ClockThứ Sáu, 11/09/2015 15:12

Nhiều tiềm năng du lịch sinh thái

TTH - Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (KBTTNPĐ) có vẻ đẹp kỳ thú, đa dạng, gắn với nét văn hóa bản địa độc đáo, đặc sắc. Nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức thì KBTTNPĐ sẽ là điểm đến hấp dẫn, đầy hứa hẹn, tạo nên điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển kinh tế du lịch của huyện Phong Điền.

Tiềm năng lớn

KBTTNPĐ nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn thuộc huyện Phong Điền và một phần thuộc huyện A Lưới. Theo các nhà khoa học, KBTTNPĐ là 1 trong 223 vùng sinh thái đa dạng sinh học cao trên thế giới, được Tổ chức chim quốc tế đánh giá là 1 trong 3 vùng chim quan trọng của địa cầu. Các nhà khoa học nhận định, KBTTNPĐ có sự đa dạng tương đương với Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và Ngọc Linh (Kon Tum)... 

Sinh viên du lịch Huế tham quan khảo cứu tại KBTTNPĐ

Khu BTTNPĐ còn là nơi hình thành nhiều cảnh quan kỳ thú, hấp dẫn, điển hình như: Đỉnh Coc Ton Bhai cao 1.408m, Ca Cút 1.405m, Ko Va La Dut 1.409m, Coc Muen 1.298m, Co Pung 1.615m...và các thác nước đẹp, như: A Don, A Nô, đập Quao, Khe Me tạo nhiều cảm giác cho những du khách ưa trải nghiệm, khám phá.

Quanh khu bảo tồn có 6 nhóm đồng bào sinh sống là: Kinh, Kà Tu, Vân Kiều, Pa Hy, Tà Ôi, Pa Kô. Mỗi dân tộc đều có văn hóa đặc thù từ trang phục, ẩm thực, âm nhạc, các phong tục tín ngưỡng, các lễ hội dân gian, hợp thành bản sắc văn hóa độc đáo trong vùng. Đến đây du khách có thể thưởng thức hương vị ẩm thực đặc trưng như thịt trâu xông khói với rượu cần và rượu đoác, xôi nếp với gà nướng trong ống lồ ô của đồng bào vùng núi; nghe cồng chiêng, xem điệu múa cha chấp truyền thống, dệt zèng thổ cẩm; được nghe những câu chuyện hấp dẫn gắn với từng điểm du lịch kỳ vĩ như Khe Me, thác A No; tham quan, tìm hiểu về chiến khu cách mạng Hòa Mỹ, tham quan thác, suối, ao hồ trên núi, các rừng cao su xanh tươi, những vườn cây ăn quả tại các xã vùng đệm; ghé thăm nghỉ dưỡng và ngâm mình thỏa thích tại khu tắm nước nóng Thanh Tân (Phong Sơn).

Ban quản lý khu BTTNPĐ triển khai dự án khu du lịch cộng đồng thác A Don, xã Phong Mỹ - Phong Điền

Giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững

Những kết quả điều tra, khảo sát thực tiễn cho thấy, việc đầu tư nhằm bảo tồn và khai thác KBTTNPĐ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nó và đang bộc lộ những bất cập, khó khăn, hạn chế. Những mô hình đầu tư thời gian qua hầu hết chỉ thực hiện được 1 giai đoạn nhất định, sau đó bị bỏ ngỏ. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn quá nghèo nàn, manh mún, kém hiệu quả. Nguyên nhân chính là do thiếu hụt nguồn kinh phí thực hiện; chưa có sự kết hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, Ban quản lý khu bảo tồn với các công ty du lịch và các chủ đầu tư dự án. Bên cạnh đó, người dân địa phương chưa quen làm du lịch, chưa có tư duy, kinh nghiệm. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa thu hút được du khách đến tham quan, mua sắm nên lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại không đáng kể. Thậm chí hiện nay một số hoạt động ở đây còn đi ngược lại tiêu chí về bảo tồn thiên nhiên, gây nguy cơ đe dọa lên sự tồn tại đa dạng sinh học của khu bảo tồn.

Trong những năm qua Ban quản lý khu bảo tồn cũng như các cấp, các ngành có liên quan đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác trái phép. Song, theo báo cáo từ Ban quản lý KBTTNPĐ, thì hiện nay diện tích rừng của khu bảo tồn vẫn còn bị khai thác trái phép từ phía cộng đồng vùng đệm. Còn có sự móc nối giữa người dân trong và ngoài địa phương để khai thác, săn, bắt, buôn bán, vận chuyển động, thực vật trái phép... Nhiều loài gỗ và động vật quý hiếm như trầm hương, đỗ trọng tía, sến mật, cẩm lai, sưa; hổ, gấu, sao la, gà lôi v..v... đang đứng trước sự đe dọa nghiêm trọng và có nguy cơ bị tuyệt chủng. 

Vì vậy, để KBTTNPĐ được bảo tồn, phát triển và khai thác bền vững, hiệu quả thì việc làm trước mắt là cần bổ sung, hoàn thiện đề án tổng thể và chi tiết về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học gắn với khai thác và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghiên cứu đầu tư từng công đoạn đảm bảo tính khả thi; thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở, các công trình dịch vụ về khai thác du lịch, gắn với bảo tồn sinh thái tại đây. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nhân dân bản địa, tạo ra nhiều loại sản phẩm du lịch đặc thù, đảm bảo việc làm, thu nhập từ du lịch cho chính người dân. Tăng cường xúc tiến tuyên truyền, quảng bá du lịch, gắn kết chặt chẽ với các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour, tuyến đưa đón khách tham quan về với khu bảo tồn. Mặt khác, các công ty du lịch, nhà đầu tư cùng xây dựng chính sách, giải pháp khai thác, hỗ trợ, gắn kết cộng đồng trách nhiệm để bảo tồn và khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái bền vững tại KBTTNPĐ...

Bài và ảnh: Mai Trí - Lê Hoài
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Hương Trà, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ tổ chức trực bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tại đỉnh núi Hòn Vượn từ ngày 26/4 - 1/5.

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ
Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top