ClockThứ Năm, 30/07/2015 15:44

Người đàn bà sống chết với rừng

TTH - Dáng người nhỏ nhắn, có vẻ khắc khổ, vậy mà một tay bà khai hoang trồng đến 30ha rừng. Bây giờ, bà xem đất trồng rừng như sinh mạng, chết cũng không bán. Bà là Nguyễn Thị Do, 64 tuổi, thôn 2, xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy.

Bà Do trồng rừng vượt lên nghèo khó

 
“Bòn” cây giống… thành rừng
“Thực hiện dự án WB3 cho vay vốn để trồng rừng, chúng tôi tạo điều cho bà con vay vốn trồng rừng và các dịch vụ khác từ rừng. Hiện ở xã Phú Sơn, tổng diện tích rừng sản xuất của hộ gia đình, cá nhân trên 2.385 ha; gần 100% người dân làm kinh tế rừng. Toàn xã có khoảng 50-60 hộ trồng rừng có thu nhập trên 100 triệu/năm. Hộ bà Do là một trong hai hộ có diện tích đất rừng lớn nhất xã. Nhờ trồng rừng gia đình bà thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây được nhà khang trang, sắm 2 chiếc xe tải để để mở các dịch vụ khác từ rừng”, ông Đỗ Viết Tùng, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn chia sẻ.
Có lẽ, những ai đã từng đi kinh tế mới ở vùng gò đồi xã Phú Sơn sau ngày giải phóng đều cùng chung cảm nhận, đó là những ngày tháng gian khó với những vùng đồi chằng chịt cỏ dại và đất đai đầy rẫy bom đạn còn sót lại sau chiến tranh.
Đi kinh tế mới với hai bàn tay trắng, gia đình bà Do vì thế càng cơ cực hơn. Vùng gò đồi thời tiết khắc nghiệt, hạn hán triền miên, đất đai không thể trồng được cây gì ngoài khoai nhưng lại không có củ. Đến bữa ăn, gia đình bà phải ăn cháo rau qua ngày. “Thời đi kinh tế mới nghĩ lại mà chảy nước mắt. Những quả đồi toàn “cỏ què”. Bữa ăn cũng không có chén, vợ chồng đành đi lượm những cái lon về làm chén. Trước khi lên đây, tui đinh ninh phải trồng rừng mới sống được. Nhưng gạo không có, ăn toàn cháo rau thì sức mô mà khai hoang, rứa là chồng dẫn 4 đứa con đi đến Mỏ Tàu để trồng lúa đặng có cái ăn. Chỗ trồng lúa cũng gần với chỗ ở nên đôi ba bữa tui lại đến cùng chồng phụ giúp đồng áng. Một thời gian sau có cơm ăn, rồi cả nhà trở lại đây, bắt đầu nghĩ đến chuyện khai hoang”, bà Do chia sẻ.
Bà Do đến với rừng chẳng hề suôn sẻ, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn thì ước mơ có được những cây giống để trồng rừng càng “xa xỉ”. Trong cái thế bí ấy, bà Do nghĩ cách tạo ra cây giống chẳng giống ai. Bà đi khắp nơi gom những cây giống sâu bệnh, què quặt của các chủ rừng vứt bỏ, tập hợp lại thành một bãi giống “què” rồi cất công chăm sóc tạo ra những cây giống khỏe mạnh. “Chồng sức khỏe yếu nên đi làm bảo vệ cho các chủ rừng để kiếm sống. Chuyện khai hoang một tay tui cáng đáng. Tui khai hoang trên đồi Đá Cựa được 11ha nhưng không có cây giống để trồng. Nhờ giống cây thải loại, 11ha đất trống được phủ một màu xanh bạc hà”.
Sống chết với rừng
Trò chuyện với bà đến trưa, chúng tôi nhã ý nhờ bà dẫn đến rừng để “mục sở thị”. Chẳng ngần ngại, bà lấy dụng cụ làm rừng, mặc trang phục chống nắng dẫn chúng tôi đi. Trên đoạn đường chừng hơn 1km, bà nhắc đi nhắc lại: “Rừng chừ là máu thịt của tui rồi. Cho dù sau ni răng đi nữa, có đói rách đến mấy cũng nhất quyết không bán đất rừng cho người khác. Những thứ chi mình gian khổ có được là quý lắm!”.
Bà Do bảo, lúc trước trồng rừng gian truân lắm, những ai đi kinh tế mới, thấy trồng rừng cực khổ nên không chọn. Họ thường làm nghề than (đốt củi lấy than bán). Lúc bà trồng rừng có nhiều người dè bỉu rằng, trồng rừng có ra cơm ăn được không, những lúc mưa gió, cây rừng đổ ngã thì coi như mất trắng, trồng xong cũng không biết bán cho ai. Ấy thế mà, bà bỏ qua mọi lời dèm pha, nhất quyết khai hoang làm kinh tế từ rừng. “Khi nghe những lời không ủng hộ tui trồng rừng của bà con lối xóm, lúc đó tui chỉ nghĩ nếu trồng rừng xong không có ai mua, tui đốn, chẻ củi đi bán cũng có cơm ăn. Chứ đi đốt than mãi cây sẽ hết, không trồng cây lấy mô ra than. Có những người đi khắp nơi để làm than, mót bom đạn sau thời chiến rất nguy hiểm đến tính mạng, còn tui khai hoang trồng rừng, trời thương cả nhà tui đều an toàn”, bà Do kể.
Hiện nay, trong tay bà Do có 30 ha rừng keo. Bà không chỉ trồng rừng mà tạo ra một quy trình khép kín, vừa trồng vừa sắm 2 chiếc xe tải để thu mua cây rừng, tạo công ăn việc làm cho con cái. Tiền mua xe cũng dành dụm từ rừng. Bà Do nói: “Trồng rừng nếu vì lợi ích trước mắt sẽ không bền, phải nghĩ đến cái lợi dài lâu. Lúc đầu chỉ trồng bạc hà. Sau mấy năm thu hoạch thấy hiệu quả không cao, chỉ bán bạc hà để làm trụ chống các công trình xây dựng, chứ chẳng có tư thương mô mua hết. Số diện tích bạc hà hồi đó chỉ bán được chừng 10 triệu thôi. Sau ni, được sự hỗ trợ của Nhà nước, tui tiếp tục khai hoang và chuyển sang trồng keo bằng giống hạt. Trồng cỡ 7-8 năm thì keo cho thu hoạch, mỗi ha keo thu về được chừng 40 triệu. Thấy trồng keo bằng giống hạt chất lượng gỗ không cao, tui chuyển sang trông keo hom. Mỗi năm, chỉ thu hoạch vài ha rồi trồng “gối đầu”. Giá cả tùy theo thị trường, nhưng trồng keo hom hiệu quả hơn keo hạt. Mỗi ha keo hom trồng 6-7 năm thu về được trên dưới 100 triệu đồng, trừ chi phí phân tro, công cán, lãi chừng 40-50 triệu đồng. Hai chiếc xe tải để các con đi thu mua cây kiếm thêm thu nhập cũng kha khá”.
Ở vùng gò đồi xã Phú Sơn, tìm người trồng rừng rất dễ, nhưng tìm người phụ nữ đam mê rừng như bà Do quả thật hiếm. Mấy chục năm trồng rừng, bà Do nhận đủ cay đắng, ngọt bùi. Khi chia tay chúng tôi, bà tâm sự: “Mỗi cây rừng là một giọt mồ hôi đổ xuống. Sống chết với rừng đến mấy chục năm, có những người khó khăn kinh tế đành bán đất rừng với giá 1 triệu đồng/ha. Mấy năm trước có người đến hỏi mua đất rừng của tui với giá 5 triệu đồng/ha nhưng tui nhất quyết không bán. Sau ni già yếu, tui sẽ chia cho mỗi đứa vài ha rừng để phát triển kinh tế. Còn rừng là còn cơm để ăn”.

Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Hương Trà, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ tổ chức trực bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tại đỉnh núi Hòn Vượn từ ngày 26/4 - 1/5.

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ
Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Return to top