ClockChủ Nhật, 04/06/2017 14:01

Muốn giảm nhưng đang tăng

TTH - Tầng nấc, cồng kềnh, còn có sự giao thoa, chồng chéo, bỏ trống, chưa thực sự hợp lý là điều đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt ra tại phiên họp thứ hai của Đoàn Giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật ở lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016 vào cuối tháng 5 vừa qua.

Minh chứng cho những động từ mạnh kể trên là những con số cụ thể: 3.563.903 người là tổng biên chế của cả nước tính đến 31/12/2015, nhưng con số này tính đến 1/2/2017 là 3.574.303 người (tăng 10.400 người). Quỹ lương cho biên chế cũng là một thông số so sánh khi con số ở năm 2015 là 405.000 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 đã là 410.000 tỷ đồng.

Ở một khía cạnh khác, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong hai năm 2015 và 2016, 34 lượt bộ, ngành và 104 lượt địa phương đã đề nghị thẩm tra 17.600 người thuộc đối tượng tinh giản biên chế. Đến trung tuần tháng 3/2017, mới chỉ có gần 5.000 người trong số này được thẩm tra. Một con số khác đáng quan tâm ở đây là có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao. 10.218 người mà các bộ, ngành; 9.682 người mà các địa phương đang thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp; 1.193.162 người là cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố là những con số tham khảo khác. Tính bất cập và chưa có con số thuyết phục cũng là điều được Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi trao đổi với các bộ, ngành có liên quan tại phiên họp này.

Vấn đề được đưa ra là chủ trương và kế hoạch đã được xác lập, nhưng việc tinh giản biên chế ở phương diện tổng thể và vĩ mô còn là điều khó khăn khi thực hiện. Khó có thể nhìn thấy một sự chuyển biến để thực sự tạo ra thay đổi nếu việc tinh giản biên chế vẫn đang giảm một cách cơ học – nghĩa là cứ 2 người nghỉ hưu thì sẽ được nhận 1 người, trong khi thực tế trong rất nhiều công sở vẫn tồn tại (và xem ra có phần ung dung) những người có độ trì trệ, xong việc hưởng lương coi như xong trách nhiệm.

Theo chúng tôi, những người quản lý ở các cơ quan Nhà nước hiểu rất rõ thực trạng này. Tuy nhiên, việc đưa một người ra khỏi biên chế lại là điều không dễ dàng và cũng phải qua nhiều tầng nấc, với các hội đồng khác nhau. Có một mấu chốt khác xuất phát từ tâm lý tự thân – đó là sự dễ dãi, nể nang, sợ mất lòng và có thể là những lý do không chính danh nào đó trong đánh giá xếp loại, trong bình bầu thi đua và sự cả nể giữa các đồng nghiệp, những người trong cơ quan đơn vị và một cách hiểu không thật sự đúng về tính nhân văn, làm giảm và mất động lực phấn đấu, tạo nên sức ỳ vô cùng lớn trong đội hình biên chế.    

Đây cũng là những khía cạnh của tồn tại mà Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần phải tiếp tục có giải pháp khi mà “chúng ta vẫn giữ lại trong bộ máy những người làm việc chưa có hiệu lực, hiệu quả, chưa đảm bảo tiêu chuẩn, chức năng, điều kiện trình độ...”.

Tại Thừa Thiên Huế con số biên chế dự kiến sau khi xác định vị trí việc làm có thể tăng 1.300 người (60% so với biên chế hiện tại) là điều đã được lãnh đạo tỉnh báo cáo với Đoàn Giám sát của Quốc hội tại Huế vào ngày 25/4/2017 (nguồn TTXVN). Hẳn nhiên đây mới chỉ là con số dự báo, dựa trên tính chất, tiêu chí và yêu cầu của công việc được rà soát và tổng hợp từ các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn khi xây dựng Đề án mô tả vị trí việc làm, và điều này chắc chắn sẽ còn những bước điều chỉnh, nhưng vẫn có thể thấy rằng, giảm biên chế còn là một công việc không dễ dàng và dai dẳng. Năm 2015, có 45 người ở 11 cơ quan, đơn vị, địa phương được tinh giản biên chế và con số mà Bộ Nội vụ có văn bản đồng ý thực hiện chế độ tinh giản trong năm 2016 là 115 cán bộ, công chức tại 21 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

MINH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh giản biên chế gần 30%

Theo Bộ Nội vụ, so với số biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2016 -2021, cả nước đã tinh giản với tỷ lệ gần 30%.

Tinh giản biên chế gần 30
Cần đánh giá khách quan khi thực hiện tinh giản biên chế đối với người vi phạm chính sách dân số

Dịp cuối năm, nhiều người làm việc trong cơ quan Nhà nước thắc mắc về việc xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức khi sinh con thứ ba (vi phạm chế độ chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình). Theo đó, người sinh con thứ ba bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Cần đánh giá khách quan khi thực hiện tinh giản biên chế đối với người vi phạm chính sách dân số
Chính sách cho giáo viên mầm non: Cần cơ chế đặc thù để tạo sức hút

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, một trong những vấn đề được nhiều địa phương chia sẻ là thực trạng thiếu giáo viên mầm non.

Chính sách cho giáo viên mầm non Cần cơ chế đặc thù để tạo sức hút
Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1575/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2022.

Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2022
Return to top