ClockThứ Hai, 07/11/2016 14:02
Liên quan đến đường ống xả thải của Công ty TNHH Dệt may Vinatex Quốc tế Toms ra sông Ô Lâu:

Sớm làm việc với tỉnh Quảng Trị để giám sát chặt hệ thống xả thải

TTH - Công ty TNHH Dệt may Vinatex Quốc tế Toms đóng tại Cụm công nghiệp thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đang thi công đường ống xả nước thải ra hói Zét (tên địa phương) thuộc địa bàn Quảng Trị. Từ đây, nước thải sẽ đổ về sông Ô Lâu, ra phá Tam Giang rồi ra biển. Liệu việc xả thải của công ty này có gây ô nhiễm môi trường cho Thừa Thiên Huế? Đó là câu hỏi cần được giải đáp.

Từ ý kiến người dân

Ông N.B.T, trú tại xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã gọi điện cho Báo Thừa Thiên Huế kêu cứu về việc Công ty TNHH Dệt may Vinatex Quốc tế Toms thi công đường ống xả thải đổ về sông Ô Lâu. Theo ông, việc xả nước nhuộm và các chất thải khác của công ty này không chỉ ảnh hưởng đến người dân các vùng thuộc tỉnh Quảng Trị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch UBND xã Phong Bình Nguyễn Ngọc Khánh (áo trắng, trong cùng bên phải), gặp gỡ người dân thôn Hội Điền, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tìm hiểu sự việc

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã cùng với Chủ tịch UBND xã Phong Bình Nguyễn Ngọc Khánh qua địa phận của xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng. Khi nghe thông tin chúng tôi về đây để tìm hiểu đường ống xả thải của công ty này, rất đông người dân đã tìm đến, phản ánh.

Ông V.V.H, người dân trong thôn Hội Điền, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, cho biết, đường ống xả thải của công ty từ thị trấn Hải Lăng đi qua các xã Hải Thọ, Hải Chánh, Hải Hòa, Hải Thành và đổ ra hói Zét. Nơi đây là ngã ba của sông Vĩnh Định, và Ô Lâu. Việc thi công ống xả thải ra vùng này, các cấp chính quyền không họp dân để thông báo cũng như không lấy ý kiến của người dân. Sau khi đường ống thi công đến thôn Phước Diện thuộc xã Hải Thành, người dân nơi đây mới biết và đã không cho đơn vị thi công làm; đồng thời gửi đơn đến UBND huyện Hải Lăng, UBND tỉnh Quảng Trị. Ngày 29/10, ông Phạm Đình Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cùng với các ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Trị đã về họp dân. Tuy nhiên, tại buổi họp, lãnh đạo huyện đã không giải quyết hết được những bức xúc của người dân; nhất là việc ai sẽ chịu trách nhiệm khi xảy ra ô nhiễm. lãnh đạo huyện hứa sẽ làm việc với tỉnh và trả lời sau.

Ông N.V.X, người cùng thôn Hội Điền cho biết thêm, mặc dù tại cuộc họp, lãnh đạo huyện nói với dân là sẽ không ô nhiễm, nhà máy đã có hệ thống xử lý nước thải và thải ra nước sạch. Vậy vì sao không thải ra ngay hồ Khe Chè, hồ Bàu Vịt (thuộc địa bàn thị trấn Hải Lăng), mà phải đầu tư một số tiền rất lớn xây dựng đường ống dài trên 9km để xả thải ra khu vực này, nguy cơ ảnh hưởng cả người dân Quảng Trị và Thừa Thiên Huế? Hơn nữa, nếu đường ống xả thải công ty này thi công chạy theo hướng ra biển Cửa Việt thì cũng gần hơn, sao không làm theo cách này? Đây là điều bất cập… Trong khi đó, công ty này sản xuất theo 3 quy trình: dệt, nhuộm và may, nếu không xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm trầm trọng, nhất là khi đập Cửa Lác (Thừa Thiên Huế) đóng lại, nước sẽ chảy ngược trở lại thì dân các xã thuộc tỉnh Quảng Trị sẽ điêu đứng. Đến nay, do huyện chưa giải quyết hết những thắc mắc của người dân nên người dân nơi đây không cho thi công công trình này nữa.

Sớm làm việc với tỉnh Quảng Trị

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Dự án Cụm liên hợp Dệt-Nhuộm-May Hải Lăng đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1686/QĐ-UBND ngày 13/8/2015. Riêng tuyến thoát nước thải của dự án có tổng chiều dài 9,1km với ống sắt phi 165mm đã được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý tại Công văn số 2703/UBND-NN ngày 12/7/2016. Tuyến ống xả thải đã được xử lý sẽ thải ra kênh Mai Lĩnh trên địa phận thôn Phước Điền, xã Hải Thành.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, việc xả thải của Công ty Dệt may Vinatex Quốc tế Toms Quảng Trị ra hói Zet sẽ chảy về sông Ô Lâu. Điểm xả thải cách cầu Vân Trình (xã Phong Bình) khoảng 1km. Nếu nguồn nước thải này ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống, sinh hoạt của người dân 2 bên bờ sông. Trong đó, xã Phong Bình sẽ là nơi hứng chịu đầu tiên. Ngoài ra, nguồn nước sông Ô Lâu đã và đang tưới tiêu cho 680ha lúa ở xã Phong Bình, 800ha lúa của xã Phong Chương. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì sẽ thiệt hại năng nề cho sản xuất nông nghiệp. Về phía hạ nguồn các xã Điền Hương, Điền Hải, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Môn sẽ là những địa phương sẽ gánh chịu tiếp theo. Sau đó, nước sông Ô Lâu sẽ chảy vào phá Tam Giang và ra biển. Nếu nguồn nước này bị ô nhiễm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi trồng thủy, hải sản…Trước những mối lo ngại trên, xã Phong Bình sẽ có văn bản kiến nghị với UBND huyện Phong Điền để làm việc với huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị về công nghệ xả thải của nhà máy nhằm đảm bảo môi trường nước sông Ô Lâu.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, hiện nay, huyện Phong Điền đang chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền xã Phong Bình nắm bắt tình hình. Huyện sẽ có báo cáo cụ thể với UBND tỉnh để có hướng giải quyết rốt ráo vấn đề trên.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Một trong những giải pháp quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) để ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ngay từ sớm, từ xa, tránh bị động...

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

TIN MỚI

Return to top