ClockThứ Bảy, 02/07/2022 14:41

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

TTH - Tròn 1 năm mở rộng địa giới hành chính TP. Huế, hạ tầng đô thị từ khu vực trung tâm đến các xã, phường mới được kết nối và hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế - ông Võ Lê Nhật.

Để Huế phát triển xứng tầm - kỳ II: Vượt khó, ổn định tình hìnhƯu tiên nguồn lực đầu tư chỉnh trang đô thị Huế

Ông Võ Lê Nhật, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế. Ảnh: THÁI HÙNG

Nhìn lại 1 năm mở rộng địa giới hành chính, TP. Huế đã có những thay đổi và phát triển trên nhiều lĩnh vực, ông có thể chia sẻ về những đổi thay bước đầu?

Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 là một dấu mốc lịch sử đối với TP. Huế nói chung và các phường, xã mới sáp nhập nói riêng. Sau 1 năm thực hiện, trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, đầu tư phát triển, kết nối hạ tầng, hoàn thiện bộ máy hành chính… thực sự đã có những thay đổi cơ bản, tạo nên một diện mạo mới, tầm vóc mới cho toàn bộ thành phố.

Bước đầu, rõ rệt nhất trên lĩnh vực đầu tư hạ tầng, kết nối đô thị, ngoài các dự án (DA) đã triển khai hoàn thiện trong một năm qua như các tuyến giao thông liên phường xã, hệ thống thoát nước tại các khu vực Thủy Vân, Phú Dương, Phú Mậu, Thuận An..., điện chiếu sáng các tuyến đường liên phường xã, tuyến Quốc lộ 49, tuyến đường từ cầu Hữu Trạch đến Lăng Gia Long… Hàng loạt các DA, công trình huyết mạch, trọng điểm trên địa bàn đã và đang gấp rút được nghiên cứu, triển khai đầu tư như đường Hà Nội, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, tuyến đường dọc sông Hương. Các DA chỉnh trang hạ tầng khu A, khu B đô thị An Vân Dương, đầu tư hạ tầng khu vực biển Hải Dương, Thuận An, khu vực Rú Chá - Cồn Tè… góp phần xây dựng một đô thị năng động, hiện đại, phát triển hài hòa, nhận được sự đồng thuận cao của người dân thành phố cũng như các phường, xã mới sáp nhập.

Ông có thể nói rõ hơn về các DA này cũng như những kế hoạch, định hướng sắp tới?

Thành phố đã xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 22/12/2021. Quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đã kiểm tra thực tế, rà soát nhu cầu đầu tư của các phường, xã sáp nhập, tham khảo, kế thừa, chọn lọc kế hoạch đầu tư công trung hạn của các huyện để sắp xếp, ưu tiên thực hiện đầu tư các DA phù hợp với tính chất của thành phố và quy hoạch được duyệt.

Một góc đô thị Huế

Trong đó, thành phố đã huy động nguồn lực triển khai nhiều DA về hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, cơ sở vật chất trường học… cho 13 xã, phường mới sáp nhập, đã triển khai thực hiện 19 DA với tổng mức đầu tư khoảng 69,5 tỷ đồng. Thành phố đã ưu tiên, dự kiến nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để tiếp tục đầu tư các DA trên địa bàn 13 phường, xã với tổng vốn đầu tư trên 850 tỷ đồng, sẽ phân khai thực hiện theo nhu cầu thực tế của địa phương và định hướng của thành phố.

Để tạo sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giữa các địa phương cũ và mới, thành phố sẽ có những giải pháp nào cho 13 xã, phường mới sáp nhập, thưa ông?

Thành phố đã thành lập các tổ công tác để đánh giá, có định hướng đầu tư làm sao tạo ra sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giữa thành phố cũ với các địa phương mới mở rộng. Với tinh thần vốn đầu tư công của ngân sách sẽ là “vốn mồi” để thu hút vốn xã hội, tạo động lực phát triển. Trong đó, nghiên cứu để có mô hình đô thị phù hợp, tích hợp, hài hòa, để vừa phát triển đô thị nhưng không tiến hành đô thị hóa, bê tông hóa ồ ạt những vùng nông thôn, đồng thời tránh những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến vùng lõi của đô thị di sản Huế đang có.

Về lâu dài, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu đối với các địa bàn mới sáp nhập, phục vụ cho công tác định hướng phát triển KT-XH. Từ đó, xây dựng, bổ sung các DA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố, các DA kêu gọi đầu tư... đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa bảo tồn và phát triển, hướng đến một đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Đó là đô thị động lực trung tâm; để “Huế luôn luôn mới”, trung tâm hành chính, tri thức, công nghệ của tỉnh, có nhiệm vụ nền tảng để thúc đẩy kinh tế toàn tỉnh phát triển.

Sau mở rộng, đô thị Huế có đủ địa hình biển, đầm phá và núi, vậy ông có thể cho biết định hướng và mục tiêu phát triển KT-XH trong thời gian tới?

Thành phố đã và đang đầu tư, khuyến khích và tạo mọi điều kiện phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại có chất lượng, trọng tâm là du lịch. Trong đó, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế đêm, khai thác tiềm năng du lịch biển, đầm phá. Thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị đối với các sản phẩm có lợi thế, quan tâm đến ngành thủy sản là thế mạnh của xã, phường ven biển; bảo tồn và phát huy nghề và làng nghề truyền thống. Mặt khác, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh; xây dựng và tăng cường quảng bá các thương hiệu, nhãn hiệu OCOP, sản phẩm chủ lực địa phương và khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia tích cực vào chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích đất nông nghiệp tăng lên gấp nhiều lần so với trước nên thành phố chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất. Đồng thời, phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, bảo vệ tài nguyên rừng, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Để đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương trước năm 2025 với “lõi trung tâm” là TP. Huế mở rộng; vậy giải pháp phát triển của thành phố trong thời gian tới là gì?

Chính quyền và Nhân dân TP. Huế nhận thức được vai trò, trách nhiệm cao cùng với hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố để triển khai thực hiện Nghị Quyết 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, để sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Huế trở thành lõi trung tâm của đô thị di sản đặc thù Thừa Thiên Huế theo định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Để đảm bảo thực hiện thành công 15 chỉ tiêu chủ yếu, 6 chương trình và 7 DA trọng điểm đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Huế lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025; thành phố tiếp tục phát huy, khai thác hiệu quả lợi thế, nguồn lực mới phát sinh từ việc mở rộng địa giới hành chính thành phố như khai thác quỹ đất để tạo nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng; tập trung huy động ưu tiên sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các tổ chức quốc tế trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị và giải tỏa, chỉnh trang đô thị. Tổ chức thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội; chủ động các kịch bản và phương án ứng phó với dịch bệnh trong mọi tình huống.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế theo hướng xanh; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, thân thiện môi trường, xứng đáng là đô thị loại I; thực hiện chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Trên cơ sở định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế, quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm, đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với mở rộng địa giới TP. Huế; phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ; sớm triển khai đầu tư, nâng cấp hạ tầng để 3 xã lên phường (xã Thủy Bằng, xã Phú Mậu, xã Phú Dương) trước năm 2025.

Xin cảm ơn ông!

THANH HƯƠNG (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Yêu thương & tâm huyết

Sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và tình cảm thân thương thầy – trò là niềm hạnh phúc giúp cho các thầy, cô giáo vượt qua bao áp lực để làm tốt nhiệm vụ “gieo con chữ”.

Yêu thương  tâm huyết
COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

TIN MỚI

Return to top