ClockThứ Ba, 18/06/2024 12:46

Xây kè ứng phó sạt lở bờ biển

TTH.VN - Tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp ở một số địa phương ngay giữa mùa khô. Nguồn vốn tiếp tục được "rót" để xây kè, xử lý khẩn cấp các đoạn bờ xung yếu ở các địa phương.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biểnĐầu tư kè ứng phó sạt lở bờ sôngPhú Lộc: Xâm thực biển hơn 4kmBố trí nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai

 Điểm xây dựng kè ở Phú Thuận (Phú Vang) bờ biển ổn định

Nhiều tháng nay, bờ biển khu vực xã Phú Thuận - Phú Hải (huyện Phú Vang) tình trạng sạt lở, xâm thực biển diễn biến phức tạp hơn. Thậm chí, có một số khu vực xảy ra tình trạng sạt lở giữa mùa khô. Tại xã Phú Thuận, tổng chiều dài bờ biển qua địa bàn xã khoảng 4,5km, khảo sát cho thấy, hiện trạng các vị trí chưa được đầu tư xây kè đều bị sạt lở nặng. Cụ thể, biển ăn sâu vào đất liền tại bãi tắm giáp phường Thuận An với chiều dài 300m, xâm thực vào 30-40m; đoạn từ Tân An đến Xuân An dài 1.420m, ăn sâu vào đất liền 20-30m; đoạn giáp xã Phú Hải với chiều dài 180m, ăn sâu vào đất liền từ 20-30m.

Khu vực từ Tân An đến Xuân An là trọng điểm của sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 860 hộ, 4.087 khẩu, gây nguy cơ mất nơi ở, ảnh hưởng sản xuất. Đặc biệt, theo chính quyền địa phương, sau khi thi công đoạn kè Tân An năm 2023 hoàn thành thì đoạn bờ biển khu vực bãi tắm (chưa có giải pháp thi công kè) bị sạt lở nghiêm trọng. Vào mùa khô biển vẫn xâm thực. Đây là hiện tượng hiếm thấy, chỉ xảy ra lần đầu sau khi đập Hòa Duân được đấu nối lại.

Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, thời gian qua, Phú Thuận đã được quan tâm đầu tư khoảng 2,5km kè biển (kè bờ) và 0,5km kè ngầm với tổng kinh phí gần 354 tỷ đồng. Đối với các đoạn còn lại (khoảng 1,9km) chưa được đầu tư, tiếp tục xuất hiện sạt lở, nhiều khu vực xung yếu gây nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân và hạ tầng giao thông, du lịch trong khu vực. Việc đầu tư kè biển ngoài ứng phó sạt lở, tạo nên bình phong che chở hướng đông bắc TP. Huế, còn giúp địa phương ổn định dân cư, phát triển sản xuất, nhất là dịch vụ du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng của một xã biên giới biển.

Để đảm bảo ổn định bờ biển lâu dài, xã kiến nghị cấp trên sớm triển khai thi công đoạn kè biển từ Tân An đến Xuân An trước mùa mưa bão. Đầu tư kè tại bãi tắm Phú Thuận theo hướng đóng cọc bê tông dự ứng lực sát mặt đất để giữ bãi tắm vì đây là khu vực xung yếu, khoảng cách từ phá ra biển khoảng 400m, có nguy cơ mở cửa biển mới. Đầu tư kè đoạn còn lại tại thôn An Dương 3, giáp xã Phú Hải.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), dải cồn cát ven biển của tỉnh có chiều dài khoảng hơn 90km, nằm xen giữa đồng bằng duyên hải, đầm phá bên trong và Biển Đông bên ngoài. Dãy đồi cát ven bờ chạy theo hướng tây bắc - đông nam kéo dài từ xã Điền Hương, huyện Phong Điền đến đèo Hải Vân với 21 xã, phường, thị trấn, với dân số khoảng 138.000 người.

Hiện trạng sạt lở  bờ ở vùng biển Phú Thuận cần có biện pháp ứng phó   

Hằng năm, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng phức tạp và dị thường, Thừa Thiên Huế liên tục chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng đã làm cho tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển, bồi lấp cửa biển trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng (trung bình mỗi năm bị xâm thực, xói lở sâu từ 5-7m và có nơi từ 10-15m), với chiều dài khoảng hơn 21km bờ biển bị sạt lở/trên tổng số 127km bờ biển của tỉnh.

Trong đó, sạt lở nặng khoảng hơn 10km tập trung tại các xã ven biển thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và TP. Huế đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân sinh sống gần bờ biển, uy hiếp đến dải cồn cát ven biển, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân của 21 xã, phường, thị trấn sinh sống ven biển. Một số khu vực có nguy cơ mở cửa biển mới, gây ảnh hưởng đến tuyến đường Quốc lộ 49B, cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ, an ninh quốc phòng và ảnh hưởng đến hệ sinh thái của 22.000ha đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Một số bờ kè chống sạt lở bờ biển ở huyện Phú Vang đã được triển khai  

Từ năm 2014 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được khoảng 9,38km/21km kè chống sạt lở bờ biển tại các đoạn xung yếu, nguy hiểm và ổn định cửa biển với tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Các công trình kè chống sạt lở bờ biển đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân.

Hiện, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn, đang tiếp tục triển khai xử lý khẩn cấp các đoạn sạt lở bờ biển xung yếu qua các thôn Tân An - Trung An - Xuân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với tổng kinh phí dự kiến khoảng 250 tỷ đồng, bằng nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 và nguồn ngân sách tỉnh.

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin, trong điều kiện khả năng cân đối ngân sách tỉnh còn nhiều hạn chế, nên ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành đã thực hiện các giải pháp cấp bách, kiên cố hóa để xử lý các điểm sạt lở bờ biển nặng, xung yếu và xử lý bồi lấp các cửa biển ở các địa phương.

Với nguồn lực đầu tư để xây dựng kè chống sạt lở, ổn định bờ biển là rất lớn, hiện khả năng cân đối nguồn vốn của UBND tỉnh đang khó khăn nên chưa thể triển khai. Vì vậy, nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, hằng năm, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp bố trí tiêu vè, rào chắn, lắp dựng các biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở nguy hiểm, chủ động di dời, sơ tán người dân, dự trữ vật tư dự phòng để xử lý khẩn cấp tạm thời khi có thiên tai xảy ra.

Hiện nay, tình hình sạt lở bờ biển Thừa Thiên Huế đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có khoảng 14,5km bờ biển bị xói lở, xâm thực sâu từ 10-15m, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân, các công trình hạ tầng giao thông thiết yếu, khu du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử. Trong đó, khu vực bờ biển bị xói lở rất nghiêm trọng cần được xử lý khẩn cấp với chiều dài khoảng 10,5km. Ngoài ra, cửa biển Thuận An (TP. Huế) bị bồi lấp, cần được tiếp tục nạo vét và xây dựng kè, mỏ hàn để ổn định luồng cảng như xây dựng kè chắn cát phía bắc kéo dài ra phía biển dài khoảng 880m; xây dựng kè chắn cát phía nam kéo dài ra phía biển khoảng 950m. Nạo vét luồng lạch rộng 60m dài khoảng 2,3km.


Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó hoàn lưu bão gây mưa lớn

Chiều 18/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương vùng ven biển từ Ninh Bình đến Bình Thuận về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão (bão số 4).

Ứng phó hoàn lưu bão gây mưa lớn
Chủ động ứng phó, khắc phục thiên tai

Là địa bàn rộng với đa dạng địa hình, dân cư đông nên để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, TP. Huế triển khai phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) theo từng cấp độ rủi ro đối với các vùng sạt lở núi, bờ sông, bờ biển đến tận thôn, tổ dân phố, hộ dân; đồng thời triển khai phương án cứu hộ, cứu trợ với phương châm không để người dân bị đói, rét sau lũ.

Chủ động ứng phó, khắc phục thiên tai
Ngành điện sẵn sàng các phương án ứng phó khi có sự cố

Cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina tác động đến nước ta từ tháng 8/2024 với nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất rất cao, trong đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa bàn trọng điểm thiên tai.

Ngành điện sẵn sàng các phương án ứng phó khi có sự cố

TIN MỚI

Return to top