|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại |
Sau hơn 45 năm xây dựng và đưa vào sử dụng, hiện các khối nhà của KCCĐĐ, nhất là các dãy nhà A,B,C đang xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 17/3/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc cải tạo, xây dựng KCCĐĐ và giao Công ty CP Phát triển và Đầu tư Đống Đa (gọi tắt là Công ty Đống Đa) làm chủ đầu tư.
Ông Bùi Ngọc Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm PTQĐ TP. Huế cho biết, khu vực giải tỏa tại các dãy nhà A, B, C có 161 căn hộ, hiện nay đã có 114 hộ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng, còn lại 47 hộ chưa thỏa thuận được. Từ cuối năm 2022 và năm 2023, UBND TP. Huế đã 2 lần chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành đối thoại với các hộ dân, nhưng đến nay nhiều hộ vẫn chưa thống nhất phương án nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Tại buổi đối thoại, bà Hoàng Thị Thanh Nga, một hộ dân tại dãy nhà C cho biết, năm nay tôi đã hơn 80 tuổi nên việc đi lại rất khó khăn, không thể đi thuê nhà ở khi DA triển khai. Do vậy, gia đình kiến nghị không nhận tiền tạm cư mà được cấp nhà tạm để ở. Sau khi DA hoàn thành sẽ trả nhà và về ở tại chỗ cũ.
Bà Hoàng Thị Thanh Nga cho rằng, căn hộ bà diện tích sử dụng khoảng 47m2, qua quá trình thuộc quyền sở hữu, bà đã đầu tư cải tạo 2 ban công (không phải lấn chiếm) nâng diện tích sử dụng lên. Do vậy, đề nghị khi chuyển đổi (kể cả chuyển đổi hệ số K) phải cấp cho bà căn nhà diện tích tương đương, không gia đình quá thiệt thòi!
|
Nhiều ý kiến các hộ dân KCCĐĐ được chính quyền ghi nhận |
Anh Hà Phương, một hộ dân ở dãy nhà A đề nghị, một số diện tích mặt bằng nhà ở, các hộ dân đã bàn giao cho Trung tâm PTQĐ TP. Huế tháo dỡ, đề nghị có giải pháp đảm bảo an toàn vì khi tiến hành tháo dỡ sẽ ảnh hưởng đến các hộ dân bên cạnh và phía dưới. Việc tháo dỡ các hạng mục vào thời điểm hiện nay là không phù hợp với thực tế vì nhiều hộ dân vẫn chưa bàn giao mặt bằng làm đời sống bị xáo trộn.
Tại buổi đối thoại, các hộ dân cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc tăng hệ số chuyển đối K từ 1,5 lên 2. Việc nhận tiền tạm cư theo dự kiến tiến độ hoàn thành DA là 24 tháng. Vậy, sau 24 tháng DA chưa hoàn thành thì tiền tạm cư có được nhận tiếp hay không. Tiền tạm cư sau 6 tháng thì nhà đầu tư có chuyển tiếp hay không. Tiền tạm cư nên có quỹ ký gửi ngân hàng để đảm bảo cho người dân không bị thiệt thòi. Các đơn vị liên quan cần có văn bản thỏa thuận, cam kết về việc giao, nhận căn hộ, mặt bằng…
Liên quan đến kiến nghị các hộ dân tăng hệ số K từ 1,5 lên 2, theo UBND TP. Huế, năm 2021 tại hội nghị nhà chung cư được tổ chức để các nhà đầu tư trình bày và đề xuất phương án cải tạo các dãy nhà A, B, C KCCĐĐ. Theo đó, nhà đầu tư được cư dân lựa chọn Công ty Đống Đa. Chủ đầu tư đã đề xuất diện tích sử dụng căn hộ tối thiểu không nhỏ hơn 45m2 sàn và hệ số quy đổi tái định cư tại DA KCCĐĐ là K = 1,5 lần diện tích sàn sử dụng hợp pháp cũ và đã được 66,67% cư dân tại hội nghị đồng ý. UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận kết quả hội nghị.
Chủ đầu tư công bố hệ số K = 1,5 lần đối với DA được tính toán trên cơ sở hệ số sử dụng đất, quy hoạch được duyệt và hiệu quả tài chính của DA mà chủ đầu tư có thể thực hiện được. Chủ đầu tư phải trích từ lợi nhuận dự kiến để chi phí các khoản hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư, các khoản hỗ trợ hộ gia đình theo chính sách Nhà nước. Tiền thưởng bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, giá bán diện tích sàn dôi dư thấp hơn nhiều so với giá vốn và phải nộp thuế cho Nhà nước phần chênh lệch do giá bán diện tích dôi dư dưới giá vốn… Việc một số cư dân yêu cầu trả hệ số K = 1,8 hoặc 2 lần, theo chủ đầu tư là không khả thi để thực hiện DA.
Liên quan đến tiền hỗ trợ thuê nhà tạm cư, chủ đầu tư đã đồng ý tăng giá tiền hỗ trợ mức 2 triệu đồng/căn hộ chính/tháng lên mức 4 triệu đồng. Thời gian chi trả 6 tháng/lần ở đầu mỗi đợt thanh toán. Hộ dân có thể lựa chọn nhận tiền thuê nhà tạm cư các đợt tiếp theo tại trụ sở UBND phường Phú Nhuận hoặc đăng ký nhận qua tài khoản ngân hàng do cư dân cung cấp. Hiện tại, chủ đầu tư đã chi trả đợt 2 tiền tạm cư cho 6 tháng tiếp theo đối với các hộ dân đã bàn giao mặt bằng.
|
Đông đảo người dân tham gia buổi đối thoại do UBND tỉnh tổ chức |
Chủ đầu tư đưa ra mốc thanh toán tiền tạm cư 24 tháng là tỷ lệ thuận với cam kết hoàn thành xây dựng các căn hộ tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân. Trong trường hợp thời gian xây dựng vượt quá 24 tháng, chủ đầu tư cam kết sẽ thanh toán tiếp tiền thuê nhà tạm cư cho đến khi hộ dân nhận bàn giao căn hộ tái định cư.
Đại diện UBND TP. Huế khẳng định, việc cải tạo, xây dựng mới các dãy nhà A, B, C khu CCĐĐ là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây cũng là nội dung nhằm thực hiện công tác chỉnh trang đô thị Huế theo quy hoạch.
Kết luận tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh khẳng định: Những ý kiến, trao đổi của người dân về các chính sách, cơ chế sẽ được cơ quan chứng năng tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp và có phương án xử lý tốt nhất dựa trên các quy định của pháp luật. Một số vấn đề cần căn cứ chính sách và thực tế để áp dụng yêu cầu Trung tâm PTQĐ, UBND TP. Huế rà soát lại để có văn bản trả lời cho người dân trước ngày 30/3.
UBND tỉnh cũng như các cấp chính quyền cam kết sẽ đồng hành, sát cánh với Nhân dân trong quá trình cải tạo xây dựng mới KCCĐĐ nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng công trình chất lượng, đảm bảo tiến độ, phù hợp với cảnh quan đô thị, có cơ chế hỗ trợ đền bù phù hợp và sớm tạo lập cho Nhân dân một nơi ăn chốn ở ổn định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị chủ đầu tư phải đảm bảo môi trường, an toàn khu chung cư, không để người dân tự ý phá bỏ một số hạng mục làm ảnh hưởng đến các hộ dân đang sinh sống. UBND tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại với người dân nếu có những vấn đề phát sinh hoặc chưa giải quyết thấu đáo.
|
Theo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại Khu CCĐĐ của UBND tỉnh, sẽ tiến hành cải tạo, xây dựng mới 3 khối nhà A, B, C Khu CCĐĐ trên khu đất có diện tích 8.664m2 với hiện trạng khối nhà A cao 5 tầng, gồm 4 nguyên đơn và hiện có 80 căn hộ; khối nhà B cao 3 tầng, gồm 3 nguyên đơn và hiện có 54 căn hộ và khối nhà C cao 3 tầng, gồm 3 nguyên đơn và hiện có 27 căn hộ.
|