ClockThứ Hai, 03/09/2012 06:54

Người Cộng sản mẫu mực, kiên trung

TTH - (Nhân đọc Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con ngườiNXB Thuận Hóa Huế - 2012)

Lịch sử đã ghi nhận sự đóng góp lớn lao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (gọi tắt là Đại tướng) trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. Những bài viết của các nhà lãnh đạo, đồng chí, đồng đội…trong Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người khiến người đọc càng yêu mến và quý trọng con người mà lịch sử tôn vinh là một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh. 

“Đại tướng Nhân dân”

Được Bác Hồ cử đi kiểm tra tình hình thiếu đói tại Thanh Hóa lúc bấy giờ, mặc lãnh đạo địa phương ngại mưa gió, Đại tướng vẫn quyết đi. Đồng chí vào từng nhà, xem hũ gạo, bồ thóc và chỉ thị mở kho xuất gạo ngay. Nguy cơ nạn đói được ngăn chặn, người dân Thanh Hóa ghi sâu ơn Đảng, ơn Bác, ơn Chính phủ. Họ kéo đến xin gặp Đại tướng xem ông là người hay là thánh. Nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam - Lê Quang Đạo có thời gian dài làm việc với Đại tướng nhận xét: Con người anh Thanh là như vậy, là con người của nhân dân lao động… gắn bó với quần chúng, suốt đời vì dân, vì nước.

Bìa sách

Trong cuộc trò chuyện của tôi với những cựu chiến binh một thời chiến đấu ở Bình Trị Thiên, ký ức về Đại tướng trong họ là một con người bình dị và mộc mạc luôn hòa mình với mọi người. Thế nên những lần về cơ sở, mấy ai nhận ra ông là vị tướng lẫy lừng trên mặt trận. Đặc biệt, am hiểu về mặt nông nghiệp khiến những người quanh ông luôn bất ngờ. Được phân công chỉ đạo lĩnh vực nông nghiệp, ông có những chỉ đạo quan trọng, phát động phong trào “gió Đại Phong”, “sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba nhất” sôi động. Đọc những lời tự sự của con gái đầu Đại tướng – bà Thanh Hà mới hiểu vì sao ông lại am hiểu tường tận cuộc sống của người nông dân và luôn hòa mình với quần chúng cần lao: Ông rất thích về nông thôn, chúng tôi thấy ông sảng khoái, thanh thản vô cùng, như con cá được xuống nước vậy. Năm 1961, trong một lần về thăm HTX nông nghiệp Quảng Bình, Đại tướng vào thẳng gia đình hai vợ chồng nông dân, sau khi thăm hỏi đời sống, ông trò chuyện thân mật với gia đình nọ. Trong mắt con gái: Họ nói chuyện y hệt những người nông dân với nhau vậy. Chưa bao giờ tôi thấy ông vui như lần ấy, và tôi nhìn thấy trong tận cùng của ba vẫn là một người nông dân, một anh cố nông được Đảng đổi đời, cũng như vợ chồng anh cố nông kia vậy.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam năm 1967 – Ảnh chụp lại từ tư liệu

Hết lòng hết dạ lo lắng cho nhân dân, tư tưởng vì nhân dân được Đại tướng truyền xuống toàn quân. Với cương vị lãnh đạo, Đại tướng yêu cầu làm cho bộ đội nhận thức rõ: “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Vì vậy mà trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta giúp dân chăm sóc nhà cửa, chữa chạy cho dân khi ốm đau… thực hiện được khẩu hiệu: “Đi dân nhớ, ở dân thương”. “Dân tặng cho bộ đội cái tên trìu mến: “Bộ đội Cụ Hồ” chính là dưới thời kỳ đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm công tác chính trị”, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định. 

Tấm gương học tập đạo đức Hồ Chí Minh

Viện trưởng Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam viết rằng: “Sau Bác Hồ vĩ đại, một trong những người Cộng sản lãnh đạo có đức, có tài, có tâm huyết, khí phách, có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng, đó là đồng chí Nguyễn Chí Thanh”.

Hơn nửa các bài viết về Đại tướng trong quyển sách nói trên đều ngợi ca ông là một người Cộng sản kiên cường mẫu mực, một tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong mắt Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên UV Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Anh là một mẫu mực về: Lời nói đi đôi với việc làm, lý luận liên hệ với thực tiễn, đạo đức đi đôi với tài năng, chính trị và quân sự song toàn. Là người đầu tiên nổ phát súng chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội, ngoài ra, Đại tướng còn viết nhiều bài viết về chống chủ nghĩa cá nhân mà đến nay, sau hơn 40 năm vẫn còn nguyên giá trị. Dù ở đâu, trên cương vị nào, lĩnh vực nào, Đại tướng luôn là người cán bộ cách mạng gương mẫu, suốt đời nêu cao đạo đức cách mạng cao cả của Bác Hồ: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với lời dạy của Bác Hồ về đạo làm tướng (Nguyễn Huy Toàn), Vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trần Bích Thủy), Một người học được rất nhiều lời dạy của Bác Hồ (Lê Quang Đạo)…

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhận xét: Còn gì đáng được trân trọng và ngưỡng mộ hơn, một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng đã nêu gương sáng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta về tầm nhìn chiến lược, tính tổng kết và chỉ đạo sắc sảo về ý chí cách mạng tiến công triệt để và thái độ rất mực khiêm tốn trong công tác của người Đảng viên Cộng sản, của anh bộ đội Cụ Hồ. Trong lúc Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang được phát động sâu rộng trong cả nước, tấm gương của Đại tướng trở thành bài học vô giá, đem lại niềm tin và sức mạnh cho chúng ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ những giá trị chân chính của chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là suy nghĩ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: …nhớ tiếc và học tập anh Thanh, trước hết là học tập tinh thần cách mạng kiên cường, đạo đức trong sáng, một lòng một dạ vì nước vì dân, sống cần kiệm giản dị, chống quan liêu tham nhũng, tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

L.Tuệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top