ClockThứ Sáu, 26/04/2013 14:23

Nhớ thời làm báo

TTH - Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, tôi từng làm báo ở Huế. Sau Tổng khởi nghĩa thành công, chúng tôi cùng với anh Lê Chưởng ra tờ Quyết Thắng – cơ quan của Việt Minh khu vực Trung Bộ, do anh Lưu Quý Kỳ làm chủ bút. Được ít bữa thì anh Lê Chưởng chuyển đi, tôi cũng nhảy qua chỗ làm báo của tỉnh Thừa Thiên. Chúng tôi cùng anh Lưu Quý Kỳ, Chế Lan Viên bàn nhau ra tờ báo Xã Hội Mới, do anh Nguyễn Chí Thanh làm cố vấn. Tôi làm chủ bút. Khoảng gần một năm thì đổi sang tạp chí, với cái tên đầy hứa hẹn Tạp chí Ánh Sáng.

Nguyên do bấy giờ, tờ Xã Hội Mới nói rặc chuyện cộng sản. Đến bài cuối cùng nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, anh Nguyễn Chí Thanh giao cho anh Hải Thanh viết bài ngợi ca lãnh tụ Lê Nin và giai cấp vô sản Nga. Khi đó gót giày xâm lược của bọn Tàu Tưởng Giới Thạch đã dội vang khắp phố phường Cố đô Huế. Bọn Quốc dân đảng ráo riết lùng sục tìm cách khủng bố các tổ chức cách mạng và những người cảm tình với cộng sản. Chúng tôi nhận ý kiến chỉ đạo của anh Nguyễn Duy Trinh, đề nghị anh Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công an Trung Bộ “cấm” tờ Xã Hội Mới để tránh tổn thất về cán bộ, gây phiền toái cho các cơ sở hoạt động, nên ra lệnh tịch thu hết số báo mới phát hành. Hồi đó, anh Trịnh Xuân An làm công an ở Huế. Một buổi, anh sang chỗ chúng tôi nói: “Ông Ngọc ra quyết định thu hồi, chừ mần răng?”. Hôm sau, anh Trần Thanh Chữ phụ trách nội vụ của tỉnh, anh Hoàng Anh làm Chủ tịch, kéo sang tòa soạn, bảo rằng đã có lệnh, vậy phải tìm cách thu gom mấy tờ Xã Hội Mới rồi cho người đem vô nội thành, đem về nông thôn, xuống các huyện phát – khi mô phát hết thì tuyên bố đình bản, tìm cách khác.

Do vậy, anh Nguyễn Chí Thanh quyết định đổi tờ Xã Hội Mới thành tờ Tạp chí Ánh Sáng – cơ quan của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác (tên công khai của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ) ở Trung Bộ. Anh Thanh là người lo chu cấp tiền bạc để báo ra. Lúc đầu anh Lưu Quý Kỳ kiêm chủ bút, sau vì lý do công tác, tôi thay anh làm chủ bút tờ Ánh Sáng. Hồi đó, tờ Ánh Sáng có hẳn một nhà in riêng cũng lấy tên Ánh Sáng. Nhà in này tôi bỏ ra gần 6 lượng vàng, chạy ra Hà Nội nhờ tổ chức của Trung ương giúp đỡ, mua máy móc. Cũng có cái họ mua dùm, có cái họ cho rồi thuê xe chở vô Huế lắp đặt in ấn. Đến gần ngày vỡ mặt trận, anh Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Sắp đánh nhau rồi. Cô Lan nên đem tất cả máy móc nhà in phân tán hoặc cho hết”. Theo lệnh anh Thanh, tôi chia các bộ phận máy móc cho Quảng Trị một ít, số cho Quảng Nam, còn lại cho chuyển ra khu Bốn. Vậy là tờ Ánh Sáng lại đóng cửa.
 
Trong gần hai năm trước và sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám đến ngày Huế vỡ mặt trận, tôi làm chủ bút ba tờ báo cách mạng – nhưng cái số của tôi đen đủi thế nào ấy mà cả ba tờ đều chết yểu; hồi đó làm báo ở Huế khó lắm. Bây giờ có dịp vô thành phố Hồ Chí Minh, ghé Thư viện cạnh vườn hoa Tao Đàn tìm thấy tờ Ánh Sáng còn cả chục số.
 
Đến khi ra chiến khu ở Nghệ An, bác Hồ Tùng Mậu lúc đó làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Bốn, cử tôi làm Giám đốc Ban Báo chí ấn loát. Bữa đó, bác Mậu kêu tôi lên hỏi: “Cháu có quen Nguyễn Tiến Lãng rể Phạm Quỳnh (Con ve sầu) không”. Tôi thưa: “Khi ở Huế ông này hay về nhà cháu chơi, ông nói chuyện văn chương với cha cháu (tức cụ Nguyễn Khoa Vy). Ông ấy là nhà văn, cha cháu là nhà thơ nên hai người chơi thân với nhau”. Nghe vậy, bác Mậu bảo: “Bây giờ bác ưng tha thằng cha nớ, chớ hắn có làm chi mô mà bắt bỏ tù chi, nhưng mà không có ai bảo lãnh. Chừ thế này, cháu viết cái đơn, nhân danh trưởng Ban Báo chí ấn loát của khu, đề nghị xin bảo lãnh Nguyễn Tiến Lãng về trong Ban Biên tập của cháu, được không?”. Tôi vui vẻ nhận lời: “Dạ được quá. Bác biểu thì cháu viết chứ có chuyện chi”. Tôi viết, bác Mậu ký: “Chủ tịch UBKC khu Bốn - Hồ Tùng Mậu”. Tôi mới vô trong nhà giam, tôi nói với anh phụ trách, tôi có cái giấy của ông Chủ tịch Khu để mà lãnh ông Nguyễn Tiến Lãng về. Ôi chao nó khóc như mưa như gió. Tôi vô nói với anh ta: “Anh có nhớ tôi không? Hồi ở Huế anh hay về nhà chơi với cha tôi”. Anh ta nói: “Dạ biết chớ. Nghe nói chị viết giấy bảo lãnh tôi phải không?”. Tôi nói: “phải mà không phải”. Tôi nghĩ anh cũng không làm chi. Mà làm báo thì anh là một người rất giỏi nên đưa anh về ở với tụi tôi vui hơn ở nhà lao. Úi chao ôi nó khóc. Nó kêu: “Chị Lan ơi, tôi có chết cũng không quên cái ơn của chị”. Thế là tôi đưa Lãng về Ban Báo chí ấn loát – vì Nguyễn Tiến Lãng rất giỏi văn chương báo chí, lại hiền lành, nhát gan, nhưng tiếng Pháp thì tuyệt. Anh ta dịch từ Pháp qua Việt rồi dịch ngược lại đều hay cả. Anh dịch cuốn “Chủ nghĩa cộng sản với việc phục hưng văn hóa Pháp” hay ghê. Có lẽ (theo tôi), Nguyễn Tiến Lãng là một trong số rất ít người Việt Nam dịch Pháp ngữ giỏi nhất nước ta thời bấy giờ...
 
Ở khu bốn một thời gian, tôi được Báo Cứu Quốc – cơ quan của Tổng bộ Việt Minh – Chi cục khu bốn cử làm đặc phái viên vào Nam công tác. Lại làm báo. Nhưng lần này tôi chỉ làm phóng viên của tờ Kháng chiến khu Năm. Mấy tháng sau đó lại có lệnh điều tôi sang nước bạn Lào. Tôi được cử làm Trưởng ban Phụ vận Hạ Lào. Tưởng thoát nghề báo, ai dè cuối năm 1948, lại có lệnh điều tôi về làm báo. Tôi được cử làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Neo Lào Hắc Xạc (Mặt trận kháng chiến Lào), đến năm 1955, hoàn thành nhiệm vụ tôi mới trở về nước. Quanh đi quẩn lại rồi cũng về làm báo, chạy miết cũng không thoát khỏi nghề báo chí.
 
Cũng nhờ nhiều năm làm báo, nên từ Lào về nước, năm 1956 tôi được tổ chức bố trí công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Tôi có điều kiện được gặp, làm việc, theo Bác đi viết tin bài và viết bài về Bác Hồ…
 
Những lần có việc, tôi được lên gặp Bác, khi nào cũng thấy Bác nhẹ nhàng, dễ gần. Thường trong câu chuyện, Bác nói toàn những điều đơn giản dễ hiểu về công việc về cuộc sống, nhưng những điều đó lại nói lên con người Bác, nhân cách của Bác.
 
Mấy năm ấy ở Hà Nội, người ta mở ra các phong trào kết nghĩa các tỉnh, thành phố hai miền Nam, Bắc. Hà Nội với Sài Gòn, Hải Phòng với Đà Nẵng… khi công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam thì không thấy Huế mô cả. Tôi chạy lên hỏi anh Phan Triêm, Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng, phụ trách các vấn đề miền Nam. “Anh ơi, chớ anh bỏ Huế của em đi mô?”. Anh Phan Triêm bảo: “Huế ở trong Bình Trị Thiên ấy”. Tôi nói: “Đâu có được. Huế là một Cố đô, không những ở trong nước biết, mà thế giới cũng đều biết. Không bỏ trong Bình Trị Thiên được, không đúng anh ơi”. Thế rồi hai anh em ngồi thảo luận với nhau, anh Phan Triêm nói: “Cô trình bày cũng có lý, nhưng Ban Bí thư đã thông qua rồi, nói lên trên Đài rồi. Bây giờ mà sửa lại thì mệt lắm”. Nghĩ một lúc, anh Phan Triêm xuống giọng: “Giờ anh gà cho cô một kế. Cô lên níu áo anh Lê Đức Thọ thì may ra giải quyết được”. Tôi mừng rơn, liền mượn máy điện thoại phòng làm việc của anh Phan Triêm gọi cho anh Sáu Thọ. Tôi nói: “Em có một việc quan trọng, anh cho em gặp anh chừng 5 phút”. Anh Sáu Thọ nhận lời và bảo: “Cô lên ngay. Anh bận lắm. Cô là hay lộn xộn nghe”. Tôi lên trình bày lý do. Anh Thọ cũng đồng tình nhưng lại bảo: “Cô nói có lý, nhưng bây giờ công bố rồi”. Tôi liều luôn: “Công bố rồi, giờ mình công bố sửa lại có gì đâu anh. Mình sai mình sửa. Ruộng đất sai mình sửa. Anh đồng ý sửa là được”. Anh Sáu Thọ hỏi lại tôi: “Thế tôi không đồng ý thì cô lại chạy đến đâu nữa, lên Bác phải không?”.
 
Tôi cười: “Dạ đâu có. Tại anh Phan Triêm nói rằng anh Sáu Thọ đồng ý là được thôi. Cho nên em chép sẵn một câu, anh đồng ý thì chiều nay trên đài nói liền”. Anh Thọ hỏi: “Câu gì?”. “Dạ thưa anh: “Hà Nội - Huế - Sài Gòn, là cây một gốc, là con một nhà”. Thế là chiều ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi. Hôm sau, tôi lên gặp Bác. Bác cười, rồi nói: “Cô quỷ ni tài thiệt. Dám xông lên chú Thọ xin sửa bản công bố”.
 
Gần chục năm có dịp gần Bác, theo Bác đi viết bài đưa tin, tôi thấy mình lớn lên rất nhiều. Phải thừa nhận rằng được Bác góp ý, sửa bài tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng, đấy là niềm vinh hạnh nhất trong đời làm báo của tôi.
 
Có một lần, tôi được Trung ương cử đi công tác tại Lào, do chuyến đi bất ngờ không biết thời gian bao lâu mới về nên tôi lên chào Bác để đi. Tôi thưa với Bác: “Cháu có công tác phải đi sang Lào. Cháu lên chào Bác và xem Bác có dặn dò điều gì không”.
 
Bác Hồ cười. Rồi Bác cứ đi đi lại lại trong căn phòng, một lúc sau mới nói: “Cô thì Bác yên tâm lắm. Cô thông minh, lanh lợi, làm cũng được việc. Nhưng có một điều Bác nhắc lại với cô rất nhiều lần, cô không chịu sửa hay sửa không được, khó quá chăng?”.
 
Tôi đâm hoảng. Không biết mình có khuyết điểm gì, tôi nhè nhẹ thưa với Bác, mong Bác nói cho hay cháu sẽ cố gắng hơn. Bác nhìn tôi trìu mến: “Cô thì nhỏ con, thấp ngắn, mà bài viết lại quá dài. Cô nên nhớ này, nhà văn nhà báo nên nhớ này, viết dài thành viết dở. Nói dài, nói dại nghe chưa cô Lan”. Bác nói đơn giản vậy mà tôi thấm thía và nhớ mãi…

Nguyễn Khoa Bội Lan (kể)

Dương Phước Thu (ghi)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top