ClockThứ Năm, 24/01/2013 13:39

Lo chuyện tôm giống

TTH - Tháng hai Dương lịch, giáp Tết Quý Tỵ, thời điểm xuống đồng, cũng là lúc bắt đầu cho một vụ thả nuôi tôm mới. Thừa Thiên Huế tiết trời khắc nghiệt, mưa rét kéo dài, khung lịch xuống vụ nuôi tôm lại càng bó hẹp, chỉ khoanh lại trong khoảng thời gian chừng 3 tháng ngắn ngủi. Làm ruộng có câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Kinh nghiệm nuôi tôm chưa được phổ biến rộng rãi và ăn sâu vào tâm thức người đời như thế, nhưng cũng đã có những đúc kết đáng nhớ, kiểu như “Nhất giống, nhì môi, tam cần, tứ thuốc”. “Môi” ở đây được hiểu là môi trường, còn “thuốc” là vi sinh làm sạch ao nuôi.

Không phải ngẫu nhiên mà chuyện con giống lại được đặt lên hàng đầu trong nuôi tôm. Một thống kê của ngành thủy sản mới đây, chất lượng con giống kém đã là một trong những tác nhân chính gây thiệt hại cho gần 79 nghìn ha tôm nuôi trên cả nước trong 10 tháng đầu năm 2012. Thực tế ở Thừa Thiên Huế cũng cho thấy, tôm giống không đảm bảo chất lượng đã và đang là nguyên nhân chính dẫn đến tôm nuôi bị bệnh và hệ lụy kéo theo là điều mà ai cũng cảm nhận được, mất mùa và trong rất nhiều trường hợp là trắng tay và nợ nần vì tôm.

Cái khó trong việc lựa chọn con giống cho tôm nuôi không chỉ nằm ở chỗ phải có tiền mà còn là nguồn giống cung cấp. Nhớ lần đầu tiên nghe chuyện con tôm mẹ nhân giống có giá cả triệu bạc, tôi giật mình, trước đó nó không nằm trong hình dung của tôi, cũng như nhiều người có công việc không dính dáng đến nghề nuôi tôm. Sau này cất công tìm hiểu, tôi mới thấu rõ về khả năng tài chính, yêu cầu khắt khe và sự dụng công đặc biệt của công việc đã hình thành nghề nên sản xuất tôm giống. Nó đã giúp bao người dựng nên sản nghiệp lớn, nhưng cũng khiến lắm kẻ lao đao.

Nuôi tôm phát triển kéo theo yêu cầu về con giống ngày càng nhiều và khi mà chuyện nuôi tôm ẩn chứa rất nhiều rủi ro thì sự đòi hỏi về chất lượng con giống cũng trở nên khắt khe. Cứ tính ở Thừa Thiên Huế năm 2012 cũng đã rõ, nhu cầu về con giống chỉ mới đáp ứng 20%. Còn trong năm 2013 này, dự kiến chỉ khoảng 5%. Khó khăn đang nằm ở đó. Không có nguồn cung cấp tại chỗ, bà con nuôi tôm phải xoay xở trên thị trường. Giá cả tác động trực tiếp đến người nuôi vốn ham rẻ, rồi đặc biệt chất lượng là chuyện phó mặc cho sự may rủi khi mà xuất xứ của con giống tôm nuôi không được rõ ràng. Nó không chỉ gây khó, làm thiệt cho từng hồ nuôi hay chủ nuôi riêng lẻ, mà trong rất nhiều trường hợp còn là mầm bệnh lây lan, ảnh hưởng đến những lợi ích chung.

Tôi thích kiểu tư duy của người Tày. Trong chăn nuôi, người Tày luôn chú ý đến khâu giống và có câu “danh mía, danh mé nai/ danh khoai, lắm mé tốn”. Nghĩa là, chọn vợ xem bà mẹ, chọn trâu ngắm con đầu đàn. Cũng với ý nghĩa như vậy, chất lượng nguồn tôm bố mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tôm giống, bên cạnh việc nuôi dưỡng bằng nguồn thức ăn chất lượng cao và được chăm sóc bằng quy trình công nghệ tiên tiến để đảm bảo vừa có phát triển nhanh, chất lượng tốt, không bị ảnh hưởng nhiều bởi bệnh tật gây hại.

Nhiều yếu tố hợp thành một vụ nuôi tôm thành công, trong đó việc đầu tư con giống nằm ở tốp đầu. Càng đặc biệt và có ý nghĩa quyết định trong giai đoạn mở đầu vụ nuôi như hiện nay khi mà người nuôi tôm bắt đầu thả những con giống xuống hồ.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top