ClockThứ Năm, 06/09/2012 06:54

Nhớ nưa tháng chín

TTH - Trong vô số các thứ đặc sản địa phương, cây nưa là cây “độc quyền” của vùng Bắc miền Trung, đặc biệt là dọc sông Bồ - Thừa Thiên Huế. Tháng chín thường là bắt đầu mùa mưa ở Huế, người nông dân thu hoạch nưa, và cũng từ đó, bao câu chuyện quanh cái chột nưa bắt đầu rôm rả. Nưa là một thứ cây lạ, vừa ngon vừa ngứa mà lại cực kỳ dân dã, như thể nó biết chân giá trị nên đỏng đảnh mà ngủng ngẳng chơi như ca dao đó chăng?

Thủ phủ của cây nưa ở Huế chính là vùng quê Quảng Thọ (Quảng Điền), nưa mọc xanh um ven sông Bồ, dọc các làng La Vân, Tân Xuân Lai, Phò Nam, Niêm Phò...

Cuối hạ, sang mùa lũ là đến kỳ nhổ nưa. Thân (chột) có thể ăn tươi bằng cách kho nhưng thường được làm dưa vì thứ nhất là ăn tươi mấy cũng ớn, thứ hai là làm dưa để còn tích trữ qua mùa lụt lội. Dưa nưa đặc biệt ngon, thơm mùi đất đai cây cỏ và giòn chứ không mềm xèo như môn.

Nhà thơ Tố Hữu chỉ nhắc đến chột nưa một lần trong đời làm thơ thôi mà bao nhiêu người phải nhớ: “Ăn đi vài con cá, dăm bảy cái chột nưa, có ai biết ai ngờ, chết làm chi cho khổ” (Con cá chột nưa). Hẳn khi làm những câu thơ này, nhà thơ nhớ đến cánh đồng nưa xanh Niêm Phò bên dòng sông Bồ, xanh ngăn ngắt kéo dài từ đầu làng đến cuối xóm. Thực tế thì chột nưa có nhiều món ngon. Thường nưa tươi được thu hoạch khi bắt đầu mùa lụt, sẵn cá nguồn theo nước lũ đổ về đầy sông, bây giờ cá nưng nức trứng, nấu cách gì cũng ngon. Dưa tươi nấu canh với cá trê đồng hay cá lóc bông, cho thêm tí ruốc và ớt bột nữa, thì phải nói dậy mùi rất riêng trong bàn tiệc. Nưa tươi nấu với cá nước lụt, kể cả cá vụn như cá cấn, cá mại, cá hỏn, cá bống, cá sơn... dù bất kể kho hay nấu canh, tất tật đều bảo đảm ai ăn một lần rồi thì cứ đến mùa nước lũ lại ngơm ngớp ngóng về quê...

*

Nhưng chuyện tuế toái nhất lại là cái ngứa đành hanh của củ nưa. Củ nưa xấu xí xù xì, màu vỏ nâu đen, có củ to nặng cả ký lô. Vì nó ngứa mà ngon, mà vì cả ngày xưa nghèo không có cái ăn, nên dù ngứa cũng tìm cách mà ăn. Vậy là suốt hàng trăm năm, người nhà nông trong các kinh nghiệm để đời có một kinh nghiệm nấu nưa không ngứa. Thứ nhất phải nhớ là chờ khi nước thật sôi mới thả củ nưa vào, thứ hai là nếu vẫn còn ngứa, thì thả vào nồi vài cục than còn đỏ rực. Vì cái kinh nghiệm “than” này, nên nhiều khi bát cháo nưa múc ra bát rồi vẫn còn tòng teng mấy cọng than đen thui thủi. Nhưng cháo nấu bằng củ nưa với tép thì phải nói là “trên cả tuyệt vời”. Cháo nưa ăn giờ nào cũng ngon, ngon nhất là đêm khuya lạnh, ngồi ăn cháo nưa bên ngọn đèn dầu leo lét, phía trong góc nhà bếp có mấy con gà ngủ mớ kêu cút rút co ro...

Nghe nói hồi bão lụt năm Thìn, cây nưa cứu đói cho cả vùng dọc hạ lưu sông Bồ. Rồi cả những năm sau này khi đất nước khó khăn, nưa lại đồng hành với con người trong cuộc sinh tồn nhọc nhằn đầy toan lo vất vả. Người lớn tuổi xa quê nhiều người vẫn còn nhớ đến quặn lòng quãng đời đã đi qua với những chiều mưa buồn xứ Huế, cả nhà quây quần bên rổ nưa, nhớ đến rớt nước mắt như thể cái ngứa đang đành hanh trên lưỡi hôm nảo hôm nào...

Thanh Ngọc

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top