Ngành rau quả có nhiều lợi thế hướng mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu chục tỷ USD. Ảnh: Bình Phương
Vượt mặt lúa gạo, cà phê…
Theo Bộ NN&PTNT, 2017 là năm tăng trưởng rất ấn tượng của ngành hàng rau quả, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD, tăng trên 40% so với năm trước, bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo (khoảng 2,66 tỷ USD), cà phê (trên 3,2 tỷ USD). Đặc biệt lần đầu tiên sau nhiều năm đàm phán, nhiều loại trái cây như vú sữa đã “có vé” đi Mỹ, chanh leo xuất sang EU, xoài xuất đi Úc…
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho
“Xuất khẩu rau quả đã vượt qua nhiều loại nông sản khác, trong đó có lúa gạo. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay và những lợi thế khả năng của chúng ta có được, ngành rau quả hoàn toàn có thể xuất khẩu đạt 10 tỷ USD”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh
|
biết, năm 2017, thị trường xuất khẩu rau quả tăng trưởng rất tốt và là ngành có nhiều dư địa lớn trong thời gian tới. Doveco đang xuất khẩu các sản phẩm chanh leo cô đặc, dứa cô đặc, các loại rau quả sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Israel… Kim ngạch xuất sang thị trường này đều tăng mạnh với mức trên 20% so năm 2016. “Nhìn thấy tiềm năng thị trường lớn, Doveco tiếp tục đầu tư nhà máy chế biến rau quả ở Gia Lai, với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, dự kiến khoảng tháng 6-7 năm 2018 sẽ đi vào hoạt động, tăng nguồn hàng cho xuất khẩu với các sản phẩm là chanh leo, chuối, bơ và các loại rau quả”- ông Khuê nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, sự phát triển vượt bậc ngành rau quả thời gian qua nhờ Việt Nam đã khai thác được tiềm năng về chủng loại giống cây ăn trái đa dạng và phong phú, lựa chọn được từng loại cây ăn quả là thế mạnh của từng vùng cụ thể trên cả nước.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã hình thành các mô hình sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… nhằm cải thiện năng suất, chất lượng nông sản. Nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc, kết hợp với các hợp tác xã, nông dân, xây dựng chuỗi liên kết bài bản, từ vùng trồng đến chế biến, xuất khẩu.
Theo ông Doanh, nhu cầu về trái cây thế giới rất lớn và đây là cơ hội cho Việt Nam. Năm 2012, xuất khẩu rau quả của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 800 triệu USD, nhưng đến nay giá trị xuất khẩu đã tăng khoảng 4,5 lần. “Nếu thị trường lúa gạo thế giới hiện nay chỉ khoảng 30 tỷ USD, trong đó Việt Nam đã chiếm khoảng 10%, thì thị trường trái cây của thế giới hiện lên tới 240 tỷ USD, do đó dư địa phát triển còn vô cùng lớn”- ông Doanh nói.
Mở rộng thị trường, làm chuẩn từ gốc
Dù dư địa và cơ hội rất lớn trong thời gian tới, song, theo các chuyên gia, xuất khẩu rau quả của Việt Nam thời gian tới cần đa dạng hóa thị trường, đặc biệt lưu ý đến vấn đề dịch hại và an toàn thực phẩm (ATTP).
Đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam lưu ý rằng, ngoài Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU cũng đang mở ra nhiều cơ hội để XK rau quả tươi của Việt Nam. Tuy nhiên, đây đều là các thị trường khắt khe về ATTP. Do đó, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, để làm chuẩn từ gốc. Chẳng hạn, để xuất khẩu các loại trái cây như nhãn, vải, vú sữa, thanh long đi Mỹ, các cơ sở phải được cấp mã số vùng trồng, có mã đóng gói, chiếu xạ… Có cán bộ kiểm dịch giám sát tận gốc.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết, với các vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu, phải thực hiện đúng quy trình, nhất là các loại dịch hại mà các thị trường yêu cầu, không sử dụng các loại thuốc BVTV thị trường nhập khẩu cấm… Cục BVTV đã cấp được hơn 6.000 mã số vùng trồng cho nhiều đối tượng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu trên cả nước.
Về mở cửa thị trường, ông Trung cho biết, sẽ ưu tiên đàm phán mở các thị trường nhiều tiềm năng, sức tiêu thụ lớn, gần Việt Nam, nơi mà các sản phẩm trái cây của Việt Nam có sức cạnh tranh cao. Theo đó, ngoài thị trường lớn là Trung Quốc, sẽ tiếp tục xúc tiến ở các nước Đông Bắc Á, New Zealand, Úc... Với thị trường Hàn Quốc và New Zealand, năm 2018 Cục BVTV sẽ xúc tiến nhanh các thủ tục để xuất khẩu chôm chôm.
Để hình thành những vùng sản xuất bền vững, ông Trung lưu ý, thời gian qua, xuất khẩu trái cây nhiều khởi sắc, nhờ sự liên kết tốt của doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã, từ việc xây dựng vùng trồng, quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến. Từ đó, các lô hàng xuất khẩu đều đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường, tránh “dính” những sự cố đáng tiếc, bị các thị trường cảnh báo về kiểm dịch và ATTP như nông sản khác. Đây cũng là hướng cần đẩy mạnh trong năm 2018 và thời gian tới.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát lại quy hoạch cho từng vùng cây ăn quả đối với khoảng 10 loại trái cây chủ lực, qua đó xác định về diện tích cụ thể, địa điểm để phát triển. Cùng đó, các địa phương lưu ý có thể chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, sang ăn quả, cây trồng hiệu quả khác. “Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cần bám theo quy hoạch, kế hoạch, không được ồ ạt, phải cẩn trọng và chắc chắn, trước hết là chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả, trên cơ sở lựa chọn đối tượng cây ăn quả có lợi thế cho từng địa phương, từng vùng chứ không được tùy tiện”- ông Doanh lưu ý.
Theo Tiền phong