ClockChủ Nhật, 04/10/2015 17:07

Nghệ thuật đặc biệt quan trọng với người khuyết tật

TTH - Với mong muốn giúp đỡ trẻ thuyết tật, nghệ sĩ Olivier Oet (Pháp) vừa có chuyến đến Huế lần thứ 6 để truyền dạy kỹ thuật làm gốm raku tại Trung tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật Hy vọng (Hope Centre). Ít ai biết là để có những chuyến đi ấy, ông Olivier Oet đã phải tự xoay xở kinh phí.
Nghệ sĩ Olivier Oet hướng dẫn kỹ thuật làm gốm raku tại Trung tâm Hy vọng - Huế

Về cơ duyên với Việt Nam, ông Olivier Oet cho hay, gia đình ông có một trung tâm nghệ thuật dành cho người tàn tật tại Pháp. Từ năm 2009, họ đón các nhà giáo đến từ các trung tâm trẻ khuyết tật ở Việt Nam trong đó có trung tâm Hy vọng (Huế).

“Trung tâm Hy vọng Huế đã cử người ở lại với chúng tôi 9 tuần. Mỗi lần như vậy, cô Phương-Chủ tịch Hội những đóa hoa hy vọng (Pháp) đã tổ chức những khóa tập luyện cùng với Hiệp hội Orange Fleurs d’Espoir bằng cả sự sáng tạo lẫn niềm tự hào trong công việc của họ. Sau những khoảng thời gian huấn luyện, đào tạo, tôi đã rất muốn đến thăm các trung tâm ở Việt Nam để nghiên cứu cách mà tôi có thể tạo ra một bầu không khí sáng tạo như vậy ở Việt Nam. Tôi đã đến Việt Nam 6 lần và trước đây tôi tự chi trả các khoản kinh phí. Nhưng bây giờ thì chúng tôi đã lập ra một hiệp hội phi lợi nhuận Association Franco Vietnamiene ATELIERS VINCENT MARIE OET (AVMO) và thông qua đó chúng tôi có thể tạo ra kinh phí để chi trả cho những nguyên vật liệu và các chi phí cần thiết khác. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ mở rộng thêm hoạt động của chúng tôi - có lẽ cho các trung tâm khác nữa tại Việt Nam”, Olivier Oet chia sẻ.
 Hiện lò gốm raku ở Trung tâm Hy vọng đã dần hoàn thiện sau mỗi lần ông đến. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Khi tôi đến Huế 4 năm trước, tôi đã xây dựng lò gốm để có thể mở xưởng gốm raku đầu tiên ở Huế. Chúng tôi đã tìm đất sét nhiều nơi ở những cánh đồng và ở một nhà máy gạch. Sau đó tôi dạy cho những người trong trung tâm và rồi khai trương xưởng. Bây giờ chúng tôi hy vọng không chỉ tạo ra các đồ gốm mà còn dạy cho du khách và học sinh, sinh viên trong thành phố các kỹ thuật của gốm raku. Các nhân viên của trung tâm sẽ là các giáo viên và có thể truyền tải kiến ​​thức của họ đã học được. Điều này sẽ đem lại cho họ một bản sắc riêng và niềm tự hào. Ngoài ra còn có thể tạo thu nhập cho trung tâm. Tôi thấy các nhân viên của trung tâm Hy vọng đã có những tiến bộ vượt bậc trong một thời gian ngắn. Họ dần dần tự tin hơn trong sáng tạo của mình. Hiện tại chúng tôi đã thiết kế chương trình cho khách du lịch đến làm gốm và nhận sản phẩm trong ngày.
Ông có thể chia sẻ thông tin về trung tâm của ông tại Paris. Liệu mô hình có thể áp dụng được tại Trung tâm Hy vọng và Việt Nam.
Trung tâm của chúng tôi tại Pháp có 145 người tàn tật. Trung tâm này do mẹ tôi thành lập và bây giờ được quản lý bởi một tổ chức từ thiện lớn, đó là Hiệp hội Championnet, tuy nhiên, chính phủ cũng đóng một vai trò lớn trong việc tài trợ. Chính phủ trả lương cho chúng tôi, tiền thuê nhà và bảo hiểm nhưng không trả kinh phí cho những vật liệu sử dụng trong các cuộc tổ chức sáng tác của chúng tôi. Chúng tôi cũng bán các sản phẩm và nhận đơn đặt hàng từ các công ty sản xuất sản phẩm khác nhau. Chúng tôi phải dần dần độc lập về tài chính.
Tôi không chắc lắm về tình hình ở Việt Nam và liệu mô hình của Pháp có thể thích hợp hay không, nhưng có điểm chung là đều khó khăn về nguồn tài chính. Tôi đang đến đây để chia sẻ kinh nghiệm giáo dục nghệ thuật cho những người tàn tật với Hope centre.
Tôi từng biết, tại châu Âu, một số nghệ sĩ đã có những khóa truyền dạy nghệ thuật cho trẻ em khuyết tật. Họ xem hoạt động (vẽ tranh, làm gốm, đánh đàn, múa....) như là liệu pháp chữa trị, phục hồi chức năng, phát triển kỹ năng cho trẻ khuyết tật. Ông quan niệm như thế nào về việc này? 
Tôi thấy nghệ thuật và sáng tạo rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Và nó thật sự đặc biệt quan trọng đối với người khuyết tật vì nghệ thuật đem lại một chiều hướng khác cho cuộc sống của họ và các tác phẩm nghệ thuật mà họ đã tạo ra thường xuyên, tạo cho chính họ hình ảnh khác và làm cho họ có thể giao tiếp với người khác một cách đặc biệt. Người ngoài cũng có thể nhìn thấy họ với một góc độ khác - như các nghệ sĩ chứ không phải là những người tàn tật. Chúng tôi có rất nhiều triển lãm các tác phẩm của mình ở thủ đô Paris và các thành phố khác ở Pháp. Ví dụ vào năm 2013, chúng tôi đã có một cuộc triển lãm lớn tại Tòa thị chính Paris www.absolumentexentrique Mairie de Paris.
Võ Xuân Huy (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top