhiều điểm mới

Qua các kết quả khảo sát, thăm dò và tài liệu lưu trữ địa chất, Thừa Thiên Huế có nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) phong phú và đa dạng, với gần 100 điểm, mỏ quặng thuộc nhóm khoáng sản (KS) phi kim loại và kim loại. Trong đó, nhóm KS phi kim loại là nhóm nổi bật của tỉnh với nhiều chủng loại phong phú, chất lượng tốt, trữ lượng lớn mà chỉ có một số tỉnh trong cả nước có được như đá vôi xi măng, đất sét xi măng, cát sỏi, đá xây dựng, sét gạch ngói, cát thủy tinh, cao lanh… Những mỏ KS này phân bố chủ yếu ở Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới…

Trên cơ sở hiện trạng tài nguyên (TN), đặc điểm phân bố KS và dự báo cân đối nhu cầu sử dụng nguyên liệu KS cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) xây dựng quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 86 khu vực mỏ với tổng diện tích hơn 1.475ha, diện tích sử dụng đất hơn 11.500ha. Trong đó, có 28 khu vực mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường với trữ lượng TN dự báo 62,6 triệu m3; 15 khu vực mỏ sét làm gạch ngói với trữ lượng TN dự báo hơn 8,1 triệu m3; 35 khu đất san lấp với trữ lượng TN dự báo gần 53,4 triệu m3; 3 khu mỏ than bùn với trữ lượng TN dự báo hơn 2,1 triệu tấn và 5 khu vực mỏ phân tán nhỏ lẻ gồm các loại KS: đá sét, sắt phụ gia xi-măng, đá ốp lát.

Phó Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản- Sở TN&MT Nguyễn Mạnh Đại Lân cho rằng, quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng TNKS của tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 có nhiều điểm mới về phân định vị trí ưu tiên, vùng cấm, tạm cấm, theo quy mô trữ lượng, nhu cầu, thời gian…

Quy hoạch này được thực hiện theo dạng khép kín, có nghĩa khu vực hoạt động KS được giới hạn, khoanh định vị trí, diện tích, tọa độ các khu vực mỏ để đưa vào thăm dò, khai thác và sử dụng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các điểm mỏ được quy hoạch thăm dò, khai thác cũng được rà soát kỹ, tránh tác động đến môi trường, liên quan đến di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh, vị trí quốc phòng cũng như chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH…

Ông Nguyễn Mạnh Đại Lân lấy ví dụ, không như trước đây, việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác mỏ đất sét được chuyển dịch vị trí sang các mỏ đất sét ở vùng đồi mà không cấp phép khai thác ở các khu vực trồng lúa, khu vực dân cư, khu đô thị, mặc dù những nơi này chứa sét quy mô lớn, chất lượng tốt. Các điểm mỏ nếu có dính đến khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu di tích, cảnh quan, vị trí quốc phòng hay vướng các quy hoạch khác đều được loại bỏ hoặc hạn chế hoạt động KS. Cụ thể, có 18 khu vực mỏ đã được loại khỏi quy hoạch trong giai đoạn này.

Quy hoạch phải đi đôi với tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. (Trong ảnh: Khai thác cát trái phép tại Phong Hiền - Phong Điền)

Tránh thất thoát, lãng phí

Quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã tổng hợp đầy đủ, có hệ thống nguồn TNKS trên địa bàn tỉnh, làm rõ hiện trạng phân bố của các điểm mỏ, điều kiện kinh tế địa chất liên quan và sơ bộ nhận định hiện trạng chồng lấn của các điểm mỏ.

Quy hoạch đặt ra những giải pháp để thực hiện có hiệu quả, hợp lý nguồn TNKS như đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, công nghệ sạch, dây chuyền chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị kinh tế; cải tạo, phục hồi môi trường; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến, hình thành thị trường KS trong tỉnh… Nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch thủ tục cấp phép hoạt động KS, tăng cường thanh, kiểm tra để ngăn chặn hành vi vi phạm trong khai thác TNKS vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, bức xúc trong Nhân dân.

Đến nay, trên địa bàn có hơn 70 tổ chức, cá nhân khai thác KS với đa dạng chủng loại có quy mô công nghiệp với nhiều cấp quản lý khác nhau, tăng hơn khoảng 40 tổ chức, cá nhân so với thời kỳ năm 2009.

Dù phương pháp và công nghệ khai thác của một số đơn vị thai thác còn thô sơ nhưng hầu hết các mỏ được cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng đều gắn liền phục vụ trực tiếp nhu cầu của thị trường về san lấp, xây dựng các công trình kinh tế, quốc phòng, dân sinh và được bố trí cung cấp nằm gần vùng nguyên liệu. Hoạt động chế biến, sử dụng KS cũng được chú trọng gắn với chế biến sâu.

Đối với nhóm khoáng chất công nghiệp, nhìn chung dây chuyền sản xuất các lò gạch tuy-nel sử dụng nguyên liệu sét trên địa bàn khá hiện đại, sản phẩm chất lượng tốt. Than bùn được dùng để sản xuất phân vi sinh, sử dụng làm phân bón cho các loại cây trồng công nghiệp, nông nghiệp trong tỉnh cũng như xuất khẩu sang Lào.

Đá làm VLXD được chế biến thành nhiều dạng sản phẩm phục vụ trực tiếp các công trình xây dựng, giao thông trong tỉnh. Mỏ đá vôi, quặng sắt phụ gia xi măng, đá sét xi măng được phục vụ trực tiếp cho các nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh. Nhóm KS kim loại trong đó có quặng titan sau khi khai thác thô được tách tuyển thành các sản phẩm tinh quặng ilmenit, rutil, zircon, monazit theo các quy trình công nghệ riêng.

Tính đến cuối năm 2016, UBND tỉnh đã cấp 62 giấy phép thăm dò KS; trong đó, có 52 giấy thăm dò đã được cấp phép khai thác gồm: đá làm VLXD thông thường (21 mỏ), sét gạch ngói (2 mỏ), cát, sỏi xây dựng (11 mỏ), đất làm vật liệu san lấp (16 mỏ), than bùn (2 mỏ). Bộ TN&MT cấp 22 giấy phép thăm dò, khai thác KS theo thẩm quyền của Trung ương với tổng diện tích 2.690ha.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

TIN MỚI

Return to top