ClockThứ Sáu, 24/12/2021 15:15

Xuất khẩu: Cú đảo chiều ngoạn mục

Có thể nói, xuất khẩu năm 2021 là điểm sáng của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong bối cảnh những động lực khác của nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Đề xuất nhiều giải pháp cải thiện tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ Việt - TrungTiêu thụ thép trong nước giảm, xuất khẩu tăngThu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp không xuất khẩu gạoỔn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động

Vượt lên những khó khăn bởi tác động từ dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm đã đảo chiều ngoạn mục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp. Với kết quả đáng khích lệ này, xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Những con số ấn tượng

Dệt may "chớp cơ hội" phục hồi xuất khẩu cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Ảnh: TTXVN

Nhìn lại hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Năm 2021 là một năm đầy khó khăn với doanh nghiệp do tác động nặng nề của dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng loạt ngành nghề sản xuất bị đình/hoãn, chậm trả, thậm chí dừng/hủy đơn hàng.

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả các Chương trình hành động, ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Chính vì vậy mà không ít lĩnh vực, ngành hàng đã tìm hướng đi và “thoát hiểm” từ các chương trình kết nối giao thương qua hình thức trực tuyến, đa dạng thị trường thay vì chỉ xuất khẩu sang những thị trường truyền thống.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này đã góp phần giúp cán cân thương mại đảo chiều, xuất siêu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới.

Thống kê cho thấy, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 660,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020. Nhờ vậy cán cân thương mại năm 2021 ước xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.

Chia sẻ về nỗ lực của doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay: Nếu như trước kia, nhóm hàng nông, thủy sản đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nhưng hiện tại nhóm hàng công nghiệp chế biến là động lực chủ yếu để xuất khẩu liên tục ở mức cao.

Các doanh nghiệp trong nước cũng đang tập trung đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo và dần chuyển dịch sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

Ngoài ra, có thể thấy các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang dần đa dạng và phong phú hơn về chủng loại, mẫu mã, một số sản phẩm có thị phần lớn và vị thế cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại thị trường đích.

Đặc biệt, sau một thời gian các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới đi vào thực thi, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động và linh hoạt hơn trong khai thác cơ hội để phát triển thị trường xuất khẩu.

Nhiều dự báo lạc quan

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định: Trước bối cảnh Việt Nam phần nào khống chế được dịch bệnh đã góp phần tạo sự phục hồi tốt hơn từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN... Dự báo năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13-15%.

Đánh giá về triển vọng thương mại châu Á trong hai năm 2022-2023, ông Andrew Jeffries- Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.mVì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn.

Đặc biệt, việc hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết; trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp đinh Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ là đòn bẩy đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn.

Giới chuyên gia cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng của xuất khẩu Việt Nam trong năm 2022 do thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác.

Không những thế, một yếu tố khác cũng tác động đến triển vọng của xuất khẩu đó là chi phí vận tải hạ nhiệt. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nhất là sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Các chuyên gia kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao và xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế vào năm 2022.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, Hiệp hội đã xây dựng 3 kịch bản mục tiêu cho năm 2022. Ở kịch bản tích cực nhất, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 42,5-43,5 tỷ USD.

Với kịch bản trung bình, xuất khẩu cả năm dự kiến đạt từ 40-41 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu dệt may trong kịch bản xấu nhất là 38-39 tỷ USD. Như vậy, ở phương án thấp nhất, ngành dệt may vẫn tự tin thành tích xuất khẩu năm 2022 sẽ tăng trưởng bằng năm 2021 này.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng triển khai các FTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu và sớm khôi phục các thị trường xuất khẩu  sau dịch COVID-19; tập trung theo dõi sát từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác thị trường và thúc đẩy xuất khẩu.

Cùng với việc tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… để tạo thuận lợi cho hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Return to top