ClockThứ Năm, 15/07/2010 05:14

Mát rượi gió sông

TTH - Quê tôi là một vùng ven đô. Dạo còn ở quê, cách nay cũng đã hàng chục năm rồi, ngày hè tôi vẫn thường cùng bạn bè ra đồng. Buổi trưa, cả bọn kéo nhau ra dòng sông Lợi Nông, một con sông đào, nguồn cội từ sông Hương, có từ thời Nhà Nguyễn. Có khi chỉ là tìm một bóng cây xanh để “đánh” một giấc ngủ trưa. Gió mát rượi, thổi lên từ phía sông mà người dân quê tôi vẫn gọi là gió nồm. Và chúng tôi đã có được những giấc ngủ thật sâu, thật say, có lúc kéo dài đến tận buổi chiều tà. Cái cảm giác khó quên ấy sống mãi trong tôi.
Huế đã giữ được những không gian xanh chạy dọc theo đôi bờ sông Hương. Những chuyến đi công tác ở phía Bắc về, xe đi đến cầu Bạch Hổ, rẽ dọc theo đường Lê Duẩn rồi Trần Hưng Đạo, đi dưới những hàng cây xanh xào xạc trong buổi trưa hè là một cảm giác nhẹ nhàng đến bất ngờ trong tôi. Hiếm có một đô thị nào như Huế, vào đến trung tâm thành phố mà vẫn cảm thấy mát mẻ, không quá ồn ào, không quá ngột ngạt, nóng bức.
 
Tôi lại nghĩ, chính những hàng cây xanh được chăm sóc một cách tỷ mẩn, chu đáo gắn liền với những công viên đẹp như Thương Bạc hay ở bên này sông trước sân trường Quốc Học hay đại học Sư phạm đã giữ lại cho Huế sự trong lành và mát mẻ. Buổi trưa hè, tôi đã bắt gặp ngày càng nhiều những đôi bạn trẻ, những cặp tình nhân chọn nơi đây làm điểm hò hẹn. Họ có thể dành cả một buổi chiều bên nhau. Phía trước là dòng sông xanh. Và nữa là những làn gió mát, làm rối tung cả mái tóc ai đó hững hờ. Một hình ảnh đẹp, nhiều lưu luyến.
 
Nằm cách trung tâm Huế không xa về phía đông nam là làng quê Thanh Thuỷ với chiếc cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng mà gần đây đã trở thành điểm đến của rất nhiều người trong lễ hội “Chợ quê ngày hội”. Tôi đã nhiều lần lên- về vùng đất này. Ấn tượng lớn nhất trong tôi là hình ảnh buổi trưa hè với rất nhiều người đã tập trung trên chiếc cầu gỗ có kiến trúc mái che đặc biệt. Họ có chung một sở thích là được tận hưởng ngọn gió nồm mát đến buồn ngủ thổi đến từ phía biển, từ phía những cánh đồng xanh, từ con sông Như Ý, một phụ lưu của Hương Giang.
 

Ảnh minh họa
 
Trở lại với Huế, chắc rằng, khi chọn vị trí xây dựng Kinh thành Huế, trong bao yếu tố phong thuỷ, người ta đã tính đến việc chọn hướng gió. Đó là suy nghĩ của tôi khi buổi trưa này, Huế trong cơn say nắng, tôi bước lên lầu Ngọ Môn, nhìn về phía sông Hương, trải rộng trước mắt tôi là một màu xanh mênh mang và dịu mát. Gió lồng lộng thổi từ phía sông mát rượi, khiến như bao nhọc nhằn và ưu phiền như tan biến cả.
 
Trong số những không gian đẹp ở Huế, tôi vẫn thích vị trí xung quanh cột cờ Phú Văn Lâu. Những buổi trưa hè, tôi vẫn thường ngang đây, ngước nhìn lá cờ đỏ và những cánh diều đủ sắc màu tung bay trong gió lộng. Người Huế tự hào với thú vui thả diều đã được nâng lên thành một nghệ thuật chơi diều nổi tiếng khắp năm châu. Thì đây, chắp cánh cho những cánh diều đẹp là ngọn gió mát, không ngừng nghỉ, thổi liên tục từ phía dòng Hương lên.      
 
Gió vẫn thổi như thế, mát rượi và từ lâu lắm rồi. Đó là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Huế gắn liền với con sông Hương hiền hoà và dịu mát chảy qua lòng thành phố, hình thành nên đôi bờ bắc- nam. Nó đã trở thành quà tặng hiếm hoi, loại đặc sản quý giá không nơi nào được của thành phố sông Hương khi mà không gian đô thị rộng mở, công trình xây dựng ngày càng mọc lên nhiều hơn, phố xá đông đúc người qua lại hơn như hôm nay.
Đình Nam
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top