ClockThứ Năm, 16/05/2019 06:15

Xử phạt để thay đổi hành vi, ứng xử tốt với môi trường

TTH - Ngày Chủ nhật xanh - “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng” đã tạo hiệu ứng rộng khắp với nhiều cách làm hay. Để mang tính bền vững và trách nhiệm, UBND tỉnh có kế hoạch áp dụng chế tài xử lý vi phạm vệ sinh nơi công cộng, quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) bằng hình thức phạt nguội hoặc phạt trực tiếp. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục BVMT- Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT).

Giải quyết tận gốc

Ông Nguyễn Việt Hùng

Là quy định khá mới, liệu có khó khăn, trở ngại gì trong quá trình thực thi không, thưa ông?

Chắc chắn là có. Chỉ riêng việc triển khai Nghị định 155 trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua về xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi, nơi công cộng, xả thải không đúng quy định… vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Việc quản lý, giám sát, theo dõi để phát hiện, xử lý các vi phạm của chính quyền cơ sở chưa thực sự sâu sát; hoạt động tuyên truyền, kêu gọi các đoàn thể xã hội, người dân tham gia giám sát, phát hiện các trường hợp vi phạm chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ngoài ra có thể xảy ra trường hợp người vi phạm cố tình chối cãi và khi không có người làm chứng, không có hình ảnh diễn biến quá trình vi phạm sẽ khó hoặc không xử lý được hành vi vi phạm. Khó xác minh nhân thân của người vi phạm, nhất là những người không cư trú tại địa phương, như: khách du lịch, sinh viên, người từ địa phương khác đến...

Điều đó càng chứng tỏ cần đến thông tin hình ảnh thu thập từ camera giám sát công cộng, gia đình hay những thiết bị ghi hình cá nhân và là bằng chứng đắc lực nhất?

Đương nhiên đây là những công cụ hỗ trợ đắc lực nhất mà tỉnh đang tận dụng để thực hiện kế hoạch phạt nguội các hành vi vi phạm liên quan. Trong quá trình kiểm tra xử lý vi phạm trực tiếp, lực lượng được giao nhiệm vụ có thể là công an, quản lý đô thị... sử dụng các thiết bị ghi hình cầm tay để theo dõi, ghi lại quá trình vi phạm. Trường hợp phạt nguội cần sử dụng hình ảnh cung cấp được trích xuất từ camera giám sát của trung tâm điều hành đô thị thông minh, các phường, xã, nhà dân... để làm cơ sở xác minh hành vi vi phạm. UBND cấp xã, cấp huyện có nhiệm vụ ban hành văn bản giao thực hiện nhiệm vụ BVMT cho các lực lượng tham gia để đảm bảo tính pháp lý, tạo thuận lợi cho quá trình kiểm tra xử lý vi phạm, xác minh nhân thân và sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của cộng đồng.

Việc xác định đối tượng vi phạm cũng như xử lý trong trường hợp phạt nguội sẽ rất phức tạp, dễ bị bỏ sót, ông có nghĩ thế không?

Không hẳn vậy. Tất nhiên hệ thống camera ghi lại hình ảnh phải đạt chất lượng tốt nhất, rõ nhất. Sau khi nhận được thông tin phản ánh hình ảnh về hành vi vi phạm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xác minh thông tin của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm được phản ánh. Tiếp theo mời cá nhân, tổ chức có liên quan theo xác minh lên làm việc, lập biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính. Quá trình xác minh xác định đúng hành vi vi phạm và cá nhân, tổ chức thừa nhận hành vi vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản VPHC và ban hành quyết định xử phạt theo quy định.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thừa nhận, chối cãi hành vi vi phạm, cơ quan xử lý sẽ tổng hợp các hình ảnh về hành vi vi phạm để công khai lên các phương tiện thông tin, mạng xã hội hoặc mục hình ảnh vi phạm của ứng dụng Hue-S (dịch vụ đô thị thông minh tỉnh)...

Đặt giả thiết trường hợp vi phạm là đối tượng "lưu động", trẻ nhỏ, vị thành niên... thì sẽ tiến hành xử lý như thế nào?

Đối với các trường hợp vi phạm "lưu động" sẽ cần thời gian để xác minh nhân thân người vi phạm. Vì vậy có thể mất nhiều thời gian hơn so với các trường hợp vi phạm được phát hiện trực tiếp, hoặc trường hợp cư trú tại địa phương.

Theo quy định xử lý vi phạm về BVMT không giới hạn về độ tuổi hay đối tượng. Trong trường hợp trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên vi phạm có thể áp dụng hình thức xử phạt bằng cảnh cáo, giáo dục tuyên truyền. Trường hợp buộc nộp tiền phạt, cần có biện pháp khắc phục vi phạm, cha mẹ hoặc người giám hộ phải chịu trách nhiệm thực hiện thay.

Nhiều người băn khoăn việc xử phạt sẽ khó triệt để, nơi quyết liệt, chỗ thờ ơ. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Để triển khai đồng bộ kế hoạch xử lý các hành vi VPHC về vệ sinh môi trường tại các địa phương cũng như trên phạm vi toàn tỉnh, UBND tỉnh phân định rõ trách nhiệm quản lý, xử lý về từng địa bàn, ngành, đơn vị liên quan. Như vậy, trường hợp ngành hoặc địa phương, đơn vị nào không thực hiện xử lý vi phạm triệt để hoặc chỗ làm, chỗ không, dẫn đến hậu quả lĩnh vực hoặc địa bàn do mình quản lý không đảm bảo môi trường theo quy định thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Theo lộ trình, trước mắt tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm BVMT. Sau một thời gian triển khai, sẽ tiến hành sơ tổng kết đánh giá tình hình thực hiện để rút kinh nghiệm, xây dựng hoàn thiện quy trình xử lý, kế hoạch và năng lực thực hiện; đồng thời mở rộng xử lý các hành vi vi phạm về trật tự đô thị, xây dựng...

Trước khi kỳ vọng về sự thay đổi hành vi, ý thức của người dân, các cơ quan Nhà nước đã sẵn sàng "nhập cuộc" chưa, thưa ông?

Hiện, Sở TN&MT đang xây dựng văn bản hướng dẫn xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT thông qua hình ảnh trích xuất từ camera của Hệ thống Giám sát và Điều hành đô thị thông minh. Quá trình thực hiện "phạt nguội" sẽ triển khai theo lộ trình từ nhắc nhở để chấn chỉnh hành vi vi phạm, công bố rộng rãi hình ảnh vi phạm trên các phương tiện thông tin đến xử lý VPHC. 

Mục đích chính của việc phạt nguội nhằm tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh môi trường nơi công cộng; để từ đó, mọi tổ chức, cá nhân thay đổi hành vi, nhận thức để thực hiện đúng. Việc xử phạt cũng phải làm nghiêm nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tượng, tạo tính răn đe trong cộng đồng xã hội.

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chung tay gìn giữ môi trường”

Được triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua, mô hình “Chung tay gìn giữ môi trường” giai đoạn 2024 – 2025 do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy Huế thực hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

“Chung tay gìn giữ môi trường”
Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng

Sáng 12/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Phiên chất vất và trả lời chất vấn được đông đảo cử tri, nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Ninh Thuận quan tâm theo dõi.

Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng
HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số

Có bề dày gần 50 năm kinh nghiệm hoạt động chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đang triển khai các giải pháp để thích nghi với thời kỳ chuyển đổi số, một bước đi cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của ngành và sự phát triển không ngừng của xã hội.

HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số

TIN MỚI

Return to top