ClockThứ Năm, 10/05/2012 05:11

Lối sống thực dụng và tệ đặc quyền

TTH - Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.

Lối sống thực dụng làm cho con người tha hóa, biến chất, khơi dậy những ham muốn bản năng, thúc đẩy con người chạy theo hưởng lạc, qua đó, tách họ ra khỏi những sinh hoạt chính trị nóng bỏng của cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của nhân dân ta và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Lối sống thực dụng còn biểu hiện đậm nét ở những tính toán, chiếm hữu tài sản của Nhà nước, của công dân…, từ đó, dễ rơi vào con đường tự đánh mất mình. Lối sống thực dụng làm xói mòn đạo đức cách mạng và lý tưởng cao đẹp của mọi cán bộ, đảng viên. Trong quan hệ xã hội giữa người với người, những tình cảm lành mạnh bị thay thế bằng những quan hệ vụ lợi, vật chất. Sự tham lam vật chất, tiền bạc đã chi phối mọi hành động, sinh ra gian trá, bất lương. Lối sống thực dụng tất yếu dẫn tới tệ đặc quyền, đặc lợi nhằm thỏa mãn những ham muốn về vật chất, tiền bạc…

 

Người lãnh đạo phải là người đại diện cao nhất của một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… để quyết định những việc có lợi cho nước, cho dân và tập thể người lao động trong đơn vị. Nhưng không thể lợi dụng quyền đó để tự do hành động theo ý muốn, để tìm những mối lợi riêng cho mình, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.

 

Điều đáng buồn và lo lắng hơn cho chúng ta là lối sống thực dụng đang thu hút một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ hiện nay. Có không ít người lãnh đạo lập luận rằng: “Tiêu xài cũng là quyền của người phụ trách, có tiêu xài mới làm được việc. Tiêu xài mà làm ra của cải thì đã sao ?”. Thế là họ được quyền tự do hưởng thụ, bất chấp mọi nguyên tắc, chế độ của Nhà nước. Thế là họ hưởng đặc quyền đặc lợi một cách công khai. Lẽ nào quyền hành lại đồng nghĩa với đặc quyền đặc lợi, vun vén lợi ích cá nhân. Lẽ nào lại có quyền tự do sử dụng công sức, của cải của Nhà nước, tập thể, địa phương, đơn vị cho riêng mình?

 

Năng động, chủ động, sáng tạo không thể đồng nghĩa với tự do tùy tiện cũng như quyền hành không thể đồng nghĩa với đặc quyền đặc lợi. Chi tiêu có hiệu quả không có nghĩa là tiêu xài tùy tiện tiền của Nhà nước và nhân dân. Làm nhiều hưởng nhiều không có nghĩa là hưởng thụ vô hạn định.

 

Trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng không ít cán bộ, đảng viên sống xa hoa, lãng phí, tiệc tùng tốn kém bằng tiền của Nhà nước; một số cán bộ lãnh đạo vẫn mua sắm xe con giá trị bạc tỷ, thậm chí sử dụng cả vào việc riêng; phòng làm việc, phòng nghỉ với tiện nghi đắt tiền; khi đi công tác thì chỉ ở khách sạn cao cấp 4 - 5 sao… Như vậy, mà hô hào cấp dưới triệt để thực hành tiết kiệm thì ai nghe?

 

Nhờ đặc quyền đặc lợi mà không ít cán bộ, đảng viên được ưu ái hàng trăm mét vuông đất ở những “vị trí vàng”. Và sau đó không lâu, người ta thấy trên mảnh đất này có một biệt thự với thiết kế theo kiểu dáng phương Tây đã thách thức dư luận xã hội. Thậm chí có những cán bộ có đất đàng hoàng rồi nhưng vẫn có thêm những “mảnh đất đặc quyền”. Chưa ở thì cho thuê để tăng thêm thu nhập, có thêm của dư của để phòng hậu sự!

 

Nhân dân biết rất rõ cán bộ A bao nhiêu lô đất, cán bộ B mấy hecta rừng, cán bộ C mấy biệt thự, cán bộ D có khối lượng tài sản khổng lồ… Chính hình ảnh của một bộ phận cán bộ tham lam vật chất, toan tính lợi ích cá nhân vô độ dẫn đến quyền hành không có giới hạn thì sẽ lộng quyền và giành đặc quyền đặc lợi. Do vậy, quyền hành của bất cứ ai, bất cứ cán bộ cấp nào, hoạt động trong ngành nào cũng phải được quy định bằng luật pháp. Nhưng chỉ riêng luật pháp cũng chưa đủ, luật pháp nào khép kín đến đâu cũng còn có chỗ hở để người ta lợi dụng. Do vậy, phải có phẩm chất của con người, phẩm chất, đạo đức của người cán bộ trong phục vụ, hết lòng vì lợi ich chung. Thiếu điều này thì không thể tránh khỏi sự biến tướng quyền hành thành đặc quyền đặc lợi. Và cũng chính vì đặc quyền đặc lợi mà công tác cải cách hành chính gặp không ít khó khăn.

 

Trong thực tế, lối sống thực dụng, đặc quyền đặc lợi không chỉ làm hư hỏng một số cán bộ, đảng viên mà còn ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của Đảng. Trước tình hình đáng tiếc đó mà nói “cán bộ là công bộc của dân” thì thật là một sự bi hài chua chát.

 

Bài thuốc đặc trị để chữa dứt điểm căn bệnh “lối sống thực dụng, tệ đặc quyền đặc lợi” thiết nghĩ không ngoài việc cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng, nghiêm túc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên gắn với việc đẩy mạnh tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

 

Đảng và Nhà nước cần có thái độ kiên quyết hơn khi chống lối sống thực dung, tệ đặc quyền đặc lợi, quy định cụ thể, công bằng và công khai hóa các tiêu chuẩn, chế độ được hưởng của cán bộ, đảng viên, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát một cách nghiêm minh việc cán bộ, đảng viên thực hiện Điều lệ Đảng, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quy định số 47-QĐ/T.Ư, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm.

 

Quần chúng trong những lúc bức xúc hay những lúc trà dư tửu hậu có những luận bàn, bình luận tỏ ra biết khá rõ về nhân thân, hành vi trong công việc và cuộc sống đời thường của một số cán bộ. Những dư luận đó hoàn toàn có giá trị tham khảo.

 

Vạch trần bản chất tiêu cực của lối sống thực dụng cũng như những biểu hiện xấu xa của một bộ phận cán bộ sa sút phẩm chất, đấu tranh không khoan nhượng với nó là việc làm cấp thiết góp phần làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

 

Chiến Hữu

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top