ClockThứ Năm, 03/06/2021 07:00

Ứng phó hạn mặn vụ hè thu

TTH - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất đang là giải pháp cấp thiết trong tình hình nắng nóng như hiện nay.

Đầu tư thủy lợi, ứng phó hạn mặnỨng phó hạn, mặn cho vụ hè thu

Nâng cấp hồ Phú Bài 2 với dung tích chưa 1 triệu m3 nước phục vụ sản xuất nông nghiệp

Đầu tư chống hạn

Với đặc điểm địa hình nằm sát khu vực biển, đầm phá, xã Quảng Công (Quảng Điền) hàng năm vụ hè thu có hàng chục ha đất trồng lúa, hoa màu không chủ động được nguồn tưới, đành phải bỏ hoang đất để tránh thiệt hại.

Ông Lê Nguyên Oai, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, mọi năm trên địa bàn xã có khoảng 50 ha đất sản xuất lúa phải bỏ hoang và 7 ha đất trồng hoa màu thiếu nước. Những diện tích đất này nằm khu vực thôn 4 và 1, sát chân đầm phá thường nhiễm mặn và không có nguồn nước tưới chủ động.

Địa phương đã chuyển đổi 18 ha sang nuôi trồng thủy sản (NTTS). Số diện tích còn lại theo nguyện vọng người dân đề xuất chuyển đổi sang NTTS nhưng hiện nay còn vướng các quy định liên quan đến đất đai, đảm bảo nguồn lương thực ở địa phương nên vẫn chưa tiến hành chuyển đổi được.

Xã tiếp tục triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là công tác chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, đề xuất chuyển đổi những diện tích đất ngập mặn, sản xuất lúa kém hiệu quả sang NTTS. Huy động lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống điện, giao thông, cải tạo kênh mương cấp thoát nước nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi trồng.

“Xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung 20 ha trồng khoai để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, tưới tiêu nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản này. Đề xuất xây dựng thêm 1,5km kênh mương khu vực trồng hoa màu nhằm đảm bảo nguồn tưới cho 120 ha hoa màu trồng cả 2 vụ ở địa phương”, ông Oai cho biết thêm.

 Thi công hồ chứa ở Nam Đông phục vụ tích nước sản xuất

Đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp bền vững hiện nay. Nhiều năm nay, vùng “trọng điểm” thiếu nước sản xuất Phú Đa (Phú Vang) luôn gặp khó khăn mỗi lúc bước vào vụ hè thu bởi có khoảng 150 ha lúa phải bỏ hoang do không chủ động nguồn tưới.

Ông Phan Lực (thôn Lương Viện, thị trấn Phú Đa) cho biết, cứ bước vào vụ hè thu, 2 sào ruộng lúa gia đình đành bỏ hoang. Nếu chủ động nguồn nước tưới, không chỉ tăng thu nhập cho bà con mà còn đa dạng hóa được cây trồng, tránh lãng phí diện tích đất canh tác.

Năm 2016, dự án (DA) hệ thống tưới Thanh Lam - Phú Đa do Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 32 tỷ đồng được triển khai thi công với mục tiêu dẫn nguồn nước ngọt từ sông Đại Giang vào cấp nước tưới chủ động bằng động lực cho khoảng 220 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 120 ha lúa 2 vụ và 100 ha đất trồng hoa màu thuộc thị trấn Phú Đa.

Chủ động ứng phó

Theo dự báo hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.500 ha đất nông nghiệp không chủ động được nguồn nước tưới ở các vùng gò đồi, vùng ven biển, đầm phá và vùng cuối kênh mương. Các địa phương có kế hoạch chuyển đổi 522 ha sang trồng các loại cây trồng khác. Khoảng hơn 1.600 ha lúa có nguy cơ thiếu nước trong vụ hè thu, trong đó Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi tỉnh) đảm nhiệm tưới khoảng hơn 1.000 ha.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh thông tin, ngay từ đầu vụ, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, nhất là đối với những diện tích đất trồng lúa bị khô hạn, thiếu nước tưới sang trồng cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn. Điều tra, đánh giá, xem xét khả năng cung cấp nước tưới cho vụ hè thu để chủ động xác định ngay từ đầu việc tiếp tục trồng cây lúa hay có kế hoạch chuyển sang trồng cây rau màu khác để hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là các địa phương Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông, A Lưới.

Các địa phương vận động, hướng dẫn người dân sử dụng cân đối nguồn nước, sử dụng các giải pháp tưới tiên tiến, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, nhất là cây lúa, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty Thủy lợi tỉnh cho biết, đơn vị chủ động phối hợp với địa phương đắp các đập tạm, lắp đặt các trạm bơm chuyền, khơi thông dòng chảy vào các trạm bơm, cống lấy nước để tưới hỗ trợ phục vụ vụ lúa hè thu sắp đến.

Để ứng phó với hạn mặn, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương, Công ty Thủy lợi tỉnh bố trí nhân lực, phương tiện ra quân nạo vét các kênh hói, kênh rạch bồi lấp; sửa chữa các tuyến kênh mương hư hỏng và có giải pháp chủ động nguồn nước tưới trong vụ hè thu. Tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai thi công các công trình thủy lợi tại một số địa phương như A Lưới với tổng mức đầu tư hơn 19 tỷ đồng; Phong Điền, Quảng Điền với tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng. Đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện công tác sửa chữa các trạm bơm chống hạn Tây Nam Hương Trà với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng.

Đối với diện tích NTTS có nguy cơ bị hạn mặn, Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân tăng cường sử dụng các giống nuôi thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Các diện tích không đảm bảo nguồn nước, các địa phương cần chủ động chuyển đổi hoặc bỏ hoang, không tổ chức nuôi trồng để tránh thiệt hại. Giảm số lượng lồng nuôi, mật độ thả cá trên các con sông và thu tỉa sớm thủy sản thương phẩm.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Return to top