ClockThứ Ba, 22/01/2019 13:15

Xóa “điểm đen” trên đèo Hải Vân

TTH - Dù đã có hầm Hải Vân nhưng cung đường đèo Hải Vân (địa phận Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng) vẫn có một lượng phương tiện khá lớn thường xuyên lưu thông. Sau tai nạn ô tô chở đoàn sinh viên lao xuống vực tại Km 898 + 200 tại thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), cơ quan chức năng đã triển khai giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực này cũng như toàn tuyến.

Đề nghị khắc phục điểm đen trên đèo Hải VânPhó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn trên đèo Hải VânMột sinh viên tử vong trong vụ xe khách rơi xuống vực ở đèo Hải Vân

Đèo Hải Vân - tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Từng xảy ra nhiều tai nạn

Cung đường đèo Hải Vân là một trong những cung đường ven biển, vắt qua đồi núi trập trùng, với hàng chục cua “cùi chỏ”, cua ngoặt, khuất tầm nhìn. Sau tai nạn tại Km 898 + 200, tại điểm này, cơ quan chức năng đã gắn thêm một gương cầu lồi, phần ta - luy bằng sắt bị “ủi” xuống vực được rào chắn tạm thời và giăng cọc, dây cảnh giới các phương tiện.

Khảo sát “điểm đen” này cũng như ghi nhận ý kiến từ người dân, đây là đoạn tuyến thường xảy ra tai nạn. Là một trong những cán bộ tuần tra, bảo vệ rừng hơn 20 năm nay, ông Võ Minh Tuấn, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân cho biết, tại “điểm đen” này trước đây đã từng xảy ra hàng chục vụ tai nạn lớn, nhỏ mà nạn nhân chủ yếu là du khách trong và ngoài nước, bỏ qua đường hầm, muốn trải nghiệm chinh phục đường đèo.

Ngoài tai nạn do tài xế vượt ẩu hoặc xe lấn làn, mất thắng, nguyên nhân chủ yếu gây nạn thường do khúc cua quá “hiểm”. Tài xế không quen đường khi lưu thông qua khúc cua không lường trước được dễ lạc lái, khiến xe lao xuống vực. Đoạn tuyến tại Km 898 + 200 cũng có độ dốc khá lớn, đường trơn trượt trong mùa mưa nên rất nguy hiểm cho các phương tiện.

“Điểm đen” tại Km 898 + 200 trên đoạn tuyến đèo Hải Vân

Tài xế Trương Văn Vĩnh Phong, chuyên chở khách du lịch Huế - Đà Nẵng cho rằng, những năm gần đây, tuyến đường đã được nâng cấp, hệ thống đảm bảo an toàn cũng được hoàn thiện nhưng thi thoảng vẫn xảy ra tai nạn. Nguyên nhân theo anh Phong là do tài xế đi không đúng làn đường, vượt ẩu qua những đoạn khuất tầm nhìn. “Hải Vân Quan vừa được công nhận di tích nên thời gian gần đây cung đường này xe cộ, đặc biệt xe chở khách hay dân “phượt” đến ngắm cảnh rất đông. Ngoài các biện pháp đảm báo ATGT, cần tăng cường lực lượng tuần tra, lắp camera phát hiện, xử lý những trường hợp lái xe vi phạm”, anh Phong nói.

Xóa “điểm đen”

Ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.6 (Cục Quản lý Đường bộ 2, Bộ GTVT) cho biết, từ khi giao cho Công ty CP Đầu tư Đèo Cả trực tiếp quản lý (tháng 11/2015), tuyến đường đèo Hải Vân đã được bổ sung 20 gương cầu lồi tại các điểm đường cong khuất tầm nhìn, 40 đèn chớp vàng, sơn lại các loại vạch sơn; gờ giảm tốc, đinh phản quang tại các đường cong, sửa chữa, bổ sung các biển báo chỉ hướng đường, đổ bê tông nâng chiều cao hộ lan can cứng trên toàn bộ cung đường đèo và lắp đặt hộ lan tôn sóng 2 bên tại các đường lánh nạn.

Riêng đoạn tuyến tại Km 898 + 200 (có độ dốc khoảng 7%, hai đường cong ngược chiều, bán kính nhỏ, một bên là vực sâu, một bên là taluy dương khuất tầm nhìn) đã được bố trí hệ thống đảm bảo ATGT như biển báo, vạch sơn, gương cầu lồi và đèn cảnh báo. Do địa hình đồi núi, cung đường uốn lượn với độ dốc lớn, bán kính đường cong nhỏ, các phương tiện qua đây cần tuân thủ báo hiệu đường bộ như đi chậm, cấm vượt để tránh tai nạn.

Để đảm bảo ATGT, hạn chế TNGT tại đoạn tuyến này, trước mắt Cục Quản lý Đường bộ 2 đã có văn bản chỉ đạo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả lắp đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép 20km/giờ tại đoạn tuyến qua điểm Km 898 + 200 về phía Nam (tuyến trái) để hạn chế tốc độ xe xuống dốc và hoàn thành trước ngày 18/1.

Về lâu dài, Cục Quản lý đường bộ 2 đã có văn bản báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đề xuất giải pháp xử lý đào núi, xây dựng đường lánh nạn tại Km898+250 (bên phải tuyến, cách vị trí tai nạn khoảng 50m về hướng Nam), để cứu nạn xe đi theo hướng Nam- Bắc đổ đèo; xây dựng hệ thống hộ lan lốp xe cũ phía trái tuyến và một số hạng mục cảnh báo ATGT khác.

Ông Trịnh Văn Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Hầm đường bộ Hải Vân cho rằng, trong giai đoạn 1 của Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, tuyến đèo Hải Vân đã được bổ sung hệ thống ATGT trên đường đèo và nâng cấp các thiết bị trong hầm với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Các hạng mục thiết kế đã được Bộ GTVT nghiệm thu, phê duyệt; trong đó có thảm lại bê tông nhựa phía Nam đèo (từ Km 901 đến Km 906, hướng từ Đà Nẵng ra). “Hiện nay, hệ thống thiết chế hạ tầng đảm bảo ATGT trên đèo đã được đầu tư đầy đủ, vấn đề cốt lõi là ý thức người tham gia giao thông; nếu không vượt ẩu, lấn làn… sẽ khó xảy ra tai nạn”, ông Phúc nói.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

Trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế như Bà Triệu, Trịnh Công Sơn... tình trạng các nhân viên quán nhậu tràn ra đường để chặn đầu xe, chèo kéo khách xảy ra thường xuyên, gây mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông
Return to top