ClockThứ Bảy, 06/07/2013 06:32

Một chuyến đi để được gặp lại…

TTH - LTS: Nhà văn Thái Vũ tên thật là Bùi Quang Đoài, sinh ngày 31/12/1928, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, đã từ trần hồi 10 giờ50 phút ngày 3/7/2013 tại TPHCM, hưởng thọ 86 tuổi. Ông là tác giả của gần 20 cuốn tiểu thuyết, trong đó có nhiều cuốn viết về những giai đoạn lịch sử đầy bi tráng của Huế đã được tái bản nhiều lần như Biến động - Giặc Chày vôi (1984,1995), Thất thủ kinh đô Huế (1985, 2000,2002), Những ngày Cần Vương (1990, 2004), Thành Thái – người điên đầu thế kỷ (1996, 2004). Tưởng nhớ nhà văn đã gắn bó và dành nhiều tâm huyết cho Huế, chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê về những lưu niệm cuối đời của ông. 

Với tôi, tin nhà văn Thái Vũ (Bùi Quang Đoài) “ra đi” không thật đột ngột. Chỉ riêng việc hai năm nay, không thấy ông ghé thăm Huế như trong những chuyến ra Bắc vào Nam trước đây đã là sự “báo động” sớm về một cuộc “chia tay” ngày một gần lại của nhà văn vốn nặng lòng với đất Cố đô.

Nhà văn Thái Vũ và các đồng đội trong dịp kỷ niệm 50 năm Trường Trung học Bình dân Quân sự Liên khu 5 (Trong ảnh: Hàng thứ hai, từ phải qua: Người thứ 2 là Thái Vũ, người thứ 7 là nguyên Chủ tịch Nước Võ Chí Công - Hồi đó ông là học viên với tên Võ Toàn; còn Thái Vũ là giáo viên)

Với Huế, nhà văn Thái Vũ (TV) không chỉ là “hậu duệ” của một anh hùng mà về sau trở thành nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Biến động” - thân mẫu của ông quê làng An Truyền (Thừa Thiên Huế) lại là cháu Đoàn Trưng-Đoàn Trực, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa “Chày Vôi”; Huế còn ghi dấu biết bao kỷ niệm học trò và là nơi chứng kiến những bước chân đầu tiên đến với cách mạng của chàng học sinh Quốc học Huế Bùi Quang Đoài khi anh “xếp bút nghiên” theo tiếng gọi của Tổ Quốc, trở thành lính Trung đoàn Trần Cao Vân, rồi sung vào đoàn quân Nam tiến hồi đầu cuộc trường chinh chống Pháp 9 năm; hơn thế, có thể nói, nếu Huế được tạo hóa ban tặng cho dòng Hương thơ mộng thì TV lại được tạo hóa vô tư “hiến dâng” cho toàn bộ khung cảnh sơn thủy hữu tình của Huế, với một truyền thống văn hoá đặc sắc, với hàng loạt nhân vật lịch sử và thi nhân, từ Đoàn Trưng - Đoàn Trực, đến Tôn Thất Thuyết, các nhà vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm… - tất cả trở thành “nguyên mẫu” cho những trang sách để đời của nhà văn.

Đúng hai năm trước, cũng vào tháng 7, có lẽ là “linh cảm” về một ngày “ra đi” không còn xa nữa, trên giường bệnh, TV đã gửi cho tôi một lá thư kèm tập tư liệu dày gồm hầu như tất cả những bài viết về ông, những ảnh và bút tích gắn với các sự kiện trong cuộc đời không thiếu những thăng trầm của ông. Đến nay thì có thể nói đó là lời “Di chúc” về nghiệp văn của ông, là lời tri ân của ông với đồng đội thời kháng chiến, với bạn đồng nghiệp, với cuộc đời. TV không quên một ai đã từng chia sẻ vui buồn và động viên ông trong quá trình sáng tạo những tiểu thuyết lịch sử, từ vợ chồng Nguyễn Xuân Hoa-Trương Thị Cúc, nhà giáo Tôn Thất Bình ở Huế, đến nhà báo Xuân Ba (báo Tiền Phong), Võ Thu Hương (báo Sài Gòn giải phóng), Nguyễn Tý (TPHCM), các nhà phê bình Phan Cự Đệ, Nguyễn Đức Đàn, nhà văn Nguyễn Quốc Trung (Văn nghệ Quân đội)… Đặc biệt, ông đã gửi cho tôi cả 4 bức ảnh chụp với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong dịp ông được hội kiến với cố Thủ tướng ngày 24/9/1997 và những lời căn dặn, thăm hỏi ân tình của cố Thủ tướng về việc viết tiểu thuyết lịch sử cũng như đời riêng của ông. TV cũng ghi lại rất cẩn thận cuộc gặp với Trần Huy Liệu khi nhà sử học góp ý cho ông về cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay viết về cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông cũng không ngại ngần gửi cho tôi nguyên văn bài góp ý thẳng thắn với giáo sư Hoàng Xuân Nhị đăng trên Tập san “Đất Mới” đã khiến ông bị “tai nạn văn chương”, đồng thời kể lại việc Bí thư Đảng đoàn Bộ văn hoá thời đó là Hà Huy Giáp đã “cứu” ông khi ông bạt tai một người đã vu cho ông là “phản động”; bài tiểu luận công phu của nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thạch viết năm 2010 “bênh vực” quan điểm của TV về bài viết “gây sự” năm xưa cũng được ông sao lại nguyên văn… Nghĩa là TV đã không quên ơn một ai, trong đó có các giáo sư danh tiếng mà ông được thụ giáo hồi còn là sinh viên lớp Đại học đầu tiên ở miền Bắc như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thái Mai, Hoa Bằng…, đã cho ông “vốn liếng” quý báu để bước lên con đường văn chương đầy thử thách. TV còn gửi cho tôi bản sao những giấy giới thiệu do Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Nguyễn Viết Lãm ký từ năm 1957, để nhà văn trẻ về Thanh Hóa sưu tầm tài liệu viết tiểu thuyết “Ba Đình” cùng thư của thiếu tướng Phan Hàm cử TV ra gặp lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để bàn việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm (1946-1996) Trường Lục quân Liên Khu V, nơi chàng trai-nhà giáo Bùi Quang Đoài đã sống một thời sôi nổi, nơi đồng đội của anh nhiều người “ra đi không hẹn một ngày về” như TV đã viết trong bài “Vọng nàng thơ” sáng tác năm 1947 trên Đường 19 (An Khê)…
 
Dẫn một câu thơ, chợt nhớ TV là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, không phải với tư cách một nhà viết tiểu thuyết lịch sử mà là một nhà thơ. Hẳn không phải là ngẫu nhiên, khi cuối tập tài liệu cuối cùng mà ông gửi cho tôi là bài thơ “Các anh” tưởng nhớ các đồng đội, các liệt sĩ đã hy sinh hồi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khu V – bài thơ đã in trong Tuyển tập thơ Việt Nam 1950-1954:
 
“...Tôi không quên các anh / Với nụ cười hồn nhiên / Với cái nhìn hò hẹn / Với da trẻ rám đen / Với bàn tay mạnh chắc / Với lòng không thắc mắc...// Các anh / Đi mãi không về!..// Đời các anh / Cao như sao Bắc Đẩu / Lòng các anh / Rộng như đất bao la / Tình các anh / Đẹp chan hòa / Như ngàn hoa kết lại / Và mãi mãi / Các anh sống với thời gian.”
 
Tình cờ, dẫn một bài thơ nhớ ơn các liệt sĩ vào ngày đầu tháng 7, khi hầu khắp các đường phố Huế, người dân đang cùng chiêm bái tưởng nhớ hàng ngàn chiến sĩ trận vong ngày Thất thủ Kinh Đô (23/5 Ất Dậu, tức 5/7/1885); Tháng 7 cũng là thời điểm cả nước tri ân những người con đã hy sinh vì Tổ Quốc. Và cũng thật tình cờ, TV “ra đi” vào một ngày tháng 7. Ông không phải “liệt sĩ” nhưng là người có tư cách, có quyền tự hào khi “gặp” những người con đã quên mình vì đất nước trong lịch sử bi hùng của dân Việt, vì ông đã tri ân, ca ngợi họ bằng hàng ngàn trang sách chân thực có sức làm xúc động lòng người.
 
Phải! Trong chuyến đi rời xa cõi trần, tôi tin là TV sẽ gặp lại rất nhiều những con người mà ông đã từng tỏ lòng tri ân, trong đó nhiều nhân vật là liệt sĩ. 
 
Trường An-Huế 5/7/2013
Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top