ClockThứ Ba, 28/06/2022 15:35

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 kỳ vọng sẽ vượt xa mục tiêu

Tín hiệu tích cực từ các thị trường giúp tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%.

Trợ lực phát triển doanh nghiệp tư nhânBộ Tài chính xây dựng biểu thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP áp dụng đối với 603 dòng thuếXuất nhập khẩu Hoàng Kim - Thương hiệu hàng đầu về cung cấp tấm PanelỨng phó thách thức đứt gãy chuỗi cung ứng

Sự tăng trưởng mạnh mẽ này có được bên cạnh sự tăng về khối lượng đã có sự gia tăng về giá xuất khẩu ở nhiều sản phẩm. Ngành nông nghiệp đang kỳ vọng xuất khẩu cả năm 2022 sẽ đạt 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu mới này, ngành sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao.

Tăng trưởng mạnh

Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong số này, nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3%; thủy sản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; nhóm đầu vào sản xuất đạt 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%; riêng nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 176 triệu USD, giảm 15,9%.

Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD là cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất. Đặc biệt cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Điển hình như cà phê tăng gần 22% khối lượng và gần 50% giá trị; cao su cũng có mức tăng tương ứng là trên 9% và trên 12%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng trên 13% và 28%. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm mạnh ở mức 19%, đạt 125 nghìn tấn, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng gần 41% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 14%.

Trước sự tăng trưởng ngoạn mục của nhóm sản phẩm thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, những tháng đầu năm 2022, nhu cầu thuỷ sản ở tất cả các phân khúc hồi phục rất mạnh, trong khi nguồn cung của các nước không đáp ứng kịp. Xung đột Nga – Ukraine càng làm cho thị trường thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản khi hàng loạt các nước ra lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản Nga.

Cùng lúc đó tại Việt Nam, sau đỉnh dịch COVID-19 (quý III/2021) nông dân nuôi trồng và doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và chế biến xuất khẩu rất nhanh, để kịp tận dụng được cơ hội thị trường và đáp ứng lượng đơn hàng dồn dập từ các nước.

Dù không có được sự tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số như mọi năm, nhưng giá trị xuất khẩu lâm sản chính trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng 3% và ước đạt 9,1 tỷ USD. Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, mặc dù hiện nay xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine, nhưng với tiến độ xuất khẩu từ đầu năm đến nay, thì xuất khẩu nhóm sản phẩm này sẽ đạt trên 17 tỷ USD, vượt xa con số 16 tỷ USD mục tiêu đặt ra. Để bảo đảm cho nguồn nguyên liệu cho chế biến thì khai thác gỗ trong nước dự kiến sẽ đạt 31 triệu m3.

Về thị trường xuất khẩu, hiện có 4 thị trường là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam; trong đó 2 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian qua được duy trì tốt.

Mỹ hiện là thị trường lớn nhất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam với kim ngạch khoảng 7,61 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu; trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%). Kế tiếp là Trung Quốc với giá trị khoảng 4,97 tỷ USD, tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu.

Có được kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Trước tác động của dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, các đơn vị đã chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đồng thời, thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tiếp tục tháo gỡ hàng rào kỹ thuật

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đưa ra mục tiêu mới với tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt khoảng 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều nhóm sản phẩm của ngành có thể đạt được các mục tiêu mới như: lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD, thủy sản 10 tỷ USD…

Chủ động tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu, ngành nông nghiệp tập trung giải quyết vướng mắc về rào cản kỹ thuật của các thị trường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường cho xuất khẩu nông sản. Đến nay, Mỹ bổ sung 6 doanh nghiệp nâng tổng số lên 19 doanh nghiệp được chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá da trơn vào thị trường này;  EU công nhận bổ sung 21 doanh nghiệp, nâng tổng số 660 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản; Liên minh kinh tế Á Âu bổ sung 4 doanh nghiệp nâng tổng số lên 77 doanh nghiệp được xuất khẩu vào Liên minh; Trung Quốc chấp thuận 779 doanh nghiệp thủy sản, công nhận danh mục 128 sản phẩm, danh mục 48 loài và danh sách 45 doanh nghiệp được xuất khẩu tôm sú, tôm thẻ, cua, tôm hùm sống.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, những tháng đầu năm, hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến. Có thời điểm vẫn tái diễn tình trạng ùn ứ phương tiện xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc, gây nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bà con nông dân.

Tuy nhiên, các đơn vị nỗ lực xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, về hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị như thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Qua đó, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại khu vực cửa khẩu như giai đoạn hiện nay.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng: như: Trung Quốc với sầu riêng, tổ yến, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa…; Nhật Bản với nhãn, bưởi, chanh leo, xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt; Hàn Quốc với tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến; Myanmar với bưởi, xoài; Thái Lan với chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa; Australia với tôm tươi, chanh leo; New Zealand với chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu…

Ngành mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu hay Trung Đông; lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN... Đối với thị trường trọng điểm như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… ngành xác định thời điểm để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, quyết tâm xử lý vấn đề lớn của ngành về xuất khẩu sản phẩm gỗ, mật ong vào thị trường Hoa Kỳ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp cùng địa phương thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp. Trong số đó là việc thực hiện tốt Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng như chính sách “Zero COVID” để các biện pháp kiểm soát tốt tránh ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng nông sản.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD
Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao

Dự án (DA) Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư. Theo phương án đề xuất trình Quốc hội, DA Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, trong đó có Huế. DA được thiết kế có tốc độ 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa…

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao

TIN MỚI

Return to top