Tận dụng các nguồn vật liệu, rác xây dựng sẽ giảm áp lực cát lòng sông
Thay thế cát sỏi tự nhiên bằng đá xay
Theo tính toán của cơ quan chức năng, lượng rác thải xây dựng trên toàn tỉnh năm 2020 khoảng 78.840 tấn; năm 2025 hơn 81.760 tấn và năm 2030 tăng lên khoảng 84.700 tấn. Nếu tập trung nghiên cứu, đầu tư máy móc, công nghệ để tận dụng tái chế loại rác này thành vật liệu cát sỏi xây dựng sẽ góp phần giảm áp lực cho nguồn cát sỏi tự nhiên và người dân có cơ hội mua được vật liệu giá rẻ, nhưng vẫn chất lượng.
Ngoài tận dụng, tái chế rác thải xây dựng hoàn nguyên thành vật liệu xây dựng mới, các nguồn tài nguyên dồi dào khác cũng có thể thay thế cát, sỏi lòng sông. Kết quả nghiên cứu của Sở Xây dựng đưa ra, có 4 loại vật liệu có thể thay thế, gồm: cát mịn (cát nội đồng, đá mi - phụ phẩm trong quá trình nghiền đá xây dựng), cát nghiền (cát nhân tạo, được nghiền từ đá xây dựng), cát trong các lòng hồ thủy điện.
Thời gian qua, đá mi đã được các nhà máy sản xuất gạch không nung như Công ty Gạch không nung Việt Nhật, Công ty Gạch không nung Tâm An, Nhà máy gạch block Long Thọ... sử dụng vào sản xuất gạch bê tông cốt liệu. Ngoài ra, một hệ thống các cơ sở nhỏ lẻ cũng sử dụng loại đá mạt thay cát sông để đúc bờ lô vì giá đầu vào rẻ hơn, dễ mua.
Qua khảo sát của Sở Xây dựng, các mỏ đá trên địa bàn tỉnh đều có thể nghiền nhỏ để làm ra cát thay thế cát sỏi lòng sông. Trong đó, cát nghiền từ đá có khối lượng lớn, phân bố phân tán trên địa bàn tỉnh với trữ lượng trên 779 triệu m3. Đá mi có tổng khối lượng có thể đáp ứng từ 20% - 30% nhu cầu sử dụng cát trên toàn tỉnh.
Mới đây nhất và cũng là điển hình tiên phong, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Tường - ông Dương Duy Long đã sáng chế dàn máy xay và đầu tư dây chuyền gồm mô tơ, máy bơm, sàn, bể lắng... để tận thu đất đá thải, sàng lọc ra từng loại sản phẩm vật liệu xây dựng.
"Đầu vào" của mô hình này được cơ sở thu mua với giá rẻ từ các nguồn vật liệu xây dựng lộn xộn, xà bần, đất đá thải từ các mỏ đá trên địa bàn.
Ông Dương Duy Long cho biết, qua hệ thống dàn máy tự chế, những loại đất đá tạp chất, rác thải xây dựng... được xay nghiền, sau đó phân loại qua hệ thống dàn lọc và cho ra 5 loại sản phẩm: đá sỏi (đổ đường), đá (đúc bờ lô), cát (đúc, xây), cát tô (mịn) và đất (san nền, trồng cây). Nếu vận hành hết công suất, mỗi ngày dây chuyền này có thể sàng lọc 600 m3 đất đá lộn xộn. Nhưng do phụ thuộc đầu vào, nên trung bình mỗi ngày cơ sở sàng lọc khoảng 150 m3 và đều được bán hết ra thị trường. Không có sự hao hụt giữa lượng đầu vào và đầu ra sản phẩm, với tỷ lệ cho ra tương ứng: 28% đá sỏi, 18% đá đúc, 18% cát đúc, xây, 27% cát tô và 9% đất.
Ông Long chia sẻ, chỉ cần có mặt bằng và hoạt động cách TP. Huế 5km, cơ sở đảm bảo sẽ tận thu hết lượng rác thải xây dựng trên địa bàn TP. Huế.
Dây chuyền sàng lọc đất đá thải, rác xây dựng của cơ sở Long Tường
Thay đổi tập quán xây dựng
Theo ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nguồn cát sông ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu cao gấp 5 - 6 lần so với trữ lượng cấp phép khai thác mỗi năm nên UBND tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: đưa vào đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản các điểm cát, sỏi đã được quy hoạch khai thác; nghiên cứu tìm kiếm vật liệu thay thế và nguồn nguyên liệu thay thế; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; thu mua cát sỏi hợp pháp từ ngoại tỉnh...
Trong đó, giải pháp sản xuất cát xay từ đá, bột đá xây dựng thay cát tự nhiên; tái chế sử dụng rác thải xây dựng... được cho là khả thi, nhằm cân đối, bình ổn cung - cầu, đẩy lùi tình trạng khai thác, mua bán cát, sỏi trái phép, gây thất thoát tài nguyên, sạt lở bờ sông, mất an ninh, trật tự xã hội.
Qua thăm dò ý kiến một số cơ sở hoạt động khai khoáng vật liệu xây dựng, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất vật liệu cát xay rất tốn kém, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Vì thế, nếu có chính sách hỗ trợ, khuyến khích về thuế tài nguyên, vốn, mặt bằng và đầu ra... các doanh nghiệp (DN), chủ mỏ sẵn sàng đầu tư để triển khai thực hiện phương án sản xuất.
Cùng với những chính sách hỗ trợ cho đơn vị sản xuất, việc quan trọng là cần xây dựng lộ trình sử dụng cát nghiền, cát xay tận thu vào các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước; qua đó đảm bảo đầu ra cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, cần đưa loại vật liệu này vào dự toán, thiết kế của các công trình có vốn đầu tư công để dần nhân rộng ra tổ chức, tư nhân. Phía người dân cũng cần chia sẻ và thay đổi tập quán xây dựng theo hướng tận dụng, tiết kiệm, nhất là sử dụng hữu hiệu nguồn cát xay nhân tạo để thay thế nguồn tài nguyên cát tự nhiên đang khan hiếm.
Trong khi giải pháp sản xuất vật liệu thay thế chưa được triển khai mạnh, nguồn cát sỏi từ khe suối, bãi bồi, cửa sông, cửa biển... và vùng cát nội đồng cần sớm được rà soát, đánh giá để đưa vào khai thác, khơi thông hợp lý, bổ sung vào nhu cầu vật liệu xây dựng.
Các địa phương đang có một lực lượng khai thác cát sỏi thủ công, nên có thể tận dụng nguồn này để thành lập mô hình khai thác cộng đồng, thay thế mô hình DN khai thác công suất lớn, nhằm đảm bảo nguồn cung, ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Bài, ảnh: Hoài Thương