Các DA giao thông đang điều chỉnh xây dựng sẽ kết nối giao thông ở khu vực sân bay Phú Bài và cao tốc La Sơn - Túy Loan
Không chỉ đường Tố Hữu nối dài
Có chủ trương đầu tư gần 10 năm trước, nhưng mới đây, UBND tỉnh vừa đề xuất điều chỉnh vốn 450 tỷ đồng để đầu tư DA đường Tố Hữu nối dài đến sân bay Phú Bài trong giai đoạn 1 bằng ngân sách địa phương, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Tuyến này có điểm đầu tuyến tại nút giao đường Tố Hữu với đường Võ Văn Kiệt (Thủy Dương - Thuận An). Điểm cuối tuyến tại nút giao đường Vân Dương với chiều dài 8,02km.
Trong đó, đoạn từ điểm đầu DA đến trước nút giao với đường Võ Trác (TL10A qua địa bàn TX. Hương Thủy) dài 6,66km chỉ xây dựng một phần đường nhánh phải tuyến, tính từ mép ngoài hướng vào tim đường 15m; đoạn từ đường Võ Trác đến nút giao đường Vân Dương (điểm cuối đường Quang Trung) dài 1,36km có mặt cắt tuyến rộng 36 mét. Trên tuyến đầu tư hệ thống thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống an toàn giao thông. Khi tuyến này hoàn thiện sẽ giảm tải lượng phương giao thông QL1A từ TP. Huế đến sân bay Phú Bài.
Cùng với đường Tố Hữu nối dài là đường vành đai 3 cũng sẽ được đầu tư để khớp nối hoàn chỉnh hệ thống giao thông tỉnh bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tuyến này sẽ triển khai giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 với kinh phí 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng, còn lại vốn địa phương. Quy mô tuyến dài khoảng 8,3km, rộng 43m, kết cấu đường loại cao cấp A1 bằng bê tông nhựa nóng; vận tốc thiết kế 50km/h. Điểm đầu giao QL1A tại Km816+830 (khu vực nút giao TL8B), điểm cuối giao QL49A tại Km19+170 (ngã ba đường Võ Văn Kiệt và đường Minh Mạng - TP. Huế). Khi tuyến này hoàn thiện sẽ kết nối vào QL1A, đường Trưng Nữ Vương qua địa bàn TX. Hương Thủy...
Tạo động lực kết nối từ KCN Phú Bài, Phú Đa, đầu năm 2021, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất chủ trương đầu tư mở rộng tuyến TL15 (đoạn giáp KCN Phú Bài giai đoạn IV đến đường tránh Huế) dài gần 2km, rộng 36m, kết cấu mặt đường cấp cao A1 với kinh phí hơn 100 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT, nếu TL15 được chấp thuận đầu tư sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội TX. Hương Thủy và nâng cao hiệu quả khai thác sân bay Phú Bài với các địa phương trong khu vực.
Xứng tầm quốc tế
Sân bay Phú Bài nằm cạnh QL1A, gần cảng biển Chân Mây và không chỉ có vị trí chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng ở Thừa Thiên Huế, miền Trung mà còn là cầu nối giữa các miền trong nước và quốc tế. Cuối năm 2019, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư DA “Xây dựng nhà ga hành khách T2” với kinh phí xây dựng 2.250 tỷ đồng trích từ Quỹ đầu tư phát triển của ACV. Trong đó, nhà ga có kiến trúc hiện đại, mang đặc thù kiến trúc cung đình Huế với đặc trưng là các lớp mái chồng xếp lên nhau, diện tích sàn hơn 22.000m2 được phân bố ở tầng 1, tầng lửng và tầng 2; đáp ứng đón 5 triệu khách/năm và trong những năm đến tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, đáp ứng công suất 9 triệu hành khách/năm.
Đến dự dịp lễ phát lệnh khởi công DA nói trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ, việc đầu tư nâng cấp sân bay Phú Bài là nội dung quan phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển ngành hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi nhà ga T2 đi vào hoạt động vào cuối năm 2022 sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, thu hút khách du lịch cũng như các nhà đầu tư, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không riêng ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, thời gian qua, việc khai thác sân bay Phú Bài chưa cao, trong đó có nguyên nhân hệ thống giao thông đường bộ phục vụ kết nối sân bay chưa được đầu tư đồng bộ. Với những DA giao thông đang đề xuất điều chỉnh đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông kết nối để có thể khai thác hiệu quả hơn sân bay Phú Bài. Ngoài ra, việc đầu tư đồng bộ mạng lưới giao thông kết nối đến sân bay Phú Bài cũng góp phần quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh phát triển ngành logistics của tỉnh tại các tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, KCN Phú Bài, Phú Đa...
Bài, ảnh: Minh Văn