Thiếu đất đắp nền, nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn khó đảm bảo tiến độ
Dự án (DA) đường Phú Mỹ - Thuận An (Phú Vang) khởi công năm 2018, dự kiến hoàn thành năm 2022, với tổng mức đầu tư 345 tỷ đồng; có tổng chiều dài hơn 4km, nền đường rộng 36m, bề rộng mặt đường 21m, vỉa hè lát đá terrazzo. Trên tuyến sẽ xây dựng mới hệ thống thoát nước, trồng cây xanh, điện chiếu sáng, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và mỹ quan đô thị. Đây là công trình được kỳ vọng khi hoàn thiện sẽ phát triển khu đô thị mới về phía Thuận An; khai thác được quỹ đất 2 bên tuyến, tạo động lực hình thành khu dân cư, góp phần phát triển KT-XH cho huyện Phú Vang.
Tuy nhiên, đến nay ngoài đoạn có điểm đầu giao với Tỉnh lộ 10A tại Km19+500 (cuối đường Thủy Dương – Thuận An) đã xây dựng xong, các gói thầu xây dựng số 6 và 14 mới chỉ thực hiện lần lượt khoảng 80/196 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn thành khoảng 41% và 7,6 tỷ/76 tỷ, tỷ lệ hoàn thành khoảng 10%.
Thời điểm này, các đơn vị thi công đang triển khai gói thầu số 6 (từ km0 - km3+283) bao gồm thi công phần nền đường và cống thoát nước, cống ngang đã cơ bản hoàn thiện. Riêng các hạng mục sử dụng vật liệu đất san lấp để đắp nền đang thi công cầm chừng do nhà thầu gặp khó trong việc tìm nguồn đất.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư DA) thông tin, hiện nay các đơn vị đang tập trung phần đắp đất nền trên tuyến, tuy nhiên vật liệu đất tại các mỏ rất khan hiếm, việc mua được đất rất khó khăn, khối lượng các mỏ đất cung cấp hàng ngày “nhỏ giọt”.
Ngoài khó khăn thiếu đất đắp, đến thời điểm hiện tại, công tác chi trả đền bù GPMB cho các hộ dân ở giai đoạn đầu tuyến đã hoàn thành. Tuy nhiên, các gói thầu tiếp theo vẫn còn vướng mặt bằng khiến ảnh hưởng đến tiến độ của nhà thầu thi công.
Cụ thể, trên tuyến còn vướng các hộ dân ở xã Phú Mỹ. Có 2 hộ dân đang khiếu nại đòi cấp thêm đất tái định cư và 8 hộ đã nhận đền bù nhưng chưa giải tỏa nhà để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ngoài ra có 5 hộ dân thuộc xã Phú An chưa phê duyệt được diện tích đất trồng lúa do chưa xác định xong nguồn gốc đất và một số công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến vẫn chưa được di dời…
“Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, công tác thi công vẫn chú trọng nhưng phải đảm bảo yêu cầu chống dịch. Do vậy, nhiều vướng mắc cùng với việc cung cấp nguyên vật liệu bị hạn chế đã khiến các đơn vị chỉ thi công cầm chừng”, ông Cường nói.
DA đường cứu hộ, cứu nạn (CNHN) thị trấn Phong Điền – Điền Lộc (Phong Điền) cũng đang “gặp khó”, ảnh hưởng đến tiến độ do thiếu đất đắp nền. Năm 2021, công trình chưa được bố trí vốn nên chưa thể triển khai đoạn đầu tuyến và hạng mục cầu vượt đường sắt đoạn qua thị trấn Phong Điền. Giá trị thực hiện đến nay chỉ khoảng 258/570 tỷ đồng với tỷ lệ hoàn thành 45% khối lượng công việc.
Đường CNHN Phong Điền- Điền Lộc có điểm đầu nối với QL1A đi qua địa bàn thị trấn Phong Điền, điểm cuối đến biển Điền Lộc (Phong Điền) dài 16,5km. Riêng 3km đoạn đi qua thị trấn Phong Điền được mở rộng 36m, bao gồm 2 làn đường mỗi làn rộng 10,5m, có dải phân cách rộng 6m và lề đường mỗi bên rộng 4,5m. Công trình được triển khai có ý nghĩa quan trọng trong việc CHCN khẩn cấp đối với các địa phương vùng ven biển, đầm phá.
Đoạn Tỉnh lộ 4 về Quốc lộ 49B do Công ty CP Thành Đạt đảm nhiệm thi công, nhà thầu đang tiến hành đổ đất đắp và lu lèn nền đường. Chỉ vài phương tiện vận chuyển đất các mỏ về đây trong khi đoạn tuyến thi công qua vùng đất ruộng lúa nên khối lượng, nhu cầu sử dụng đất đắp nền, cát còn rất lớn (khoảng 220 nghìn m3).
Đại diện đơn vị thi công cho biết, hiện nay vật liệu đất tại các mỏ rất khan hiếm, việc mua được đất cũng rất khó khăn trong khi khối lượng các mỏ đất cung cấp cho công trình hằng ngày lại “nhỏ giọt”. Vật liệu cát phải tận dụng cát tại địa phương, do đó phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung của công trình.
Ông Nguyễn Đăng Trường, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho rằng, theo tính toán khối lượng đất, cát cần để đắp nền và thi công các hạng mục là rất lớn trong khi hiện không có nguồn cung cấp làm chậm tiến độ công trình. Đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh và Sở TN&MT đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ đất, mỏ cát mới, để tăng nguồn cung và cho phép tận dụng cát tại các dự án nạo vét trên địa bàn để đắp công trình.
Theo Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, DA đường CNHN Phong Điền - Điền Lộc, công tác GPMB còn vướng các hộ dân ở xã Phong Chương. Một số hộ dân đang khiếu nại không đồng tình với giá đền bù nhà ở và chưa thỏa thuận được giá đền bù mồ mả vì cho rằng giá đền bù quá thấp không đủ để xây dựng lại. Chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với địa phương để giải quyết.
Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh trong tìm kiếm, bổ sung đất có tính chất phù hợp cho công trình giao thông trọng điểm thông qua bổ sung quy hoạch một số khu vực đất làm vật liệu san lấp như ở đồi Động Đá (xã Phong Thu, huyện Phong Điền), đất ở thôn 4 (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy)… Đồng thời, UBND tỉnh đã cho phép 3 mỏ đất đã được cấp phép khai thác tăng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu đất san lấp cho các DA.
Bài, ảnh: Hà Nguyên