Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ gặp mặt tiểu thương chợ Đông Ba để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con
Tham dự có lãnh đạo Sở Công thương, UBND TP. Huế, Hội LHPN tỉnh, BQL chợ Đông Ba và hơn 300 tiểu thương.
Hạ tầng xuống cấp
Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba, là ngôi chợ truyền thống có bề dày 121 năm xây dựng và phát triển, chợ Đông Ba hiện có khoảng 60 ngành hàng, từ mặt hàng cao cấp bình dân, mỗi ngày thu hút khoảng từ 7.000 - 10.000 người đến tham quan và mua sắm, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Chợ được đầu tư xây dựng lại từ năm 1986-1987 và đưa vào hoạt động cho đến nay với diện tích 22.749 m2 , gồm 2.705 lô và có 1.818 hộ được phân bổ 6 khu vực, thêm 400-600 hộ kinh doanh rong bạ.
Hiện, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, tình trạng kinh doanh lấn chiếm đường đi nội bộ vẫn còn xảy ra, công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế do hệ thống thoát nước thường xuyên tắt nghẽn. Số lượng hộ kinh doanh lớn, song diện tích mặt bằng chợ không được mở rộng dẫn đến quá tải về việc bố trí các lô hàng.
Kinh doanh khó khăn hơn
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và bão số 5, tình hình kinh doanh mua bán của chị em tiểu thương trên địa bàn chợ Đông Ba gặp nhiều khó khăn, ế ẩm; nhiều lô hàng phải đóng cửa do vắng khách trong khi đây là công việc chính, thu nhập chính của hàng ngàn tiểu thương.
Do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, hoạt động kinh doanh mua bán của tiểu thương gặp khó khăn
Chị Phạm Thị Hiền, kinh doanh ngành hàng túi xách cho biết, gắn bó với chợ Đông Ba mấy chục năm nay, song chưa bao giờ chị em phải đối mặt với tình trạng khó khăn kéo dài như thời điểm từ đầu năm 2020 đến nay khi dịch COVID -19 bùng phát, bão số 5 và tình hình mưa bão sắp đến. Có thời điểm, cả 5 ngày chưa bán mì xưa, cả tháng chỉ bán hàng cho vài người khách.
Chị Hiền mong muốn, tỉnh và các ban ngành nên có chính sách giảm thuế, giảm tiền thuê mặt bằng và các lệ phí khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho chị em, để tiểu thương có điều kiện tiếp tục gắn bó với ngôi chợ có bề dày lịch sử của vùng đất Cố đô này.
Tại buổi đối thoại, nhiều tiểu thương kiến nghị việc bố trí lô, sắp xếp các ngành hàng, vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng trong khuôn viên chợ, xây dựng hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, thuận tiện cho du khách tham quan. Nhiều tiểu thương chia sẻ, mong muốn chị em tiểu thương đồng sức, đồng lòng thể hiện nét văn minh thương mại, hạn chế nạn nói thách, khó chịu với khách nhằm thu hút và níu chân du khách. Nên bán đúng giá, giao tiếp văn minh và tạo không khí vui tươi, cạnh tranh lành mạnh trên địa bàn chợ.
Các vấn đề về chỉnh trang đường Chương Dương, khu vực chợ cá, đề án xây dựng Bến xe Đông Ba thành chợ đêm hay việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC), an toàn giao thông trong và ngoài khuôn viên chợ cũng được tiểu thương đề cập tại buổi đối thoại.
Chợ Đông Ba là thương hiệu lớn của Huế
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, chợ Đông Ba là một trong 5 chợ truyền thống nổi tiếng của cả nước, là chợ tinh hoa của Việt Nam, là thương hiệu Quốc gia và niềm tự hào của người dân Huế. Lâu nay tỉnh, thành phố và các ban ngành nỗ lực để xây dựng chợ Đông Ba trở thành Trung tâm thương mại lớn của tỉnh, là thương hiệu lớn của Huế, trong đó chị em tiểu thương đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, buổi gặp mặt này là dịp để lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành lắng nghe ý kiến của tiểu thương nhằm chia sẻ khó khăn cho bà con trước diễn biến của dịch bệnh, thiên tai kéo dài.
Trước cạnh tranh gay gắt của các phương thức bán hàng qua mạng, sự ra đời của hệ thống siêu thị, song chợ truyền thống vẫn phát triển và thu hút khách. Khách hàng vẫn đến chợ Đông Ba với hình ảnh có lầu chuông, có phụ nữ mặc áo dài, giao tiếp trong chợ là nét đẹp truyền thống.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để xứng danh là chợ truyền thống và cạnh tranh với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chị em tiểu thương phải đồng sức đồng lòng, thể hiện nét văn minh thương mại, phải khẳng định với khách “đến chợ Đông Ba không lo về giá” bằng cách thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không lấn chiếm lòng đường vỉa hè để kinh doanh.
Về phía thành phố và BQL chợ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị phải đầu tư cải tạo chợ Đông Ba đảm bảo hạ tầng thiết yếu, cải tạo hệ thống thoát nước, chống dột, nhà vệ sinh, đầu tư hệ thống PCCC, camera, chỉnh trang đường Chương Dương và lắp đặt biển chỉ dẫn phục vụ khách du lịch.
Chính sách thuế phải tuân theo Luật thuế của Nhà nước nên ngoài việc giảm 50% và miễn thuế cho gần 3.000 hộ kinh doanh trong đợt dịch COVID- 19 (đợt 1), tiếp tục khảo sát để có chính sách giảm thuế trong đợt dịch COVID- 19 (đợt 2); có cơ chế giảm 50% tiền thuê mặt bằng trong năm 2020 cho tiểu thương, đồng thời sẽ vận dụng bằng lấy tiền thuế của dân để đầu tư lại cho dân để chợ Đông Ba thực sự khang trang, an toàn nhằm thu hút khách. Ban Quản lý chợ phải lập lại trật tự, quản lý ngành hàng rong bạ, mô hình quản lý chợ phải hướng đến tính chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn trong vận hành khi có sự cố cháy nổ xảy ra nhằm xây dựng chợ Đông Ba trở thành thương hiệu của Huế và niềm tự hào của người dân Huế.
Bài, ảnh: Thanh Hương