ClockThứ Tư, 28/07/2010 17:49

Muối

TTH - Ngày nhỏ, khi đọc tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, tôi đã gần như rớt nước mắt khi nhà văn kể về những cơn đói muối của dân làng trên vùng đất Tây Nguyên. Đói muối đến người lớn trẻ con lả dần, đi không nổi, đứng không vững, mắt mờ hẳn... Đói muối, kẻ thù nham hiểm dùng muối để thách thức lòng trung kiên của dân làng. Đói muối, phải bứt thủng cả mái tranh nhà đốt thành tro. Đói muối, phải đi tìm quả cây có vị mặn đến mức ăn nhằm trái độc...


Những diêm dân vất vả cho hạt muối trắng ngần - ảnh minh họa từ internet

Tuổi thơ tôi, muối như một bà tiên hiền hậu, hay thương người, thường đến an ủi tôi khi gặp tai ương: Chơi trò ném đất ruộng dưới bóng trăng bị trúng một cục đất rang u đầu: muối. Chia phe chơi đánh bậy u đầu, sưng mặt: muối. Trèo cây gãy cành rớt toàn thân ê ẩm: muối. Đá banh chân đất ham đến độ toác móng: muối... Gần như suốt thời thơ ấu, cả người chỗ nào cũng có ít nhất một lần được Mạ nhai muối đắp lên, đến mức cái sống sít của muối còn bám trặm trịa trên da thịt đến tận bây giờ, khi tôi đã ngoài bốn mươi. Sau này nghiệm ra, muối của Mạ mau lành hơn bất cứ một loại thuốc thang nào khác...  

Để ý một chút, thấy đời sống của Mạ gắn liền với muối nhiều lắm. Ở Huế, cúng quẩy gần như quanh năm. Tháng Giêng cúng rằm Nguyên Tiêu, có áo cháo gạo muối, hột nổ Mạ bỏ chung trong cái dĩa, thêm cục đường. Từ đó cho đến tháng mười hai, bao giờ cúng Mạ cũng chuẩn bị lễ vật có muối. Hôn lễ chị, Mạ gói cho chị nắm muối củ gừng, dặn chờ khi làm lễ động phòng, đưa cho chồng mới cưới cùng ăn, dặn dò “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.
 
Thực tế thì cả nước Việt cùng tôn thờ hạt muối theo những ý nghĩa nhân văn khác nhau như thế. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm cho biết: “Để cho quan hệ vợ chồng bền vững, khi cưới, đôi vợ chồng trẻ thời Hùng Vương có tục trao nhau nắm đất và gói muối. Nắm đất tượng trưng cho lời nguyền gắn bó đất đai - làng xóm - quê hương; gói muối là lời cầu chúc cho tình nghĩa giữa hai người mặn mà chung thủy”. Ngày chị làm nhà mới dọn về ở, Mạ dặn phải chuẩn bị trước một thùng gạo đầy, một thùng nước đầy, một thùng muối đầy. Mạ nói ba thứ đó là rất cần thiết, có nó thì cuộc sống mới sung túc, mới đầy đủ được...
 
Huế cũng là một trong xứ xở mà ở đó, muối bước lên đỉnh nghệ thuật ẩm thực bằng những bước chân điệu đàng hiếm có. Nhà văn Nguyễn Tuân có một bữa cơm muối mà tri kỷ muối còn mặn trên trang viết đến hàng bao nhiêu năm. Thử nhớ lại những đĩa muối trong mâm cơm Huế: muối bột trộn với tiêu, vị tinh gọi là muối tiêu; muối bột với ớt bột, vị tinh là muối ớt, muối hột đâm với trái ớt tươi là muối đâm thường dùng ăn với thịt nướng, cá nướng; muối kho với sả có thêm mỡ gọi là muối sả; muối trộn với mè rang gọi là muối mè; muối trộn với đậu phụng rang giã nhỏ gọi là muối đậu (cả hai loại này thường ăn với xôi, bắp, sắn); muối rang lên cho chín rồi trộn mỡ gọi là muối mỡ; muối kho thịt heo và sả vằm nhỏ gọi là muối (thịt) heo; muối kho thịt gà và sả vằm nhỏ gọi là muối (thịt) gà; muối kho với ruốc mỡ…
 

Cánh đồng muối - ảnh minh họa từ internet
 
Ngày chưa xa, các "Mệ" thường thết khách quý bằng bữa tiệc cơm muối để thể hiện sự quý khách và để khoe tài...nấu nướng và tài thưởng thức! Bữa tiệc cơm muối Huế chỉ có cơm và muối! Nó mang đậm triết lý ẩm thực Huế sâu thẳm mà dân dã.  Cơm nấu trong niêu đất nhỏ làm ở làng Phước Tích. Đĩa đơm cơm và đựng muối phải là loại đĩa cổ, tao nhã, tài hoa. Mâm cơm với các món muối dọn ra như là một mâm hoa: Màu trắng của muối, đỏ và xanh của ớt, vàng của sả và riềng, màu huyền của mè, màu nâu của ruốc… Nó cũng là một chứng nhân lặng lẽ của văn hoá Huế.
 
Trong tiến trình tồn tại cùng nhân loại, muối gắn với rất nhiều biểu trưng khác nhau. Muối, trong con mắt thế gian, nó được tách ra từ nước biển bởi sự bốc hơi, nên nó cũng là một loại lửa được giải phóng từ nước, nó là tinh hoa và sự đối lập. Ngược lại, hạt muối khi hòa tan trong nước, lại là biểu tượng của phái Mật tông về sự hòa tan của cái tôi cá nhân trong cái ta phổ biến. Người Nhật Bản, trong những nghi lễ Thần đạo, đã đem muối xếp thành từng đống nhỏ cạnh lối vào nhà, trên thành giếng..., như muối chính là biểu tượng của sự tẩy uế và bảo vệ. Với người Do Thái cổ, toàn bộ vật hiến tế phải thánh hóa bằng muối. Việc họ cùng ăn muối với nhau (người ta chia sẻ muối với nhau như chia sẻ chiếc bánh mì), được xem như là cùng theo một tình ngưỡng, cùng có mối liên hệ như tình anh em. Nhiều dân tộc khác nhau cũng đã xem muối như là lời hứa không thể phá huỷ, muối của sự giao ước là không thể hư hỏng mà ngay đến Chúa Trời cũng không thể phá huỷ...
 
Sau này, tôi có dịp nhiều lần qua lại các cánh đồng muối dọc miền Trung. Những cánh đồng muối rất đẹp lúc chiều về, những hạt muối trắng nhưng nhức như những bông hoa tinh túy của đất trời hội tụ vun thành núi cao. Nó vun đầy hiện hữu, đứng vững chãi như một xác tín về lòng tin, bất chấp không gian đang ngập trong thứ màu vàng vọt phôi pha của buổi chiều tà.
 
Mạ tôi nói, khi nào đi đường mỏi mệt thì ngậm một hột muối. Tôi đã nhiều lần làm theo lời Mạ dặn khi đi qua những cánh rừng già. Và cũng thế, trong những lúc mỏi mệt trong đời, tôi thường nhớ đến hình ảnh của những rặng núi muối dọc miền Trung gió cát, chúng cho tôi vị mặn hồi sinh, như thể tôi đang đứng trước một niềm tin lớn lao trắng xóa tinh khiết đằng kia, và bên cạnh là những sợi tóc mặn mòi bay bay trong gió...
                                     
                                                                                                T.Ngọc
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top