ClockThứ Năm, 12/11/2020 06:45

Neo đậu tàu thuyền an toàn trong mùa mưa bão

TTH - Ngoài kinh nghiệm, kỹ năng của ngư dân thì việc được hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đúng quy chuẩn kỹ thuật của cơ quan chức năng góp phần quan trọng đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại tài sản cho ngư dân trong mùa mưa bão.

Từng bước nâng cấp khu neo đậu tàu thuyềnNeo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu xa bờ

Ngư dân Phú Vang neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão

Kinh nghiệm ngư dân

Hiện huyện Phú Vang có tổng tàu thuyền đánh bắt có máy gồm 1.156 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90CV trở lên gần 300 chiếc. Mỗi mùa mưa bão, nhu cầu tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão rất lớn.

Ông Nguyễn Trung (xã Phú Hải, huyện Phú Vang) cho biết, khi đưa thuyền đi tránh, trú bão, việc đầu tiên là tìm nơi neo đậu an toàn, thuận tiện đi lại để kiểm tra tài sản sau khi bão qua. Tùy điều kiện khu neo đậu mà ngư dân chọn các phương án khác nhau. Đối với ngư dân trên địa bàn tỉnh, các khu neo đậu được đầu tư thường dành cho các tàu công suất lớn, neo đậu tập trung; đối với các khu neo đậu tự nhiên, eo vịnh thường neo đậu các ghe ghọ ven vùng đầm phá.

Trong điều kiện vùng neo đậu diện tích rộng lớn, còn nhiều chỗ cho ngư dân xoay xở tàu thì nên neo đậu một mình để tránh va đập và mặt thuyền phải bám đáy nhưng không mắc cạn. Trong điều kiện vào khu neo đậu tập trung có nhiều tàu, không có đủ các cọc neo cố định trên bờ thì cần neo tàu theo hướng phía lái vào bờ, thả thêm neo phía mũi tàu, dùng các lốp cao su chêm thêm ở mạn tàu hai bên để giảm va đập khi có sóng lớn.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) thông tin, là địa phương có sản xuất ngư nghiệp và khâu hậu cần nghề cá là nền kinh tế mũi nhọn nên hàng năm, công tác neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đối với ngư dân rất quan trọng. Các vùng cửa biển, luồng lạch vào âu thuyền nơi tránh trú ngư dân đều “nằm lòng”. Ngoài kinh nghiệm, địa phương có những hướng dẫn để ngư dân thuận lợi neo đậu và giảm thiệt hại trong mùa bão.

Cụ thể, đối với khu neo đậu tập trung như âu thuyền Phú Hải, Phú Thuận tối đa chỉ được neo đậu 3 tàu liền nhau, giữa các tàu phải có đệm chống va đập và dây liên kết; khoảng cách giữa các nhóm 3 tàu với nhau ít nhất từ 15m trở lên (tương đương chiều rộng của 2 thân tàu).

Có thể liên kết mỗi nhóm tàu thành khối  bằng cách sử dụng các thân cây gỗ dài hoặc dây chằng buộc cố định phía mũi và lái tàu. Trong điều kiện các khu neo đậu đã được thiết kế vị trí các phao bù, điểm cột neo cố định thì buộc dây neo mũi, dây neo lái vào các phao bù đảm bảo tàu neo đậu an toàn.

Tàu thuyền của ngư dân neo đậu tại âu thuyền Phú Hải (Phú Vang)

Tại Phú Thuận có 2 điểm neo đậu ghe ghọ ở các vùng vịnh đầm phá tự nhiên, tránh trú bão khá tốt. Xã Phú Thuận hướng dẫn ngư dân chọn những nơi khuất gió, đáy biển là cát, cát pha sét, cách xa các vách đá và chướng ngại vật. Khi neo đậu, ngư dân thả 1-2 neo mũi, chiều dài dây neo bằng 5-7 lần độ sâu nơi thả neo, sau khi neo đã bám đáy, ghe ghọ có thể xoay trở các hướng mà không bị va đập hoặc mắc cạn. Đặc biệt, chọn những điểm eo vịnh khi tàu thuyền ngư dân ra vào không ảnh hưởng đến phao tiêu luồng lạch và đường phân chia giao thông.

Đảm bảo neo đậu an toàn

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, khu neo đậu kết hợp cảng cá như Thuận An, Tư Hiền, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền. Các điểm neo đậu phục vụ tránh trú bão hiện nay cơ bản đáp ứng đủ cho gần 3.000 phương tiện tàu thuyền, ghe ghọ khai thác trên biển và đầm phá.

Trong đó, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Hải do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 12/2010, có nhiệm vụ đảm bảo tránh trú, neo đậu an toàn cho hơn 500 tàu thuyền loại từ 20CV trở lên do Cảng cá Thừa Thiên Huế quản lý. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Cảng cá Thừa Thiên Huế xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Đơn vị này cũng đã ban hành nội quy, phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định, trong mùa mưa bão, đơn vị thường xuyên phối hợp BĐBP tỉnh, UBND các huyện, xã vùng đầm phá ven biển kiểm tra tàu thuyền, quy định về trang thiết bị đảm bảo an toàn khi ra khơi, số lượng thuyền viên đi biển, ngư trường hoạt động, phối hợp khai thác hệ thống thông tin Duyên hải Huế đảm thông tin liên lạc giữa đất liền- ngoài khơi và hướng dẫn công tác neo đậu, tránh trú bão an toàn.

Năm 2016, Tổng cục Thủy sản ban hành hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú, neo đậu an toàn. Theo đó, quyết định đã có hướng dẫn cụ thể từ cách điều khiển tàu thuyền tránh bão, cách ứng phó khi tàu thuyền gặp bão đến cách neo đậu tàu thuyền tránh trú đối với các âu thuyền, điểm neo đậu tập trung đến các eo vịnh tự nhiên. Cơ quan chức năng còn hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật về neo và dây neo đối với tàu thuyền.

“Đối với ngư dân, tàu là nhà, là cả một gia sản lớn. Tuân thủ những hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chức năng về neo đậu không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giảm thiệt hại tối đa cho tài sản ngư dân trong mùa mưa bão”,  ông Giang khuyến cáo.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển (trong đó có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ) và hơn 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng trong mọi tình huống

Cùng với phường Phú Nhuận, hiện nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đã thành lập các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và "Điểm chữa cháy công cộng", phát huy tác dụng trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) như Đông Ba, Phú Hội, Phú Thượng, Vĩnh Ninh...

Sẵn sàng trong mọi tình huống
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Return to top