ClockThứ Sáu, 09/10/2015 16:12

Nhiều mô hình và cách làm

TTH - Với những nỗ lực trong việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), số vụ bạo lực trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm.

Hội thi gia đình hạnh phúc – một trong những hoạt động góp phần tuyên truyền về PCBLGĐ, xây dựng gia đình yên vui

Điểm sáng Hồng Vân

Còn nhớ cách đây 5 năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới là một trong những điểm nóng về bạo lực gia đình của tỉnh. Là xã biên giới, kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hồng Vân còn nhiều thiếu thốn, với hơn 50% hộ thuộc diện nghèo. Cái nghèo nảy sinh mâu thuẫn, cộng thêm nạn nghiện rượu, cờ bạc khiến khoảng 10% số hộ ở Hồng Vân thường xảy ra bạo lực gia đình, chủ yếu là bạo lực thân thể và bạo lực tinh thần đối với phụ nữ và trẻ em. Trước thực trạng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn Hồng Vân làm mô hình thí điểm can thiệp PCBLGĐ nhằm ổn định và nâng cao đời sống cho bà con. Khoảng cách về địa lý và những khó khăn trong giao tiếp với đồng bào Pacô không làm nản lòng những trái tim nhiệt huyết luôn hướng về đồng bào vùng sâu, vùng xa của cán bộ miền xuôi.
Trở lại Hồng Vân sau 3 năm triển khai mô hình, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước những đổi thay rõ rệt trong đời sống xã hội của địa bàn miền núi này. Mô hình thí điểm can thiệp PCBLGĐ đạt được kết quả trên mong đợi. Từ 95 hộ gia đình có bạo lực vào cuối năm 2008 đã giảm còn 26 hộ. Ông Hồ Văn Rao, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân chia sẻ: “Trước đây, tình trạng BLGĐ ở đây xảy ra khá nhiều, do tư tưởng lạc hậu, trọng nam khinh nữ, bia rượu và cái nghèo gây ra. Chúng tôi đã thành lập các CLB tuyên truyền, nhờ những người có uy tín trong làng khuyên răn cũng như đưa ra những chế tài xử phạt trong hương ước của làng. Nhờ vậy, BLGĐ đã giảm rõ rệt”.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thành lập Ban chỉ đạo Mô hình PCBLGĐ huyện A Lưới và xã Hồng Vân; thành lập nhóm PCBLGĐ, các CLB gia đình phát triển bền vững ở 5 thôn: Kêr, A Năm, A Hố, Ta Lo, Ka Cú 1 và Ka Cú 2. Nhóm này được huy động từ nhiều tổ chức đoàn thể đã kịp thời phát hiện, can thiệp, hòa giải các vụ việc BLGĐ trong thôn. Bà Hồ Thị Phê, Bí thư chi bộ thôn A Năm, Chủ nhiệm CLB Gia đình phát triển bền vững thôn cho biết: “Hàng tháng, mình đều tổ chức sinh hoạt cộng đồng phổ biến kiến thức cho bà con về BLGĐ, những điều vi phạm và biện pháp xử phạt, tuyên truyền về xây dựng gia đình văn hóa… Từ đó, tác động đến nhận thức của bà con và họ thay đổi hành vi”.
Mưa dầm thấm lâu, bà con dân bản đã hiểu BLGĐ là điều xấu, cần phải loại bỏ. Ông Hồ Thương Vân, một già làng ở Hồng Vân, nói: “BLGĐ trước đây nhiều lắm, ngày nào cũng có nhà đánh chửi nhau nhưng chừ đỡ hẳn rồi. Giờ đây, già đã biết BLGĐ có mấy loại: bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác và bạo lực kinh tế. Đây là những điều không hay, không đẹp nên phải vứt bỏ. Trong gia đình, già cũng khuyên dạy con cháu nên sống theo đời sống văn hóa, thương yêu, tôn trọng nhau, không có BLGĐ”.
Cần sự chung tay
Những năm trước đây, tác động của đời sống xã hội khiến tình trạng BLGĐ có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, bạo lực ở nông thôn cao hơn thành thị, tập trung nhiều nhất là bạo lực về thân thể. Nạn nhân chủ yếu là nữ ở trong độ tuổi từ 16 đến 59 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn BLGĐ, như: đói nghèo, nghiện rượu, cờ bạc, mâu thuẫn… Tuy nhiên, bất bình đẳng giới là gốc rễ của BLGĐ.
Bà Lê Thùy Chi, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thành công bước đầu ở một địa bàn vô cùng khó khăn và phức tạp như Hồng Vân đã tạo nền tảng cho việc nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo hướng dẫn triển khai mô hình ra 9 huyện, thị xã, thành phố, kết hợp lồng ghép với các hoạt động của phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 113 nhóm PCBLGĐ đi vào hoạt động và 288 CLB gia đình phát triển bền vững gắn với các tổ hòa giải, CLB gia đình văn hóa ở cơ sở. Không chỉ kịp thời phát hiện, can thiệp, tư vấn, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp khi xảy ra bạo lực trên địa bàn, các nhóm, CLB này còn tổ chức xây dựng các phong trào, hoạt động văn hóa phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương, tuyên truyền chủ trương, chính sách về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới và công tác chăm sóc trẻ em, người cao tuổi…
Ngoài việc thiết lập đường dây nóng, còn có khoảng 400 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, góp phần tiếp nhận, giúp đỡ hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực và thông báo cho chính quyền địa phương biết để kịp thời giải quyết. Ngoài ra, các biện pháp như giáo dục, xử phạt hành chính, góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người gây ra bạo lực cũng là cách xử lý có hiệu quả. Năm 2014, có 176 người đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; 83 người bị áp dụng các biện pháp giáo dục khác... Thông qua những hoạt động này, số hộ có BLGĐ giảm dần qua hàng năm, từ 425 vụ năm 2010, đến nay còn 346 vụ được phát hiện và thống kê từ các thôn, tổ dân phố. Tỷ lệ gia đình văn hóa của tỉnh luôn đạt trên 90%.
Cũng theo bà Lê Thuỳ Chi, kế hoạch PCBLGĐ của tỉnh đến năm 2015 về cơ bản đã đạt được những mục tiêu đề ra, đó là, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo các cấp, các ngành, của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Thiết lập và vận hành cơ chế PCBLGĐ; trợ giúp nạn nhân BLGĐ và người thực hiện hành vi BLGĐ có hiệu quả.
Nhằm thực hiện tốt công tác PCBLGĐ trong giai đoạn tiếp theo, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Sở đã xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình và PCBLGĐ, tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức cho người dân qua các kênh tuyên truyền. Lấy phòng ngừa là chính, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân BLGĐ. Phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân BLGĐ và người có nguy cơ cao gây BLGĐ chưa có việc làm. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về PCBLGĐ còn chưa cao. Do đó, công tác PCBLGĐ cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sự vào cuộc của toàn xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu chung là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”.
Bài, ảnh: Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng hành cùng con mùa dịch

Đạp xe đạp, leo núi, trượt patin, ngắm cảnh, cắm trại ngoài trời… đó là cách mà nhiều phụ huynh đang đồng hành với con mình trong những ngày hè. Một mùa hè đúng nghĩa sẽ khó trọn vẹn trong tình hình dịch bệnh nhưng phụ huynh vẫn đang làm hết sức có thể để con cái cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm sau một năm học dài.

Đồng hành cùng con mùa dịch
Vợ chồng làng biển

Bờ biển miền Trung nắng gió là nơi gắn bó mưu sinh của rất nhiều ngư dân. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đây đã có nhiều thay đổi bởi những người trẻ ở những làng quê ven biển không còn chọn nghề biển để lập nghiệp nữa.

Vợ chồng làng biển
Gió cháy

Lúc ấy đã quá trưa. Không gian dường như có màu vàng chanh. Trời cao và gắt nắng. Những chuyến xe có vẻ như cũng cố tăng tốc trên mặt đường bỏng rát. Có vẻ như tất cả đều cố dướn mình để vượt qua khoảng thời gian nhọc nhằn của một ngày cuối tháng 6. Không ai có thể uể oải và đó cũng là một cách để vượt qua nắng lũ!

Gió cháy
Phú Vang: Các gia đình hạnh phúc tranh tài

Ngày 27/6, Hội LHPN phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Vang tổ chức Hội thi “Gia đình hạnh phúc”. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 18 năm ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Phú Vang Các gia đình hạnh phúc tranh tài
Thương...

Xế chiều, vợ chồng tôi ghé thăm nhà ông. Đường ven sông vắng. Nắng đến nỗi đứng luôn cả gió. Huế đang trong những ngày nóng nhất. Chừng như mọi thứ đều khô kháp đi.

Thương
Return to top