ClockThứ Ba, 11/01/2022 08:21

Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”.

Nâng cao thị phần vận tải đường sắt để giảm áp lực giao thông đường bộXử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểmGiảm bền vững cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thôngĐảm bảo phòng chống dịch COVID-19 tại các điểm tập kết hàng hoáĐến năm 2025, xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắtThí điểm sử dụng vỉa hè kinh doanh: Giải quyết vấn nạn lấn, chiếmRa quân cao điểm bảo đảm ATGT dịp lễ 30/4, 1/5 và bảo vệ bầu cử

Lực lượng cảnh sát (Công an Thành phố Hà Nội) diễu hành hưởng ứng lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2022. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Ngày 10/1, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 9/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Thông báo cho biết: Năm 2021, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể: Giảm 3.496 vụ (-23,32%), giảm 1.068 người chết (-15,55%), giảm 3.143 người bị thương (-28,16%); ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra, vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính (trước khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát) cơ bản được kiểm soát.

Đạt được kết quả trên một phần là do việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải và các lực lượng chức năng khác đã thực hiện có hiệu quả việc phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông với kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông; đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ, bảo đảm lưu thông an toàn, thông suốt cho người và phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, ngành y tế (gồm cả lực lượng y tế của quân đội và công an) đã nỗ lực vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì tham mưu và thực hiện phòng, chống dịch, cứu chữa các bệnh nhân COVID-19, vừa làm tốt công tác cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân tai nạn giao thông.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm lưu lượng giao thông; Tình hình vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn còn nhiều; Tại một số địa phương, công tác tổ chức giao thông khi xử lý tai nạn còn chưa hiệu quả, việc tổ chức kiểm soát tại các chốt kiểm dịch còn chưa khoa học, gây ùn tắc giao thông cục bộ; Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ diễn ra phức tạp tại một số địa phương.

Năm 2022, với sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, sự điều hành của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, dịch COVID-19 sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông, vận tải sẽ dần quay về với mức độ trước khi có đại dịch COVID-19 và tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế thì virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tồn tại trong một thời gian dài, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 để nhanh chóng phục hồi và từng bước phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện “bình thường mới”.

Do vậy, để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư; Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương, cũng như các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022 chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong đó tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

2. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn; lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.

3. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.

4. Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

5. Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ, đặc biệt cần ưu tiên khai thác thế mạnh của vận tải đường sắt, đường thủy nội địa trong vận chuyển hàng hóa nội địa, vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu, giảm mật độ xe ô tô tải, bảo vệ và kéo dài tuổi thọ công trình đường bộ, kéo giảm tai nạn giao thông. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh.

6. Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.

7. Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và bảo đảm khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vật tải, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật và chia sẻ phục vụ công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

8. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

Theo Tin tức TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẻ chia mất mát cùng nạn nhân, thân nhân người bị tai nạn giao thông

Sáng 17/11, TX. Hương Trà tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) năm 2024. Lễ tưởng niệm là dịp để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông, qua đó cùng chia sẻ mất mát, gánh nặng với người thân nạn nhân.

Sẻ chia mất mát cùng nạn nhân, thân nhân người bị tai nạn giao thông
Hương Trà: Giao lưu “Bé vui khỏe với An toàn giao thông"

Ngày 9/11, Phòng GD&ĐT, Ban ATGT TX. Hương Trà phối hợp tổ chức Giao lưu “Bé vui khỏe với An toàn giao thông" năm học 2024 - 2025, thu hút 11 đội chơi là học sinh, phụ huynh và giáo viên các trường mầm non trên địa bàn thị xã.

Hương Trà Giao lưu “Bé vui khỏe với An toàn giao thông
Phụ nữ Hương Trà chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông

Buổi trao giải Hội thi clip tuyên truyền an toàn giao thông (ATGT) diễn ra ngày 15/10. Hoạt động do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Ban An toàn giao thông (ATGT) TX. Hương Trà phối hợp tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật ATGT, văn hóa ATGT cho hội viên, phụ nữ và cộng đồng.

Phụ nữ Hương Trà chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông

TIN MỚI

Hướng dẫn order 1688 từ A-Z
Return to top