ClockThứ Tư, 15/03/2017 06:06

Xây dựng đô thị thông minh

TTH - Xây dựng một “thành phố thông minh” (TPTM) hay “đô thị thông minh” đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị.

Thành phố thông minh là nơi công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng.

Sắp tới, TP. Huế sẽ lắp camera giám sát ở các cột đèn giao thông. Ảnh: Tâm Huệ

Từ năm 2015, UBND TP. Huế đã triển khai dự án quy hoạch chung TP. Huế thông minh (Huế U-City) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc. Dự án xây dựng TPTM thông qua ứng dụng công nghệ mới về quản lý và phương pháp kết nối các ngành công nghiệp liên quan. Tầm nhìn Huế U-City là xây dựng “Thành phố Huế thông minh với du lịch văn hóa công nghệ cao” góp phần vào tăng cường năng lực cạnh tranh đô thị thông qua sáng tạo không gian đô thị mới và giá trị đô thị mới với 3 thành tố quan trọng: TPTM; tăng năng lực cạnh tranh đô thị và thành phố phát triển bền vững. Koica chọn phạm vi không gian trong vòng bán kính 2km quanh sông Hương trong TP. Huế để thực hiện thí điểm với 7 dịch vụ thông minh cơ bản gồm: dịch vụ cung cấp thông tin du lịch, quản lý thông tin du lịch, không gian thông tin, thiết kế tour, giám sát môi trường, giám sát lưu lượng giao thông, giám sát an toàn và 1 trung tâm quản lý đô thị tổng hợp.

Nhằm hiện đại hóa nền hành chính để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế đang triển khai mô hình cổng/trang thông tin điện tử đa cấp, đa chiều, liên thông từ xã đến tỉnh. Thông qua hệ thống này, cán bộ, công chức, người dân có thể tương tác, làm việc khi truy cập hệ thống, nhận được thông tin ở mọi lúc mọi nơi. Thậm chí, môi trường mạng tập trung có thể cho phép cán bộ công chức có thể xử lý công việc mà không cần đến trụ sở.

Là thành phố có thiên nhiên đẹp, hòa quyện với kiến trúc đô thị, cùng với 9 đô thị trong nước, Huế đang bước đầu bắt tay xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, coi phương thức phát triển đô thị thông minh là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn 10 năm tới. Thừa Thiên Huế cũng đã xác định xây dựng đô thị thông minh tập trung cho khu vực đô thị Huế hướng tới đô thị có nền kinh tế thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh... ứng dụng những giải pháp CNTT tiên tiến nhất.

Theo các chuyên gia, có ít nhất 6 thách thức khi xây dựng TPTM bao gồm các vấn đề lẻ tẻ không có trong quy hoạch, hạn chế về ngân sách, thiếu hụt kỹ năng CNTT, các dịch vụ không tích hợp, sự quan tâm và nhận thức của người dân đối với TPTM còn chưa đầy đủ, và cuối cùng là tầm nhìn hạn chế của chính quyền thành phố khi tiếp cận mô hình TPTM.

Để có được một TPTM theo đúng những tiêu chí, việc đầu tiên phải làm là nâng cao dân trí cho cư dân thành phố bằng giáo dục, bằng ý thức dân chủ và trình độ tự chủ, tinh thần cộng đồng và ý thức trách nhiệm, lòng nhân ái và sự chia sẻ, sự kiên định bảo vệ môi trường sống. Bên cạnh đó, cần sự đầu tư công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ kiểm soát môi trường và biến đổi khí hậu.

Trong một lần làm việc với tổ chức KOICA, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định: “Xây dựng TP. Huế thông minh phải đảm bảo 5 tiêu chí cơ bản là hiệu quả kinh tế đô thị Huế tốt hơn; môi trường sống tốt hơn; người dân được cung cấp dịch vụ đầy đủ hơn; người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền mạnh hơn; đô thị thông minh phải phù hợp với đặc điểm của TP. Huế”.

TP. Huế sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng. Ảnh: Tâm Huệ

Cuối tháng 12/2016, UBND tỉnh và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel thống nhất lựa chọn các lĩnh vực then chốt để ký kết triển khai ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020, gồm: Chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa và du lịch, điện và thuế. Dự kiến, hết quý I/2017 sẽ hoàn thành khảo sát và đề xuất triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo đến 100% trường học trên địa bàn như: Mạng cáp quang; phần mềm quản lý trường học; quản lý cán bộ; quản lý thống kê; quản lý thư viện; quản lý thiết bị; quản lý tài sản... với mục tiêu tạo kênh gắn kết giữa nhà trường - giáo viên, nhà trường - phụ huynh, học sinh. Giai đoạn 2017 - 2020, tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT cho các cơ quan, đơn vị.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Đô thị TP. Huế: Tuân thủ quản lý hạ tầng chung và cơ sở dữ liệu tập trung

Dự án xây dựng TP.Huế thông minh là thông qua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) về quản lý đô thị và phương pháp kết nối các ngành, lĩnh vực: du lịch, giáo dục, y tế, giao thông, công nghiệp… Ví dụ dễ hiểu là xây dựng cơ sở du lịch văn hóa thông minh, các thông tin trực tuyến đến điện thoại thông minh, thông dịch, bản đồ chỉ đường… để cung cấp thông tin cho người dân, khách du lịch. Hay xây dựng đô thị thân thiện, an toàn thông minh bằng hệ thống giám sát (camera) về tai nạn, tội phạm, hỏa hoạn, quản lý cơ sở vật chất, thiên tai, lụt bão…, tạo nguồn dữ liệu giúp chính quyền, người dân đối phó, xử lý, khôi phục an ninh, an toàn kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân, du khách. Để triển khai điều hành 1 đô thị thông minh trên các lĩnh vực nêu trên cần thiết phải xây dựng trung tâm quản lý đô thị gồm các cơ quan, đơn vị liên quan trên các lĩnh vực giao thông, du lịch, vệ sinh môi trường… với kinh phí dự kiến khoảng 4 triệu USD. Tuy nhiên, việc xây dựng TP. Huế thông minh ngoài tuân theo quy định của Chính phủ, phải tuân thủ theo 2 quy tắc: quản lý hạ tầng chung và cơ sở dữ liệu tập trung. Để tránh lãng phí cần nghiên cứu tích hợp trên cơ sở vật chất hiện có của thành phố, của tỉnh như hệ thống mạng, server (máy chủ); phần mềm xây dựng chính quyền điện tử; trung tâm cơ sở dữ liệu; dịch vụ thu phí điện tử các lĩnh vực cấp nước, cấp điện…; hệ thống camera giám sát giao thông của đô thị… Về kinh phí, do chủ yếu là các lĩnh vực thuộc khu vực dịch vụ công, nên việc xã hội hóa, kêu gọi đầu tư khó khăn. Vì thế, sự chia sẻ, hỗ trợ về kinh phí, đào tạo nhân lực, kinh nghiệm quản lý từ các nước phát triển, các doanh nghiệp chuyên ngành… rất cần thiết cho chính quyền địa phương lúc này.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế: Ứng dụng công nghệ GIS trong thoát nước, thu gom và vận chuyển rác thải

Việc thiết lập và ứng dụng hệ thống thông tin quản lý chất thải, nước thải và hệ thống chiếu sáng công cộng là yêu cầu không thể thiếu trong mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. “Đón đầu” thực hiện dự án TP. Huế thông minh, từ cuối năm 2015, công ty ứng dụng công nghệ GIS vào quản lý hạ tầng hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom rác thải và phương tiện vận chuyển rác thải. Nhờ ứng dụng công nghệ GIS đã giúp đơn vị giám sát được lộ trình, khối lượng vận chuyển, kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý tốt hơn công trình đô thị của thành phố. Ứng dụng GIS trong quản lý hệ thống thoát nước còn góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin địa lý về hạ tầng ngầm dùng chung cho các ban ngành, giúp giảm chi phí cho việc khảo sát hệ thống công trình ngầm khi thực hiện các dự án hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, công ty còn ứng dụng công nghệ vào quản lý từng điểm sáng trên hệ thống chiếu sáng công cộng của thành phố. Nhờ quản lý từ trung tâm đến tủ (sắp tới sẽ đầu tư quản lý đến từng bộ đèn), đơn vị đã chủ động trong việc tổ chức đóng, mở hệ thống chiếu sáng phù hợp theo thời tiết, theo mùa, đảm bảo tiết kiệm, an toàn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị được đánh giá phù hợp với thành phố du lịch, thành phố bền vững về môi trường ASEAN và nhất là tiến đến phát triển đô thị Huế thành thành phố thông minh phát triển bền vững (U- City).

Ông Lê Vĩnh Chiến, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh - HueCIT: Tích cực phối hợp trong xây dựng thành phố thông minh

Để xây dựng đô thị thông minh phù hợp với đặc điểm của TP. Huế, đã có các đơn vị ký kết hợp tác đầu tư, hỗ trợ trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cho tỉnh như VNPT, Viettel, KOICA và mới đây là Công ty Pakgon (Thái Lan); tuy nhiên, mỗi đơn vị sẽ có giải pháp kỹ thuật riêng và không thể dùng chung được. Do đó, trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, HueCIT sẽ phối hợp với các đơn vị nói trên để tiếp nhận, quản lý, đề nghị bổ sung hoặc đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn thống nhất khi triển khai thực hiện “ghép nối” hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ sẽ tương thích với các hệ thống hiện có của tỉnh.

Xây dựng thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến nhằm mang lại tiện ích cho người dân. Theo đó, thời gian qua, HueCIT đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng thiết thực cho lộ trình phát triển công nghệ thông tin của tỉnh, như “Nghiên cứu và phát triển thành phố thông minh”; phối hợp xây dựng đề cương “Quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030”... Những kết quả nghiên cứu này sẽ giúp tỉnh trong hình thành lộ trình cụ thể để xây dựng thành công chính quyền điện tử và hướng tới đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố thông minh, chính quyền điện tử kết nối.

Hoài Thương - Liên Minh (thực hiện)

Phong Thư

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị

Chiều 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về giải pháp giám sát, quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị
Rủi ro trên công trường xây dựng

Hình ảnh nhiều thợ xây cheo leo trên giàn giáo để làm việc mà không có đồ bảo hộ lao động vẫn diễn ra tại nhiều công trình xây dựng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động và những hậu quả khó lường.

Rủi ro trên công trường xây dựng

TIN MỚI

Return to top