ClockThứ Bảy, 07/09/2024 07:01

Tháo nhiều điểm nghẽn trong quản lý đất đai - Bài 1: Tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng

TTH - Cùng thời điểm, Luật Đất đai 2024 và các luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực vào 1/8. Các nhà chuyên môn đánh giá đây là bước đột phá tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, chồng chéo các chính sách liên quan trong việc quản lý đất đai để khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Bảng giá đất mới sẽ tác động đến giá bất động sản như thế nào?Tháo “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công

 Giải phóng mặt bằng là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng

Không riêng ở Thừa Thiên Huế, mỗi khi triển khai công trình, dự án (DA) xây dựng liên quan đến thu hồi đất đai thường bị chậm tiến độ. Nguyên nhân lớn nhất vẫn đến từ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó khâu bồi thường, tái định cư (TĐC)… thường xuyên nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Luật Đất đai 2024, với nhiều chính sách mới được kỳ vọng sẽ tháo được nút thắt trong lĩnh vực này.

“Nghẽn” vì luật cũ

Bạn tôi làm công tác ở Trung tâm Phát triển quỹ đất Phú Lộc hơn 10 năm nay - đơn vị thường tham gia công tác GPMB các công trình, dự án (DA) xây dựng trên địa bàn. Hễ mỗi khi gặp nhau bên ly cà phê sáng, bạn lắc đầu, mệt mỏi vì luôn bị áp lực khi giải quyết những trường hợp nằm trong diện GPMB, thu hồi đất, hỗ trợ, TĐC triển khai công trình, DA theo quy định của pháp luật. Theo bạn, bình quân mỗi năm ở địa phương có không dưới 10 công trình, DA xây dựng lớn liên quan đến công tác GPMB, liên quan đất đai; trong đó có những công trình xây dựng giao thông của tỉnh.

Thông thường khi tiến hành hỗ trợ, TĐC cho các trường hợp bị ảnh hưởng, thu hồi đất, quan điểm của đơn vị chuyên trách là vận dụng tối đa các chính sách theo hướng có lợi cho dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có công trình, DA nào triển khai mà công tác GPMB được suôn sẻ, đảm bảo đúng tiến độ.

 

Ở huyện Phú Lộc, có câu chuyện làm đau đầu lãnh đạo địa phương hơn 6 năm nay là chưa giải quyết dứt điểm 2 hộ dân có nhà và đất “án ngữ” điểm đầu của DA xây dựng tuyến chính nối từ QL1A vào Vườn Quốc gia Bạch Mã. Khi chúng tôi đề cập đến việc GPMB, lãnh đạo thị trấn Phú Lộc cho biết: Các hộ chưa đồng tình phương án bồi thường và TĐC, mặc dù các ban, ngành chức năng địa phương đã vận dụng hết cách.

Tại TP. Huế, DA nâng cấp mở rộng cầu Vỹ Dạ, đường 100m nối 2 Khu đô thị A và B An Vân Dương (cầu qua sông Như Ý) thuộc gói thầu 28 của DA đô thị xanh Huế cũng chậm tiến độ do vướng công tác GPMB. Cũng vì lý do này mà có nhà thầu đề nghị xin trả lại các hạng mục chưa thi công.

 Nhiều công trình giao thông chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng

Tiến độ tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc dài hơn 16km cũng ì ạch, kéo dài hơn so với kế hoạch phần lớn cũng vì vướng mắc trong công tác GPMB. Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phong Điền, đến thời điểm này, công tác bàn giao mặt bằng cho công trình đường Phong Điền - Điền Lộc đã hoàn tất cho chủ đầu tư, đơn vị thi công nhưng phải thừa nhận, thời gian qua công tác này mất nhiều thời gian, làm đau đầu cho cán bộ địa phương trong khâu thẩm định, hỗ trợ bồi thường, TĐC khi thu hồi đất. Rất nhiều trường hợp dây dưa và khiếu nại, khiếu kiện kéo dài vì giá bồi thường thấp. Cán bộ này thừa nhận, qua nhiều năm tham gia công tác GPMB các công trình, DA hầu như phải thực hiện phương châm “vận động” là chính, bởi phần lớn người dân bị ảnh hưởng khi bị thu hồi đất đều có tâm trạng không vui, thậm chí rất nản vì lường trước mức giá bồi thường thấp, không thỏa đáng theo Luật Đất đai cũ.

Công tác giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn

Qua thực tế nhiều công trình, DA xây dựng nhiều năm nay cho thấy, khâu GPMB chậm do phê duyệt “giá bồi thường quá thấp” so với giá đất giao dịch trên thị trường. Đây là nguyên nhân nảy sinh tâm tư, phát sinh đơn thư khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Cụ thể năm vừa qua, những đơn thư liên quan đến tranh chấp đất đai ở các địa phương, có đến 60% đơn thư khiếu nại, khiếu kiện về không thỏa đáng trong bồi thường, TĐC khi có quyết định thu hồi đất.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, để kịp thời triển khai Luật Đất đai năm 2024 khi có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thi hành. Trong đó có một số nghị định quan trọng tác động sâu rộng đến phát triển KT-XH, như: Giá đất; bồi thường, hỗ trợ, TĐC; điều tra đất đai và đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất... Theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao tại Luật, các nghị định, Sở TN&MT đã sớm tham mưu lấy ý kiến, soạn thảo các văn bản, quy định phù hợp thực tế trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai tại địa phương.

Hiện nay, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung nhiều quyền lợi của người sử dụng đất nói chung, người có đất bị thu hồi nói riêng. Nếu so với luật cũ, có ít nhất 10 điểm mới rất quan trọng. Đó là, giá bồi thường về đất được tính theo nguyên tắc thị trường; người có đất bị thu hồi, kể cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp có thể được bồi thường bằng tiền, bằng đất ở hoặc nhà ở; được hỗ trợ kinh phí di chuyển vật nuôi, tháo dỡ, di dời công trình xây dựng trên đất theo giấy phép xây dựng nhưng đã hết thời hạn; được chuyển mục đích sử dụng đất trong thửa đất có đất ở với điều kiện thông thoáng hơn; được bồi thường đối với đất không có giấy tờ hợp pháp nhưng sử dụng ổn định, không tranh chấp trước ngày 1/7/2014...

Lãnh đạo Sở TN&MT chia sẻ, một điểm mang tính đột phá tháo “nghẽn” cho công tác GPMB sắp đến là giá bồi thường khi thu hồi đất được tính theo nguyên tắc thị trường. Chính phủ đã bãi bỏ khung giá đất và giao quyền cho các địa phương xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá thị trường, áp dụng từ ngày 1/1/2026 (các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế, hoặc có thể ban hành sớm hơn…) theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích của người dân.

“Giá đất theo nguyên tắc thị trường không phải là giá giao dịch thực tế nhưng đảm bảo gần bằng với giá thị trường, ít nhất cũng khoảng 70 - 80% so với giá giao dịch thực tế” - lãnh đạo Sở TN&MT nói.

Điểm mới nữa, luật yêu cầu phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC và bố trí TĐC trước khi ban hành quyết định thu hồi đất. Các khu TĐC phải đảm bảo đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi giao đất cho dân. Giá đất để tính tiền sử dụng đất TĐC không phân biệt giữa đối tượng đủ điều kiện, hoặc không đủ điều kiện bồi thường về đất ở. Người được bố trí TĐC mà tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất phải nộp khi được giao đất TĐC được ghi nợ “không thời hạn” đến khi chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Với các quy định này, quyền lợi của người dân đảm bảo cao hơn rất nhiều so với trước. Theo đó, công tác bồi thường, thu hồi đất chắc chắn sẽ thuận lợi hơn, công tác GPMB cho các công trình, DA xây dựng liên quan đến đất đai sẽ nhanh hơn.

(Còn nữa)

SONG MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thưởng tiền người giao mặt bằng sớm

Sau khi Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhanh chóng tham mưu, dự thảo, lấy ý kiến trình UBND tỉnh ban hành các quy định thuộc thẩm quyền để sớm triển khai tại địa phương.

Thưởng tiền người giao mặt bằng sớm
Tạo được sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng

Giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu quan trọng và khó khăn nhất hiện nay trong việc thực hiện các công trình, dự án (DA) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bằng cách làm linh hoạt, chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương, việc khó này dần được tháo gỡ trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của người dân.

Tạo được sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng

TIN MỚI

Return to top