Thi công tuyến đường đi bộ dọc sông Hương. Ảnh: Phan Thành
Lo ngại
Dự án thí điểm “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP. Huế” gồm các hạng mục cầu đi bộ, bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng, hệ thống giao thông, chiếu sáng và một số hạng mục khác. Trong đó, hạng mục cầu đi bộ với diện tích 2.443 m2 có kết cấu bê tông cốt thép, rộng 4m, sàn lát gỗ lim dài 400m, hệ thống thoát nước sàn gỗ… Các hạng mục này được Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế thi công từ tháng 2/2018 với kinh phí đầu tư trên 5,7 tỷ đồng.
Theo quan sát, hiện còn 1 đoạn đường dài khoảng hơn 15m, đội ngũ công nhân đang tiến hành lắp đặt hệ thống gỗ. Dọc tuyến đã thi công, các thanh gỗ xuất hiện những vết nứt nhỏ và các vết rạn dọc các thớ gỗ, một số thanh vết nứt khá lớn tạo thành các khe hở dọc các thanh gỗ. Những thanh gỗ có vết nứt lớn này đều được đánh dấu sao. Riêng các thanh gỗ chưa thi công, hai đầu thanh đều có các vết rạn, nứt nhỏ.
Ông Hoàng Ngọc Tịnh, phường Xuân Phú chia sẻ: “Nghe nói đường đi bộ dọc sông Hương đang thi công nên tôi cũng ra đây xem thử. Thật tình, tôi cũng thấy lo, không biết các vết nứt như vậy nếu chịu thêm vài đợt nắng nóng, mưa dầm của Huế sẽ ra sao, chất lượng có còn đảm bảo”. Đó cũng là trăn trở của khá nhiều người trước thông tin cầu đi bộ dọc sông Hương đang thi công đã bắt đầu xuất hiện các vết nứt trên gỗ.
Có mặt tại công trường, ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế lý giải, các thanh gỗ được đánh dấu sao chủ yếu là các thanh có vết nứt lớn sẽ được thay thế trong quá trình hoàn thiện dự án. Việc rạn nứt chân chim dọc theo thân gỗ một phần do yếu tố thời tiết, gỗ đang ở nhiệt độ bình thường nếu đưa ra bên ngoài sẽ xuất hiện hiện tượng co ngót.
Gỗ được tạo hình từ các thớ gỗ lớn gồm các bó thớ (giống các bắp cơ) đan vào nhau nằm dọc thân, nên khả năng chịu lực trên cùng một mặt phẳng không đồng đều. Tại vị trí thớ gỗ sẽ chắc hơn, giữa hai thớ thì sức chịu lực sẽ giảm. Khi tiếp xúc với ánh nắng nhiều sẽ xảy ra xuất hiện co ngót, dẫn đến những vết rạn trên bề mặt có chiều dài 2-3mm; chiều rộng khoảng 1mm. Đây là thuộc tính tự nhiên, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, mà chỉ làm giảm đi tính thẩm mỹ. Đối với những thanh gỗ nứt xuyên, vết nứt khoảng 3mm sẽ được tiến hành thay thế.
Theo ông Thành, gỗ khi cưa ra từng thanh đến khi thành phẩm, tỷ lệ loại bỏ khoảng 5%. Khi thi công tuyến đường cần 16.000 thanh gỗ, quá trình nghiệm thu chủ yếu bằng cảm quan nên khi lắp đặt sẽ có những vết nứt, rạn dọc thanh gỗ, những thanh gỗ rạn, nứt lớn sẽ được loại bỏ trong quá trình thi công. Do gỗ lim lát sàn yêu cầu phải sấy ở nhiệt độ cao, đoạn ở 2 đầu thanh gỗ tiếp xúc với nhiệt nhiều hơn các vị trí khác nên một số thanh gỗ xuất hiện vết nứt. Các thanh này trước khi đưa vào thi công sẽ được cắt bỏ 2 đầu từ 15-20cm, vì thế sẽ không đáng ngại nếu 2 đầu thanh gỗ bị rạn, nứt.
Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án (BQL DA) Nguyễn Việt Bằng cho rằng, đây không phải là vết nứt mà là vết rạn chân chim, vết rạn nhỏ trên bề mặt công trình. Trước đó, gỗ có những vết rạn lớn đã loại bỏ khỏi công trình, còn những thanh gỗ mới xuất hiện vết rạn trong quá trình thi công BQL sẽ chỉ đạo nhà thầu thay thế.
“Theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), ván sàn lát nền có độ dày 2,2cm có thể xuất hiện vết rạn chân chim, trong khi đó ván sàn lát nền đối với công trình đường đi bộ dày 5cm nên các vết rạn chân chim xuất hiện trên bề mặt gỗ sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu cũng như chất lượng công trình”, ông Bằng nhấn mạnh.
Lắp đặt hệ thống gỗ trên mặt đường đi bộ. Ảnh: Phan Thành
Sẽ thay thế những thanh gỗ rạn, nứt lớn
Ông Văn Viết Thành thông tin, đối với các thanh gỗ nứt lớn, đơn vị sẽ tiến hành thay thế, riêng các thanh bị nứt nhẹ không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ hay khả năng chịu lực của công trình sẽ được theo dõi trong thời gian bảo hành. Cụ thể, hạng mục đường đi bộ này nhà thầu phải chịu trách nhiệm bảo hành trong 30 tháng, vì thế chất lượng công trình cũng như chất lượng các thanh gỗ vẫn sẽ được bảo đảm sau khi đi vào vận hành.
Phó Giám đốc BQL DA Nguyễn Việt Bằng khẳng định, đây là dự án trọng điểm, quy mô lớn do Tổ chức KOICA tài trợ nên ngay từ khi thi công, BQL cũng như các chuyên gia của Hàn Quốc đã kiểm soát chặt chẽ vật tư thiết bị trước khi đưa vào thi công công trình; nhất là vật liệu gỗ lát nền. Theo quy trình, trước khi đưa vật liệu gỗ lát vào thi công, các đơn vị liên quan phải đưa gỗ đi sấy, đảm bảo độ ẩm dưới 12% theo TCVN. Vì vậy, toàn bộ số gỗ lát nền đã được thẩm định có độ ẩm từ 8-12% và được cấp chứng chỉ thí nghiệm, đảm bảo chất lượng công trình. Dưới lớp gỗ là các thanh thép mạ kẽm dày 3 ly, trước khi quyết định chọn vật liệu này BQLDA, đơn vị thi công, các chuyên gia... đã nghiên cứu, tính toán về khả năng ngập, các diễn biến bất thường của thời tiết...đảm bảo chống rỉ sét ở môi trường ngoài trời.
Để đảm bảo chất lượng công trình, hằng tháng các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp kiểm tra công tác thi công; cứ 15 ngày các đơn vị giám sát kiểm tra chất lượng công trình và đều đánh giá cao chất lượng, độ thẩm mỹ và kỹ thuật trong qúa trình thi công. Hiện, BQL DA đang đẩy nhanh tiến độ, đôn đốc các đơn vị thi công để kịp hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng vào ngày 15/9 tới.
Loan Hương