ClockThứ Năm, 14/10/2021 14:47

Nữ cán bộ vùng cao năng nổ trên nhiều mặt trận

TTH - Hết hỗ trợ người dân khắc phục bão lụt, nhiều người lại thấy chị trong các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. Bà con vùng cao A Lưới đã quá quen thuộc với người phụ nữ nhiệt tình, xắn tay vào các hoạt động giúp dân. Chị là Lê Thị Mai Loan, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện A Lưới.

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vữngTiết kiệm để giúp nhauTiếp thị sản phẩm thời đại công nghệ số

Chị Loan tham gia chương trình hỗ trợ bữa ăn cho lực lượng trực chốt tại khu phong tỏa (tổ 4 - tổ dân phố 2, thị trấn A Lưới)

“Dân cần là mình có”

Giữa cơn mưa nặng hạt, chị Loan vẫn gắng cùng những thành viên các nhóm thiện nguyện bốc hàng để trao tặng cho người dân vùng cao sau cơn bão. Mồ hôi ướt đẫm người, y hệt như lần tôi gặp chị trong chuyến vận chuyển hơn chục tấn nông sản hỗ trợ người dân miền nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (tháng 7/2021). Để tôi khỏi sốt ruột, chị Loan nhẹ nhàng dặn: “Chị làm cho xong kẻo bà con chờ, rồi mình nói chuyện sau”.

Ngày tôi lần đầu lên A Lưới công tác, chỉ tình cờ biết chị khi gặp ở cơ quan. Ấy vậy mà sau mỗi hoạt động tuyên truyền, vận động hay làm thiện nguyện, bao giờ cũng thấy có sự xuất hiện của chị. Buông câu hỏi đùa sao đi đâu cũng gặp chị (?), nữ cán bộ ấy trả lời: “Chỗ nào dân cần là mình có”.

Từng học rồi công tác trong ngành văn hóa, nhưng khi được điều động về làm công tác Mặt trận (năm 2015), chẳng ai nhận ra sự khác biệt ở chị. Lấy nhiệt huyết làm thước đo công việc, mỗi khi người dân cần tuyên truyền, hoặc có khó khăn, nữ cán bộ người con của núi rừng A Lưới lại dành hết tâm huyết. Những tháng cuối năm 2020, A Lưới đối mặt liên tục với thiên tai, bão lũ, sạt lở. Sau mỗi đợt thiên tai, chị Loan lại kết nối với nhiều nguồn, đem hỗ trợ về cho bà con. Có ngày, chị chạy đến 4 – 5 “sô”, ở nhiều xã với hàng ngàn suất quà. 7 giờ sáng đang ở xã giáp tỉnh Quảng Nam, xong chương trình, trưa chị lại chạy về những xã giáp tỉnh Quảng Trị. Cứ thế, có nhiều hôm 9 – 10 giờ tối mới về đến nhà, mệt rã rời nhưng hôm sau, nữ cán bộ ấy lại dậy sớm cùng các mạnh thường quân trao quà cho người dân. “Có lần, vừa về đến nhà là mình mệt rồi ngất xỉu. Gia đình phải đưa đi cấp cứu. Nhưng rồi khỏe lại, mình lại tiếp tục nhiệm vụ. Chân mình ngắn, nhưng là chân chạy. Ở nhà không quen”, chị Loan dí dỏm.

Công việc giúp dân ở vùng cao không phải lúc nào cũng thẳng đường, xe đến tận nơi. Trong quá trình đến thôn bản, có những lần chị Loan phải cuốc bộ, lội nước lũ để cứu trợ, mang quà đến cho người dân. Trong điều kiện khó khăn, chẳng phải lúc nào cũng giữ “hình ảnh đẹp”, trái lại, xắn quần, vứt dép đi bộ với chị là chuyện thường, chỉ cần đến được với bà con quê hương.

Trong hai năm 2020 – 2021, tần suất công việc của chị Loan dường như liên tục, ít nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Hết hỗ trợ người dân khắc phục bão lụt, rồi tuyên truyền và làm công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và hội đồng Nhân dân các cấp (nhiệm kỳ 2021 – 2026), nhiều người lại thấy chị trong các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. Không chỉ đi tuyên truyền cho người dân, chị còn trực tiếp cùng các lực lượng chức năng đi thăm, tặng quà và động viên các chốt kiểm soát, khu cách ly. Khi thị trấn A Lưới có ca dương tính đầu tiên (tháng 8/2021), tổ 4 – tổ dân phố 2 bị phong tỏa tạm thời. Chị lại kết nối, kêu gọi và duy trì chương trình “Bữa ăn sáng cùng đồng đội”, hỗ trợ các suất ăn, động viên lực lượng trực chốt.

Muốn cống hiến cho quê nhà

43 tuổi, gần 20 năm công tác sau khi tốt nghiệp Khoa Bảo tồn bảo tàng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nhưng chị Loan mới chỉ có 6 năm làm công tác mặt trận. Chị Loan kể, năm 2015 mình được điều động sang làm công tác mặt trận sau gần 12 năm làm chuyên viên Phòng Văn hóa – Thông tin. “Từ công tác Nhà nước mảng văn hóa xã hội chuyển sang công tác Đảng – Mặt trận đoàn thể không tránh khỏi những bỡ ngỡ, thậm chí khó khăn, nhưng sự quyết tâm đã giúp mình vượt lên tất cả”, chị Loan nhớ lại.

Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và vận dụng những điểm tương đồng trong công việc từ ngành văn hóa sang tuyên truyền, mỗi lần có khó khăn, chị lại đem tâm nguyện muốn cống hiến cho quê nhà ra trăn trở. Ấy vậy mà, suy nghĩ đó là giúp chị cố gắng hơn và làm tốt công việc.

Mỗi lần nhắc đến chị Loan, ông Pi Loong Mái, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện A Lưới đều tấm tắc ngợi khen, đó là nữ cán bộ tròn vai trong nhiều nhiệm vụ. Theo ông Mái, hoạt động nào được giao, từ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, an sinh xã hội hay công tác phối hợp với HĐND – UBND và các cơ quan ban ngành liên quan ở lĩnh vực chuyên môn đến vai trò là Hội thẩm Nhân dân huyện… chị Loan cũng đều nỗ lực hết mình để công việc được đạt kết quả tốt nhất.

Năm 2019, chị Loan được Đại hội Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện lần thứ X nhiệm kỳ 2019 – 2024 hiệp thương bầu làm Phó Chủ tịch. Ở cương vị lãnh đạo, nhưng việc lớn, việc nhỏ nào người phụ nữ vùng cao ấy cũng xắn tay vào làm. Mỗi lần hỏi, chị lại giải thích: “Cơ quan neo người. Mà mình làm được cứ làm”. Đằng sau những câu chuyện kể, chị Loan luôn để lại mong mỏi sẽ giúp được nhiều người dân miền sơn cước ở quê hương vươn lên, thoát nghèo…

Chị Lê Thị Mai Loan sinh năm 1978, ở xã Bắc Sơn, huyện A Lưới (nay là xã Trung Sơn). Với những những đóng góp của bản thân, chị Loan nhận được nhiều khen thưởng các cấp, trong đó có Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 năm 2021; Bằng khen của UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong tham gia công tác Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong công tác Mặt trận hàng năm (năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020); Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong công tác xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và nhiều khen thưởng khác.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo

Bằng những hoạt động, mô hình cụ thể như hỗ trợ kinh phí học tập, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng, hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Đông Ba đã đồng hành, “tiếp sức” cho trẻ em, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn phường để họ có thêm động lực, cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống.

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối

Ở chợ Phú Hậu - chợ đầu mối lớn nhất Thừa Thiên Huế, không khí bán buôn bắt đầu tấp nập từ lúc 2 giờ sáng, khi ngày mới vừa chớm qua. Tiếp sau những chuyến xe hàng chở nông sản từ các miền Nam, Bắc ghé chợ là công việc bốc dỡ và vận chuyển hàng giúp các tiểu thương của các chị cửu vạn. Công việc vất vả, nhưng tiền công mỗi chuyến chở hàng nông sản của các chị cũng chỉ được vài ngàn đồng. Có phần nhẹ nhàng hơn nhưng cũng bám chợ vất vả không kém là chị em tiểu thương có sạp hàng ổn định hay các chị “chạy hàng” nhỏ lẻ. Dẫu vậy, khi nói về “ngày của mình”, các chị cũng chỉ đơn giản: Mong gia đình bình an và bản thân đủ sức khỏe để theo chợ, bám việc mỗi ngày.

Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối
Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2024)
Phụ nữ góp phần xây dựng đô thị văn minh

“Bằng những mô hình cụ thể, việc làm thiết thực và những kết quả nổi bật, phụ nữ Thừa Thiên Huế đã và đang là nhân tố tích cực thực hiện các phong trào, cuộc vận động, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Phụ nữ góp phần xây dựng đô thị văn minh

TIN MỚI

Return to top